Trong 6 tháng đầu năm 2016, chỉ số sản xuất công nghiệp của khu vực phía Nam tăng 7,5% so với bình quân của cả nước, trong đó, công nghiệp khai thác tăng 2,1% so với cùng kỳ, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,4%, sản xuất phân phối điện, khí đốt tăng 5,3% so với cùng kỳ; hoạt động khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp tại các tỉnh, thành phố đã thực hiện hơn 370 đề án khuyến công với tổng kinh phí trên 53 tỷ đồng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ khu vực phía Nam trong 6 tháng đầu năm đạt trên 922 ngàn tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ.
Để các hộ dân khu vực nông thôn có điện vào năm 2020 EVN phải cần đến nguồn vốn đầu tư tới 500 triệu USD - Ảnh: Ng.Tuấn.
|
Trong 6 tháng cuối năm 2016, ngành Công Thương khu vực phía Nam phấn đấu đạt một số mục tiêu gồm: Chỉ số phát triển công nghiệp tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao hơn so với mức bình quân của cả nước; tổng mức bán lẻ và hàng hóa và doanh thu dịch vụ của khu vực đạt hơn 1,9 triệu tỷ đồng – tăng 13,6% so với năm 2015; tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa toàn khu vực đạt trên 98 ngàn triệu đô la Mỹ.
Liên quan đến công tác cấp điện nông thôn tại các địa phương khu vực phía Nam, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Trà Vinh - ông Trần Quốc Tuấn cho rằng, hiện công tác triển khai thực hiện dự án cấp điện nông thôn, miển núi và hải đảo giai đoạn 2013 - 2020 theo Quyết định 2081 của Thủ tướng Chính phủ còn nhiều khó khăn.
Theo ông Tuấn, chương trình của dự án đã được nhiều tỉnh phê duyệt giai đoạn 1 nhưng đến nay chưa có vốn để triển khai. Ngoài ra, ông Tuấn cũng cho rằng, về cơ chế khuyến khích đầu tư điện gió đang gặp khó do các quy định liên quan hiện không còn phù hợp với thực tiễn, cần phải điều chỉnh để phù hợp.
Được biết, Chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2013 - 2020, Tập đoàn Điện lực Việt Nam được giao 23 tỉnh, trong đó khu vực phía Nam có 14 tỉnh thành. Để triển khai cấp điện tới các hộ dân khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo tới năm 2020, EVN đang cần nguồn vốn rất lớn. Hiện EVN đang tích cực làm việc với phía Ngân hàng ADB để thu xếp nguồn vốn này.