Giảm thiểu tổn thất khi sử dụng điện hiệu quả

Tiết kiệm tối thiểu 2% tổng điện năng tiêu thụ; giảm công suất phụ tải đỉnh của hệ thống điện ít nhất 3,0%; có 50% các toà nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu, vào năm 2030... Ðó là một trong những mục tiêu được tỉnh đề ra trong kế hoạch tiết kiệm điện trên địa bàn tỉnh từ nay đến năm 2025 và những năm tiếp theo.

Tỉnh còn đề ra mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2025, 100% năng lượng chiếu sáng đường phố sử dụng đèn LED và giảm tổn thất điện năng trên hệ thống lưới điện phân phối 5,5% vào năm 2025.

Theo đó, để đạt được những mục tiêu này, Chủ tịch UBND tỉnh đã có Chỉ thị số 06/CT-UBND, yêu cầu các cơ quan, công sở, đơn vị sở hữu vận hành toà nhà văn phòng, trường học, bệnh viện... xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện hiệu quả nội quy, quy định về tiết kiệm điện, sử dụng, bảo dưỡng và sửa chữa các trang thiết bị tiêu thụ điện tại cơ quan, đơn vị. Phổ biến, quán triệt việc thực hiện tiết kiệm điện đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, đưa nội dung tiết kiệm điện vào chỉ tiêu đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ, chấp hành kỷ luật nội bộ và thi đua khen thưởng hằng năm. Người đứng đầu tại cơ quan, công sở chịu trách nhiệm đối với những trường hợp vi phạm các quy định về tiết kiệm điện tại đơn vị mình.

Sử dụng năng lượng mặt trời cho đèn chiếu sáng công cộng, giải pháp tiết kiệm điện năng hiệu quả

Tận dụng và huy động các nguồn lực để lắp đặt, sử dụng hệ thống điện mặt trời trên mái nhà, hệ thống đun nước nóng từ năng lượng mặt trời để giảm tiêu thụ điện từ hệ thống điện quốc gia. Ngoài ra, khi mua sắm trang thiết bị phải thực hiện nghiêm túc Quyết định số 68/2011/QÐ-TTg, ngày 12/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục phương tiện, thiết bị tiết kiệm năng lượng được trang bị, mua sắm đối với cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách Nhà nước; sử dụng các thiết bị điện được dán nhãn năng lượng.

Theo dự báo, nhu cầu sử dụng điện thời gian tới tiếp tục tăng cao, trong khi đó nguồn cung ứng điện dự báo tiếp tục gặp khó khăn do thiên tai, thời tiết, nguồn nhiên liệu than, khí... Sản xuất điện vẫn còn tiềm ẩn rủi ro, từ đó nguy cơ thiếu điện luôn ở mức cao nếu các giải pháp đảm bảo cung ứng điện không được triển khai hiệu quả, nhất là việc tiết kiệm điện.

Trên địa bàn tỉnh, để tiết kiệm điện, nhiều giải pháp đã được triển khai từ tỉnh đến cơ sở. Theo đó, từ đầu năm đến nay đã tiết kiệm được hơn 20,597 triệu kWh. Tuy nhiên, nhu cầu điện luôn tăng ở mức khá cao, từ đầu năm đến nay sản lượng điện thương phẩm cung cấp đã tăng hơn 14,6% so với cùng kỳ năm 2023 và dự báo nhu cầu này tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Ông Thiều Văn Minh, Phó giám đốc Công ty Ðiện lực Cà Mau, cho biết, nhằm đảm bảo vận hành tối ưu lưới điện phân phối, sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng và giảm tổn thất điện năng trên toàn hệ thống, tiến tới việc cung cấp tốt nhất nguồn điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đơn vị đã và đang tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp quản lý kỹ thuật, đầu tư, cải tạo và nâng cấp lưới điện; tăng cường công tác quản lý kỹ thuật, hạn chế sự cố, đảm bảo lưới điện vận hành an toàn, ổn định, tin cậy...

Tuy nhiên, để giảm nguy cơ thiếu điện, bên cạnh nỗ lực của các cơ quan chức năng thì vai trò người sử dụng điện là nhân tố quyết định. Việc hình thành thói quen tắt các thiết bị điện không cần thiết và cắt nguồn điện nếu không sử dụng trong cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, công sở và trong cộng đồng dân cư, khách hàng tại các cơ sở kinh doanh thương mại, dịch vụ, nhà hàng, cơ sở lưu trú... có ý nghĩa quan trọng để đảm bảo đủ nguồn điện cung ứng cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Link gốc