Hệ thống điện quốc gia cần phải vận hành linh hoạt

Đó là kết luận của Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Nhà nước Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia (Thông báo số 183/ TB- VPCP ngày 29/4/2014 của Văn phòng Chính phủ).

Phát triển mạnh nguồn và lưới điện

Theo đánh giá của Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải, trong thời gian qua, các công trình nguồn và lưới điện được phát triển mạnh mẽ, trong 3 năm 2011-2013, công suất nguồn mới đưa vào đạt khoảng 10.000 MW, đáp ứng nhu cầu điện, nguồn điện và đã có dự phòng. Có được kết quả trên là nhờ các thanh viên Ban Chỉ đạo Nhà nước đã tích cực thực hiện các nhiệm vụ được giao, hỗ trợ các doanh nghiệp ngành Điện tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án điện.

Các Tập đoàn: Điện lực Việt Nam (EVN), Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) có nhiều cố gắng trong việc quản lý vận hành và đầu tư phát triển các công trình điện.

Hệ thống nguồn điện được phát triển mạnh mẽ trong thời gian qua - Ảnh PV

Ngoài ra, việc đưa vào vận hành thị trường phát điện cạnh tranh chính thức, thực hiện điều chính giá bán điện theo cơ chế thị trường là hướng đi đúng, tạo cạnh tranh, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành Điện và tăng cường năng lực của các doanh nghiệp ngành Điện.

Phó thủ tướng khẳng định, trong các năm 2014-2015, về cơ bản hệ thống điện đáp ứng được nhu cầu điện cho phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Tuy nhiên, việc bảo đảm cung cấp điện vẫn còn nhiều thách thức, khu vực miền Nam không có công suất dự phòng hoặc dự phòng thấp, điện năng nhận từ miền Bắc và miền Trung vào lớn; khí đốt cung cấp cho sản xuất điện năm 2014 giảm so với năm trước. Vì thế, phải tăng cường nhận điện qua đường dây 500 kV hoặc huy động cao nguồn nhiệt điện đốt dầu, dẫn đến tăng giá thành sản xuất điện. Bên cạnh đó, cần đề ra nhiều giải pháp trong điều hành hệ thống điện, nhằm đảm bảo hài hòa các mục tiêu kinh tế, kỹ thuật và an ninh hệ thống. Việc đảm bảo cung cấp điện cho giai đoạn (2017-2020) cũng còn nhiều rủi ro, nhiều dự án điện đầu tư theo hình thức BOT việc đàm phán hợp đồng kéo dài, có dự án do các tập đoàn trong nước đầu tư, dù đã khởi công xây dựng nhưng vẫn còn vướng mắc trong thu xếp vốn, cơ chế thực hiện…

Phải đảm bảo đủ điện

Để bảo đảm cung cấp đủ điện cho giai đoạn tới, Phó thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành cần hỗ trợ chủ đầu tư các dự án nguồn, lưới điện trong việc thu xếp vốn, trong giải phóng mặt bằng; chủ đầu tư các dự án nguồn, lưới điện cần tích cực hơn nữa trong thực hiện các dự án được giao, báo cáo cấp có thẩm quyền các khó khăn vướng mắc để giải quyết kịp thời.

Phó thủ tướng giao Bộ Công Thương chỉ đạo Viện Năng lượng, EVN cập nhật các thông tin về nhu cầu điện, dự báo phụ tải, khả năng cung cấp các nguồn nhiên liệu sơ cấp, tiến độ thực hiện các dự án nguồn điện, lưới điện liên kết,… thực hiện tính toán cân bằng công suất – điện năng đến năm 2020; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 5 năm 2014. Đồng thời, Bộ Công Thương chỉ đạo các cơ quan liên quan thực hiện cân đối nhu cầu, sản xuất và lượng phân đạm tồn kho để đáp ứng nhu cầu đạm trong nước, ưu tiên sử dụng khí đốt cho sản xuất điện.

Ngoài ra, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và chủ đầu tư các dự án điện cấp bách, khẩn trương làm việc với UBND các địa phương, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng các dự án nguồn, lưới điện, nhằm bảo đảm cung cấp đủ điện cho địa phương và của hệ thống điện quốc gia. Riêng TKV cần khẩn trương hoàn thành xây dựng Dự án đầu tư xây dựng cảng trung chuyển cung cấp than cho các trung tâm nhiệt điện khu vực đồng bằng sông Cửu Long; tập trung chỉ đạo để vận hành có hiệu quả các nhà máy điện hiện có và bảo đảm tiến độ các dự án nguồn điện do Tập đoàn làm chủ đầu tư.

Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu EVN khai thác hiệu quả các nhà máy thủy điện trong mùa khô - Ảnh PV

Đối với EVN, Phó thủ tướng  yêu cầu trong quá trình điều hành sản xuất phải bám sát tình hình thời tiết, thủy văn, khai thác hiệu quả các nhà máy thủy điện trong mùa khô,  vừa phát điện vừa cấp nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp. Điều hành linh hoạt hệ thống điện theo diễn biến thời tiết, thuỷ văn và tình hình cung cấp khí cho phát điện, bảo đảm hài hòa các mặt về hiệu quả cấp điện, cấp nước và an ninh hệ thống điện.

Ngoài ra, EVN phải bố trí lịch sửa chữa các tổ máy phát điện hợp lý, điều hành phối hợp tốt giữa các nhà máy sử dụng chung nguồn năng lượng sơ cấp, các nhà máy thủy điện trên cùng bậc thang; phối hợp chặt chẽ với các nguồn điện của TKV, PVN và các đơn vị phát điện khác để vận hành có hiệu quả thị trường phát điện cạnh tranh.

Đồng thời, EVN chỉ đạo các đơn vị liên quan cập nhật các thông tin về tình hình phụ tải, dự báo nhu cầu, khả năng cung cấp các nguồn nhiên liệu sơ cấp, tiến độ thực hiện các dự án nguồn điện, lưới điện,… thực hiện tính toán cân bằng công suất – điện năng đến năm 2020; báo cáo Bộ Công Thương để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, chỉ đạo EVN NPT tập trung mọi nỗ lực và phương tiện để vận hành an toàn và ổn định hệ thống truyền tải điện 500 kV Bắc – Trung - Nam trong điều kiện truyền tải cao; đảm bảo tiến độ đưa vào vận hành các công trình đường dây và trạm trong kế hoạch đầu tư và các công trình chống quá tải.

 


  • 06/05/2014 10:31
  • Xuân Tiến
  • 2882


Gửi nhận xét