EVN xếp hạng tín nhiệm quốc tế, chuyên gia nói gì?

"Đây là động thái rất tích cực của EVN - một tập đoàn kinh tế Nhà nước - thể hiện mong muốn được minh bạch, được hội nhập với thế giới" là bình luận của Chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Cấn Văn Lực về sự kiện Tập đoàn Điện lực Việt Nam vừa nhận được xếp hạng tín nhiệm tích cực từ Fitch Ratings.

Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực - Nguồn ảnh: Báo Dân Trí

PV: Được Tổ chức xếp hạng tín nhiệm FitchRatings (Fitch) xếp hạng nhà phát hành nợ mức BB, EVN sẽ có được những lợi ích gì, thưa ông?

Ông Cấn Văn Lực: Thứ nhất, mức xếp hạng này sẽ giúp cho EVN hoạt động minh bạch hơn và hội nhập quốc tế sâu rộng hơn.

Thứ hai, tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn cho EVN. Đặc biệt, Tập đoàn sẽ được vay vốn từ nước ngoài với mức lãi suất tương đương mức lãi suất quốc gia đi vay. Trong bối cảnh dòng vốn ODA cho Việt Nam đang giảm và Chính phủ không bảo lãnh cho doanh nghiệp nhà nước, thì mức xếp hạng này có ý nghĩa rất tích cực trong việc giúp EVN đa dạng hóa nguồn vốn, thu xếp vốn đầu tư cho các công trình điện.

Thứ ba, giúp EVN có khả năng tiếp cận các đối tác, các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, trong bối cảnh Tập đoàn đang đẩy mạnh tái cơ cấu, cổ phần hóa các đơn vị trực thuộc.

PV: Bên cạnh lợi ích, mức tín nhiệm này có là thách thức đối với EVN không, thưa ông?

Ông Cấn Văn Lực: Phải khẳng định rằng, song hành với những lợi ích, kết quả tín nhiệm trên cũng đặt ra những thách thức nhất định đối với EVN. Đầu tiên, EVN phải làm sao để duy trì được mức xếp hạng tín nhiệm luôn luôn bằng mức trần hệ số tín nhiệm quốc gia trong những năm tiếp theo. Điều này không đơn giản!

Ngoài ra, để tiếp tục duy trì được mức xếp hạng này và huy động được các nguồn vốn nước ngoài, EVN phải tiếp tục phấn đấu, nỗ lực nhiều hơn nữa trong việc nâng cao năng lực tài chính, quản trị điều hành và minh bạch hóa thông tin.

"Fitch Ratings xếp hạng EVN là nhà phát hành nợ ở mức BB, với “Viễn cảnh ổn định” và tương đương với trần xếp hạng của quốc gia cho thấy năng lực tài chính, quản trị điều hành, minh bạch hóa thông tin cũng như các tiêu chí khác của EVN đã tốt hơn, có nhiều đổi mới, cải tiến theo hướng tích cực."

Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực

PV: Là một chuyên gia kinh tế, ông có lời khuyên nào để EVN “hóa giải” những thách thức này?

Ông Cấn Văn Lực: Tôi cho rằng, EVN phải quyết tâm áp dụng mô hình quản trị doanh nghiệp theo thông lệ quốc tế; trong đó yêu cầu về minh bạch hóa thông tin, minh bạch hóa hoạt động cũng như cấu trúc sở hữu, quản trị điều hành phải hướng dần theo thông lệ quốc tế.

EVN phải đẩy mạnh tái cơ cấu, đặc biệt là trong bối cảnh nhu cầu về điện năng của Việt Nam đang tăng trưởng tương đối nhanh. Hiện quá trình tái cơ cấu EVN đã đạt được một số kết quả tích cực nhưng cần phải tiếp tục đẩy nhanh tiến độ hơn nữa, ở tất cả các mảng khác nhau từ sản xuất, phân phối đến tiêu thụ điện năng...

Cùng với đó, Tập đoàn cần phấn đấu giảm tổn thất điện năng hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới.

Ngoài ra, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, EVN phải tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào hoạt động sản xuất, kinh doanh; chú trọng phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, nhằm giúp EVN nói riêng, đất nước Việt Nam nói chung phát triển bền vững.

Tôi cho rằng, sự đổi mới của EVN sẽ góp phần thúc đẩy các tập đoàn kinh tế nhà nước khác mạnh dạn tiếp cận với các tổ chức xếp hạng trên thế giới, để được xếp hạng tín nhiệm. Với kinh nghiệm của mình, EVN có thể chia sẻ, hỗ trợ các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước khác về vấn đề này.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!


  • 11/06/2018 04:16
  • Minh Tâm (thực hiện)
  • 13294