TS. Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê
|
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng thấp được cho là điều kiện thuận lợi để điều chỉnh giá điện và một số hàng hóa, dịch vụ khác do Nhà nước định giá để tiếp cận với giá thị trường. Tuy nhiên, việc tăng giá điện chắc chắn tác động tới hoạt động sản xuất, kinh doanh, thưa ông?
Điện là sản phẩm vừa sử dụng trong sản xuất và cho tiêu dùng. Vì vậy, việc tăng giá điện không chỉ tác động trực tiếp đến hầu hết các ngành sản xuất - kinh doanh do các ngành đều sử dụng điện làm chi phí đầu vào, mà còn ảnh hưởng lớn đến các ngành còn lại và tác động đến tiêu dùng cuối cùng của dân cư.
Việc tăng giá điện làm tăng chi phí đầu vào của các ngành sản xuất, kinh doanh và tác động tới tăng trưởng kinh tế. Chính phủ đã cân nhắc kỹ và có giải pháp để việc tăng giá điện không ảnh hưởng tới thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế của năm 2015. Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, tăng giá điện 7,5% sẽ làm tăng chỉ số CPI của năm 2015 khoảng 0,46%.
Hóa chất, xi măng, luyện thép là 3 lĩnh vực sử dụng điện vô cùng lớn. Vì vậy, giá điện tăng thêm 7,5% sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động của 3 lĩnh vực này, đặc biệt là việc hạ giá thành để gia tăng xuất khẩu vì nguồn cung xi măng, sắt thép trong nước đã vượt cầu?
Theo tính toán của chúng tôi, việc tăng giá điện 7,5% làm tăng giá sản xuất của ngành hóa chất 0,85%, ngành luyện thép 0,53% và ngành xi măng 0,35%. Như vậy, các ngành này sẽ giảm bớt lợi thế chi phí đầu vào là điện ở mức thấp, mà phải chấp nhận cạnh tranh với các nước.
Muốn đẩy mạnh xuất khẩu, các ngành này cần phải đổi mới công nghệ, giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất lao động…, để giảm giá thành và nâng cao chất lượng sản phẩm và như vậy mới cạnh tranh với sản phẩm cùng loại của các nước trong khu vực và trên thế giới.
Có ý kiến cho rằng, giá bán lẻ điện thấp khiến ngành Điện khó thu hút vốn đầu tư nước ngoài, nhưng tăng giá điện lại ảnh hưởng tới việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài ở các lĩnh vực khác. Ông bình luận về ý kiến này thế nào?
Đúng là có nghịch lý trên, tuy nhiên, không nên khuyến khích các ngành sử dụng nhiều năng lượng và tài nguyên quốc gia, vì về lâu dài sẽ ảnh hưởng xấu đến tăng trưởng bền vững và cạn kiệt tài nguyên của đất nước. Thu hút vốn đầu tư nước ngoài trong giai đoạn này cần ưu tiên những ngành có hàm lượng khoa học kỹ thuật cao, mang lại giá trị giá tăng cao và có tác động lớn đến sản xuất - kinh doanh của các ngành khác, cũng như có tác động ít nhất đến môi trường.
Theo ông, tăng giá điện tác động thế nào tới việc bảo đảm tốc độ tăng trưởng GDP 6,2% và kiềm chế lạm phát trong năm nay?
Trước khi quyết định tăng giá điện, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ các tác động đến giá cả và tăng trưởng kinh tế của năm 2015.
Hoạt động sản xuất - kinh doanh trong 2 tháng đầu năm 2015 đang có xu hướng tăng trưởng tốt, thể hiện ở chỉ số sản xuất công nghiệp so với cùng kỳ năm trước của tháng 1 tăng 16,4%, tháng 2 tăng 7%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cũng có xu hướng tăng cao, tháng 1 tăng 11,9% (đã loại trừ yếu tố giá), tháng 2 tăng 11,6%. CPI trong 2 tháng đầu năm đều giảm lần lượt là 0,2% và 0,05%.
Với tình hình sản xuất - kinh doanh và lạm phát rất thuận lợi trong 2 tháng đầu năm, có thể nhận định, việc tăng giá điện có những tác động không thuận vào tăng trưởng kinh tế và lạm phát, song mục tiêu tăng trưởng GDP ở mức 6,2% sẽ vẫn đạt được và lạm phát vẫn được kiềm chế.