Giải quyết được vấn đề giá điện, sẽ không thiếu các nhà đầu tư

Bên hành lang Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ 2013 với chủ đề “Giai đoạn mới của tiến trình cải cách kinh tế - Từ chương trình tới hành động” diễn ra ngày 3/6/2013, ông Alain Cany-  Đồng Chủ tịch VBF 2013 đã trả lời phỏng vấn xoay quanh vấn đề đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tại Việt Nam.

Chủ tịch VBF Alain Cany

PV: Qua sự cố gây mất điện toàn miền Nam của Việt Nam gần đây, ông có đánh giá như thế nào về vấn đề thu hút đầu tư vào ngành Điện của Việt Nam?

Chủ tịch VBF Alain Cany: Với ngành Điện, thực tế  là với giá điện còn thấp như hiện nay thì không cho phép nhiều nhà đầu tư có thể nhảy vào lĩnh vực này được bởi không sinh lợi nhuận. Chính phủ Việt Nam mong muốn giá điện có thể điều chỉnh theo cơ chế thị trường, nhưng các động thái thực tế lại không thể làm một cách mạnh mẽ do lo ngại làm tăng chỉ số CPI. Tuy nhiên, nếu trì hoãn việc tăng giá điện thì sẽ khiến doanh nghiệp tư nhân ngần ngại đầu tư vào thị trường điện. Đây là mâu thuẫn trong chính sách, Việt Nam cần giải quyết một cách nhanh chóng và rõ ràng.

PV: Như vậy, tăng giá điện thì các cơ quan quản lý lo ngại ảnh hưởng đến CPI (lạm phát), nhưng nếu không tăng lại không thu hút được đầu tư vào ngành Điện. Theo quan điểm của ông cần phải xử lý mâu thuẫn này như thế nào?

Chủ tịch VBF Alain Cany: Theo quan điểm của tôi, thời điểm này, chưa phải là thời điểm để tăng giá điện ở mức mạnh, nhưng tăng ở mức nền kinh tế có thể chịu đựng được là điều nên làm, trước sau vẫn phải làm nếu Việt Nam muốn thu hút đầu tư vào ngành Điện để giảm gánh nặng cho EVN. Bởi không thu hút được đầu tư từ khu vực tư nhân cũng như nước ngoài vào các dự án điện cũng có nghĩa là tình trạng căng thẳng về nguồn cung ứng điện, quá tải và đầy tải truyền tải Bắc – Nam với nguy cơ sự cố cao vẫn tồn tại từ năm này qua năm khác. Kéo theo đó là chất lượng điện năng không ổn định, thậm chí có thời điểm bị mất điện sẽ ảnh hưởng to lớn đến nền kinh tế. Về phía doanh nghiệp, họ sẵn sàng trả hoá đơn tiền điện cao hơn, nhưng được hưởng dịch vụ cũng như chất lượng điện năng thật tốt và ổn định thay vì giá thấp mà cứ phải đầu tư, dự phòng máy phát điện hết sức tốn kém.

PV: Nếu giải quyết được những mâu thuẫn đó, ông dự đoán thế nào về khối lượng và quy mô vốn đầu tư sẽ đổ vào lĩnh vực hạ tầng cho ngành Điện?

Chủ tịch VBF Alain Cany: Tôi cũng đã có nhiều dịp được đón nhiều đoàn đại biểu cấp cao của Chính phủ Việt Nam tới thăm các nước tại châu Âu như Anh, Pháp, Đức… Chúng tôi thấy có một khoản tiền nhiều tỷ USD trên thế giới sẵn sàng đổ vào đầu tư kết cấu hạ tầng cho ngành Điện. Đương nhiên khi giải quyết được khâu pháp lý, sự minh bạch trong các dự án kết cấu hạ tầng đặc biệt là đảm bảo cho nhà đầu tư có lợi nhuận qua việc bán điện thì vốn đầu tư này sẽ chảy vào Việt Nam.

Alain Cany nguyên là Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu (EuroCham), Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam.

Ông được biết đến là người có hàng chục năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng và giữ nhiều chức vụ cao cấp của Tập đoàn Credit Commercial de France và HSBC, ông có thời gian dài làm việc ở Pháp, Canada, Hàn Quốc, Hongkong và nhiều nước Châu Á khác.

 


  • 05/06/2013 11:24
  • Ngọc Thọ
  • 3820


Gửi nhận xét