Ông Nguyễn Hữu Hường - Trưởng thôn 4, xã Bình Trung, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, trước đây, do không có đường dây hạ thế, người dân tự góp tiền kéo điện phục vụ sinh hoạt, sản xuất hoặc phải chạy máy bơm nên chi phí rất cao. Công ty Điện lực Bà Rịa - Vũng Tàu đã đầu tư hơn 2 km hạ thế, 1 trạm biến áp 50 kVA để tăng phụ tải, phục vụ nhu cầu tưới tiêu và sinh hoạt của người dân trong thôn.
Tại tỉnh Lâm Đồng, ông Bùi Văn Hùng - Chủ tịch UBND huyện Cát Tiên vui mừng nói, bà con đồng bào dân tộc thiểu số vùng lõi rừng quốc gia Cát Tiên được sử dụng điện lưới quốc gia ngay trong dịp Tết Mậu Tuất 2018. Đến nay, toàn tỉnh Lâm Đồng có 99,39% số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia; trong đó, khu vực nông thôn là 98,64%. Việc hoàn thành cấp điện cho các thôn chưa có điện trên địa bàn tỉnh là cơ sở để thực hiện hiệu quả Chương trình Mục tiêu về xóa nghèo bền vững, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, gắn với xây dựng nông thôn mới, góp phần nâng cao đời sống tinh thần, vật chất của người dân khu vực nông thôn.
Tổng công ty Điện lực miền Nam cũng đã triển khai hàng loạt công trình cấp điện cho hệ thống trạm bơm tưới tiêu phục vụ nông nghiệp trên địa bàn tỉnh An Giang, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương, giúp người dân và doanh nghiệp mở rộng kinh doanh, xây dựng nhiều mô hình sản xuất giỏi, mang lại hiệu quả cao. Nguồn điện lưới đã giúp ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật công nghệ cao để tăng năng suất, chất lượng tại các huyện Thoại Sơn, Tịnh Biên, Tri Tôn, Châu Thành, Châu Đốc... Đặc biệt, điện giúp người dân xây dựng nhiều mô hình kinh tế trang trại chăn nuôi bò sạch, chuối cấy mô nhập từ Úc 60 ha… hiệu quả cao.
Theo Giám đốc Điện lực Tịnh Biên (Công ty Điện lực An Giang), từ khi đưa vào vận hành trạm biến áp 1.600 kVA cấp điện cho hệ thống cáp treo Núi Cấm, đã giúp ngành du lịch An Giang thu hút hàng chục nghìn lượt khách đến tham quan, du lịch Núi Cấm bằng cáp treo.
Ở vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer, Sóc Trăng giờ đây đã thấy rõ sự thay đổi nhờ nguồn điện. Tại các huyện Trần Ðề, Mỹ Xuyên, Kế Sách, Cù Lao Dung…, từ khi có điện về tới phum, sóc, trẻ em được học hành thuận lợi, người già được xem truyền hình; có điện để trồng trọt, chăn nuôi, mở thêm nhiều nghề mới. Hàng nghìn hộ nuôi tôm ở Sóc Trăng đã được hưởng lợi từ các dự án đưa điện 3 pha đến vùng nuôi tôm công nghiệp, nhiều hộ có thu nhập hàng tỷ đồng/năm.
Giám đốc Công ty Ðiện lực Sóc Trăng Huỳnh Minh Hải cho biết, đến nay, Sóc Trăng phát triển lưới điện phủ khắp toàn bộ trung tâm xã, phường, thị trấn, đưa tỷ lệ gia đình có điện trên toàn tỉnh Sóc Trăng lên 99,6%, trong đó, tỷ lệ hộ đồng bào Khmer có điện lên tới 91,8%.
Trên địa bàn 21 tỉnh, thành phố phía Nam, hiện có 2.513/2.513 xã, phường, thị trấn có điện, đạt tỷ lệ 100%; số hộ dân có điện là 7,67 triệu hộ, đạt tỷ lệ 99,4%, trong đó, số hộ dân nông thôn có điện 5,11 triệu hộ, đạt tỷ lệ 99,18%.
Năm 2018, EVNSPC đầu tư trên 8.000 tỷ đồng cho hệ thống điện; trong đó, nhiều dự án cấp điện cho các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa được đưa vào vận hành.
|