Hậu Giang nỗ lực đưa điện về nông thôn

Thời gian qua, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và Điện lực tỉnh Hậu Giang đã nỗ lực đưa điện lưới quốc gia về vùng sâu. Ðiện về góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân…

Tỉnh Hậu Giang nằm trong vùng trũng của khu vực đồng bằng sông Cửu Long, có hệ thống sông, ngòi, kênh, rạch chằng chịt gây khó khăn trong việc xây dựng hệ thống điện, nhất là ở các vùng sâu, vùng lõm. Vì thế, mỗi khi có tuyến điện từ dự án cấp điện nông thôn của điện lưới quốc gia, giai đoạn 2016-2020 (Ðề án 2081) kéo về, người dân rất vui mừng.

Vừa rồi, khi tuyến kênh Châu Bộ, ấp Long Phụng A, xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp được đầu tư kéo điện quốc gia, hơn 30 hộ dân ở đây mừng vui khôn xiết. Nhà nhà bắt đầu tính chuyện mua sắm các thiết bị sử dụng điện. Gia đình bà Nguyễn Thị Hằng đã mua ngay chiếc ti-vi, bởi theo bà lâu nay, cái xóm vùng sâu hẻo lánh này "đói" thông tin cũng như các hoạt động vui chơi giải trí.

"Hơn mười năm sử dụng điện câu đuôi, vừa không an toàn, vừa rất yếu, nấu nồi cơm hoài không chín nổi, lại phải trả tiền điện cao ngất ngưởng. Còn bây giờ sướng rồi, ai cũng lo chí thú làm ăn, có tiền mua sắm ti-vi, tủ lạnh…".

Mỗi lần đưa vật tư vào để kéo điện ở vùng sâu, đường sá khó khăn, phải đi bằng đường sông, kênh, rạch, nhưng các công nhân điện lực đều cảm thấy vui lây với niềm vui sắp có điện của bà con. Các anh được người dân đối xử như những vị khách quý, thân thiện như người nhà.

Anh Phan Tấn Ðức, nhân viên kỹ thuật của Ðiện lực Phụng Hiệp tâm sự: "Cực lắm, nhưng thấy bà con vui, nhiệt tình lo mời cơm nước đầy đủ, có hôm còn được mần gà, mần vịt đãi, anh em tụi tôi thấy ấm lòng, làm việc hết mình".

Ðiện lưới quốc gia kéo về tận nhà, tạo điều kiện cho cuộc sống người dân đủ đầy hơn. Nhiều gia đình đã lên kế hoạch sắm ti-vi, tủ lạnh, máy bơm nước, máy làm đất, máy xay xát… phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Ông Lâm Văn Nết chia sẻ: "Từ khi có điện, bà con nghe đài, xem ti-vi, biết được tin tức mọi nơi, nâng cao hiểu biết, nâng cao ý thức cảnh giác giữ gìn an ninh trật tự. Như gia đình tôi, việc xem các chương trình khuyến nông trên ti vi đã thành thói quen. Qua đây, tôi có thể học hỏi thêm kinh nghiệm, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào canh tác lúa, mía".

Giám đốc Ðiện lực Phụng Hiệp Lý Quốc Phong chia sẻ, thời gian qua, không riêng huyện Phụng Hiệp mà trên tất cả các địa phương của tỉnh đã kéo nhiều tuyến điện từ nhiều nguồn vốn về phục vụ người dân nông thôn. Ðiện về đã góp phần đổi thay đời sống người dân, đồng thời, tạo ra động lực quan trọng để địa phương hoàn thành tốt các chỉ tiêu kinh tế - xã hội.

Chủ tịch UBND huyện Phụng Hiệp Nguyễn Chí Hùng cho biết: "Phụng Hiệp là một trong những huyện thuần nông, khó khăn nhất của tỉnh. Việc triển khai dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia trên địa bàn huyện đã góp phần thực hiện công bằng, an sinh xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết giữa các dân tộc, giữ vững an ninh - chính trị và trật tự an toàn xã hội; tạo điều kiện chuyển đổi cơ cấu sản xuất của người dân khu vực nông thôn. Qua đó, góp phần cải thiện và thu hẹp dần khoảng cách phát triển trong vùng".

Trong những năm qua, với sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, ngành Điện lực tỉnh Hậu Giang đã đầu tư gần 700 tỷ đồng xây dựng 1.630 km đường dây trung thế, 3.600 km đường dây hạ thế, đem điện phục vụ gần 200 nghìn hộ dân. Riêng năm 2018, ngành Điện Hậu Giang đầu tư mới 13 công trình lưới điện phân phối với tổng mức đầu tư 111,4 tỷ đồng, trong đó, có nhiều công trình lưới điện trung thế, nhằm bảo đảm tăng khả năng cung cấp điện và nâng cao độ tin cậy cung cấp điện cho phụ tải khu công nghiệp, cấp điện cho các khu vực dân cư nông thôn chưa có điện, xóa dần tình trạng câu đuôi không an toàn…

Theo thống kê của Sở Công Thương Hậu Giang, đến nay, toàn tỉnh có hơn 194 nghìn hộ có điện sử dụng, đạt hơn 99,6%. Hiện còn khoảng hơn 3.000 hộ dân chưa tiếp cận được nguồn điện lưới quốc gia, trong đó có gần 750 hộ chưa có điện, còn lại là số hộ sử dụng điện không an toàn, chủ yếu trên các tuyến điện đứt khúc, đứt quãng phải câu đuôi, kéo chuyền ở các xã vùng sâu, vùng xa, tuyến chưa có đường đi, giao thông còn khó khăn, mật độ dân cư thưa thớt, nằm sâu trong kênh, rạch. Tuy nhiên, do còn khó khăn về nguồn vốn, trong khi suất chi phí đầu tư cấp điện bình quân/hộ rất cao, cho nên ngành điện chưa thể giải quyết dứt điểm tình trạng này.

Phó Giám đốc Sở Công Thương Hậu Giang Nguyễn Văn Thậm cho biết, mới đây, kỳ họp thứ 11 (bất thường) của HÐND tỉnh Hậu Giang khóa IX, nhiệm kỳ 2016-2021 đã thống nhất thông qua Nghị quyết số 06/NQ-HÐND ngày 23/4/2019 về dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia, tỉnh Hậu Giang, giai đoạn 2016 - 2020. Theo đó, tổng mức đầu tư dự án này là 482 tỷ đồng, với hình thức đầu tư xây dựng mới, từ các nguồn vốn: ngân sách T.Ư (Chương trình mục tiêu Cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo, giai đoạn 2016 - 2020); vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài và ngân sách địa phương. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2019 đến 2020.

Dự án này được đầu tư sẽ phục vụ nhu cầu sử dụng điện của các hộ dân vùng sâu, vùng xa, vùng chưa có điện. Dự án sẽ đáp ứng nhu cầu cung cấp điện cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, từng bước nâng cao đời sống dân trí cho người dân vùng nông thôn. Mục tiêu phấn đấu là đến năm 2020, cơ bản đưa điện lưới quốc gia phủ kín vùng nông thôn còn nhiều khó khăn của Hậu Giang.


  • 21/06/2019 07:40
  • Theo Nhân dân
  • 9233