Giải pháp nào giảm tỷ lệ tổn thất điện năng trên lưới điện truyền tải?

Giảm tỷ lệ tổn thất điện năng trên lưới điện truyền tải từ 2,34% (năm 2015) xuống còn 2,1% năm 2016 và 1,8% năm 2020 là nhiệm vụ vô cùng khó khăn đối với Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia và các đơn vị thành viên. Hãy cùng lắng nghe “hiến kế” từ các chuyên gia và những giải pháp cụ thể từ phía đơn vị truyền tải.

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Viện trưởng Viện Năng lượng, Bộ Công Thương: “Đầu tư, cải tạo lưới điện truyền tải đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật”

Trong Quy hoạch điện VII (điều chỉnh) đã có định hướng phát triển lưới điện truyền tải là xây dựng và nâng cấp lưới điện, từng bước đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật của lưới điện truyền tải. Mục tiêu đến năm 2020, lưới điện truyền tải đạt tiêu chuẩn độ tin cậy n-1 cho các thiết bị chính và bảo đảm đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng theo quy định. Từ đó góp phần giảm tỷ lệ tổn thất điện năng.

Để đạt được mục tiêu trên, trong năm 2016, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia và các đơn vị cần xây dựng kế hoạch đầu tư, cải tạo, nâng cấp hệ thống lưới điện truyền tải đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật, thiết kế sơ đồ trạm theo hướng linh hoạt; đơn giản hóa, phân tách các vùng truyền tải theo hướng độc lập tương đối, tránh sự cố lây lan.

Đồng thời, việc đầu tư phải phù hợp với tiến độ xây dựng các công trình nguồn điện. Đặc biệt là xây dựng hệ thống đường dây 500 kV, 220 kV, truyền tải điện từ các trung tâm điện lực lớn như, Vĩnh Tân, Duyên Hải… về các trung tâm phụ tải. Từ đó khắc phục được tình trạng quá tải, nghẽn mạch, nâng cao chất lượng điện áp. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý nhà nước cần sớm ban hành chi phí đấu nối để ràng buộc trách nhiệm của các nhà đầu tư nguồn điện đối với lưới điện; tích cực phối hợp với chính quyền các địa phương trong việc thực hiện bồi thường giải phóng mặt, đảm bảo tiến độ xây dựng các công trình lưới điện. 

GS.VS Trần Đình Long - Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam: “Cần đảm bảo cân bằng công suất và sản lượng điện tiêu thụ trong từng khu vực”

Thời gian qua, nhu cầu sử dụng điện tại các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam liên tục gia tăng và tăng nhiều hơn so với miền Bắc, miền Trung. Trong khi đó, một số dự án nguồn điện khu vực phía Nam lại chưa kịp thời đưa vào vận hành hoặc vận hành không ổn định. Vì vậy, trong nhiều năm, vào cao điểm mùa nắng nóng, miền Bắc và miền Trung phải chuyển tải một sản lượng điện lớn vào các tỉnh thành khu vực phía Nam. Điều này đồng nghĩa với việc đường dây 500 kV Bắc – Nam liên tục phải truyền tải công suất cao. Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng lý giải tại sao tỷ lệ tổn thất điện năng trên lưới truyền tải thời gian qua còn cao!

Để khắc phục, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới là phải đảm bảo cân bằng công suất và sản lượng điện tiêu thụ trong từng khu vực. Hiện nay, các nhà máy thủy điện khu vực phía Bắc đã gần như khai thác hết. Trong khi đó, tại các tỉnh, thành khu vực phía Nam đã và đang tập trung xây dựng các trung tâm nhiệt điện, ưu tiên đầu tư phát triển các nguồn điện sử dụng năng lượng tái tạo. Vì vậy, yêu cầu về đảm bảo tiến độ đưa vào vận hành an toàn, ổn định các nhà máy này là hết sức cấp bách, góp phần giảm dần việc trao đổi công suất giữa các vùng, miền.

Ngoài ra, việc điều khiển chế độ điện áp vận hành trên lưới cũng như chế độ công suất phản kháng trên lưới phải hợp lý. Trong quá trình vận hành, cấu hình (sơ đồ kết dây) của lưới điện cũng đóng một vai trò quan trọng, cần phối hợp sửa chữa thiết bị, đại tu vào thời gian thích hợp, tránh quá tải đường dây và trạm biến áp đang vận hành. 

Ông Hồ Công - Phó giám đốc Công ty Truyền tải điện 3 (PTC3): “Tăng cường quản lý và đảm bảo vận hành an toàn lưới điện truyền tải”

Hiện nay, PTC3 đang quản lý vận hành gần 4.300 km đường dây và 12 trạm biến áp với tổng dung lượng hơn 6.300 MVA. 

Trong 3 tháng đầu năm 2016, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, thời tiết nắng nóng, khô hạn tại các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, nhiều nhà máy thủy điện vừa và nhỏ trong khu vực thiếu nước (như Sông Ba Hạ, Vĩnh Sơn, An Khê, Hàm Thuận, Sê San 3,3A, 4, 4A, Buôn Kuốp...), sản lượng điện phát thấp. Để đáp ứng được nhu cầu phụ tải của các tỉnh Đắk Lắk, Ninh Thuận, Khánh Hòa, buộc phải tăng cường sản lượng điện truyền tải qua các đường dây 500 kV, 220 kV từ miền Bắc vào. Ngoài ra, do phụ tải tăng cao của khu vực tỉnh Bình Định và Lâm Đồng, nên một số máy biến áp thường xuyên vận hành trong tình trạng đầy tải. 

Xác định rõ các khó khăn, PTC3 đã xây dựng phương án và kịp thời đưa vào vận hành một số công trình cấp bách như: Lắp mới máy biến áp AT1-125 MVA Trạm 220 kV Tuy Hòa, nghiệm thu đóng điện tháng 2/2016; nâng công suất MBA AT2 Trạm 220 kV Krôngbuk từ 125 MVA lên 250 MVA, nghiệm thu đóng điện tháng 2/2016; đóng điện TBA 500 kV Pleiku 2 giai đoạn 1,2,3 (tháng 3/2016). 

Đồng thời, Công ty còn đảm bảo vận hành đúng phương thức kết dây cơ bản, lưới điện truyền tải vận hành an toàn ổn định phục vụ cung cấp điện cho phát triển kinh tế xã hội khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên. Kết quả, trong quý I/2016, tỷ lệ tổn thất điện năng trên toàn lưới điện truyền tải của Công ty Truyền tải điện 3 là 1,58% (giảm 0,07% so với cùng kỳ năm 2015).

Thời gian tới, PTC3 sẽ tiếp tục tăng cường công tác quản lý, đầu tư xây dựng và sớm đưa vào vận hành các công trình lưới điện trên địa bàn. Từ đó, đảm bảo lưới điện truyền tải vận hành an toàn, giảm tỷ lệ tổn thất điện năng xuống mức thấp nhất, góp phần vào mục tiêu chung của Tổng công ty. 


  • 03/06/2016 10:17
  • Theo TCĐL Chuyên đề Quản lý và Hội nhập
  • 9681