Thành tựu và thách thức
Phát biểu tại Hội nghị “Định hướng phát triển bền vững cho ngành Điện Việt Nam” tháng 11/2015, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã khẳng định: “Việt Nam luôn quan tâm và đặt mục tiêu điện phải đi trước một bước, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu điện sinh hoạt của nhân dân và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Đến nay, hệ thống điện quốc gia đã có những bước tiến vượt bậc, đảm bảo cung cấp đủ điện với chất lượng và độ tin cậy ngày càng được cải thiện, nâng cao”.
Thực tế đã chứng minh, từ năm 1990 đến nay, tỷ lệ hộ dân được cấp điện trên cả nước tăng từ 54% lên 98%. Trong hai thập kỷ qua, 10 triệu hộ dân (tương đương với 40 triệu người) đã có điện, chủ yếu thông qua quá trình điện khí hóa nông thôn thuộc chương trình xóa đói giảm nghèo của quốc gia. Rất ít nước trên thế giới có thể đạt được thành tựu này trong một thời gian ngắn, với đặc thù địa hình phức tạp như Việt Nam.
Trong bất kỳ giai đoạn nào, đảm bảo cung cấp đủ điện cho nền kinh tế luôn là nhiệm vụ quan trọng chiến lược của EVN - Ảnh: Phan Trang
|
Tuy nhiên, giai đoạn 2016 - 2020, ngành Điện Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức. Các nhà máy thủy điện gần như khai thác hết công suất. Dự kiến đến năm 2020, hệ thống điện quốc gia chỉ có thể bổ sung khoảng 18.000 MW công suất đặt của thủy điện lớn và vừa, cộng thêm 3.100 MW công suất đặt của thủy điện nhỏ.
Nguồn than trong nước chỉ đủ đáp ứng nhu cầu của các nhà máy nhiệt điện hiện có (công suất khoảng 6.700 MW).
Thời gian tới, một số tổ máy mới được đưa vào vận hành, tổng công suất nhiệt điện than sẽ lên đến 7.600 MW. Đặc biệt, giai đoạn 2021-2030, sản lượng than khai thác trong nước cung cấp cho sản xuất điện sẽ càng thiếu hụt trầm trọng. Việt Nam đã phải nhập khẩu khoảng 600.000 tấn than/năm và sẽ tăng lên 17 triệu tấn vào năm 2020, 44 triệu tấn năm 2025 và 78 triệu tấn năm 2030. Ước tính, tổng lượng than nhập khẩu cho giai đoạn 2015 - 2030 sẽ là 520 triệu tấn.
Để đáp ứng nhu cầu điện trong tương lai, dự kiến tổng vốn đầu tư đến năm 2020 là 30,43 tỷ USD, trung bình mỗi năm khoảng 6,09 tỷ USD (58% cho nguồn điện, 42% cho lưới điện truyền tải và phân phối). Các yêu cầu về độ tin cậy cung cấp điện ngày càng cao, đòi hỏi chất lượng dịch vụ khách hàng cũng ngày càng phải hoàn hảo... Vì vậy, Chính phủ yêu cầu trong thời gian tới, ngành Điện Việt Nam cần tiếp tục đổi mới, đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu doanh nghiệp, xây dựng chiến lược phát triển nhanh, bền vững.
Hướng đi nào cho phát triển bền vững?
Ông Axel van Trotsenburg - Phó chủ tịch Ngân hàng Thế giới, phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương cho rằng: “Vấn đề chính hiện nay là làm thế nào để đáp ứng được nhu cầu điện trong tương lai, khi cùng lúc phải tuân thủ những cam kết của Chính phủ về giảm phát thải khí nhà kính trong bối cảnh biến đổi khí hậu”.
Ông Axel van Trotsenburg - Phó chủ tịch Ngân hàng Thế giới, phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương nhấn mạnh:
“Việt Nam đã làm tốt việc đảm bảo cung cấp điện cho người dân, với gần như 100% dân số được sử dụng điện. Chỉ số tiếp cận điện năng cũng đã song hành cùng với cải thiện hiệu quả vận hành hệ thống điện quốc gia và chất lượng dịch vụ khách hàng”.
|
Thời gian qua, lượng phát thải CO2 của Việt Nam đã tăng gấp 3 lần (tăng nhanh nhất trong khu vực). Nếu không thay đổi, Việt Nam sẽ bị kẹt vào một mô hình kinh tế phát thải nhiều carbon và nhập khẩu nhiều năng lượng, với 80% lượng than sử dụng cho sản xuất điện vào năm 2030 sẽ là than nhập khẩu, kéo theo đó là chi phí về bảo vệ môi trường, chi phí chăm sóc sức khỏe con người cũng tăng cao.
Kết quả khảo sát của Tiến sĩ Pierre Audinet – Cán bộ Chương trình hỗ trợ quản lý ngành Năng lượng cho thấy, Việt Nam có thể đạt được các mục tiêu tăng trưởng xanh bằng cách sử dụng năng lượng hiệu quả và nâng cao tỷ lệ sử dụng năng lượng tái tạo trong cơ cấu nguồn điện, hạn chế nhu cầu nhập khẩu than.
Tuy nhiên, để thực hiện được kịch bản này đòi hỏi các cơ quan quản lý nhà nước phải tiếp tục đổi mới cơ chế xác định giá đối với nhiên liệu hóa thạch, sớm điều chỉnh giá năng lượng sao cho đủ trang trải các chi phí phát sinh. Cần đặc biệt lưu ý đến giá than và giá điện; xem xét việc bắt buộc áp dụng các công nghệ than sạch hơn (như công nghệ than siêu tới hạn); thúc đẩy đầu tư vào điện gió và điện mặt trời với các ưu đãi cụ thể về: Quy hoạch hệ thống, lựa chọn địa điểm, kỹ thuật tài chính, định giá, thí điểm ở quy mô cấp công ty; thúc đẩy phát triển các thành phố ít phát thải carbon với thiết kế đô thị nhỏ gọn, giao thông công cộng, các tòa nhà xanh và phương tiện chạy bằng nhiên liệu sạch…
Đề cập đến việc đảm bảo an ninh năng lượng cho tương lai của Việt Nam, liên quan đến thị trường điện cạnh tranh, bà Anita Marangoly George - Giám đốc cao cấp, khối Chuyên ngành toàn cầu về Năng lượng & Khai khoáng của WB cho rằng: “Để đảm bảo bền vững về tài chính, ngành Điện Việt Nam cần cam kết thực hiện theo đúng lộ trình về phát triển thị trường điện mà Chính phủ đã đề ra, nhằm thu hút nguồn đầu tư lớn từ khu vực nhà nước và tư nhân”.
Ngoài ra, theo WB, Việt Nam còn có thể tham gia tích cực hơn vào thị trường trao đổi điện năng trong khu vực.
Ủy ban Điều phối thương mại điện năng khu vực (trong đó có Việt Nam) được thành lập năm 2002. Tuy nhiên, đến nay, mới chỉ có Lào và Thái Lan xây dựng thành công cơ chế thương mại điện năng song phương, còn đối với Việt Nam, thương mại điện năng mới chỉ chiếm khoảng 1% nhu cầu điện năng hàng năm. Dự báo đến năm 2017, khi nhu cầu điện trong nước thấp, Lào có thể xuất khẩu điện sang các nước láng giềng.
bĐây là cơ hội lớn để Việt Nam tăng cường trao đổi điện năng với Lào, giảm phụ thuộc vào nhập khẩu than.
Có thể thấy, nhiều kịch bản đã được đưa ra bàn thảo, song để hiện thực hóa các kịch bản đó, đòi hỏi Chính phủ, các cơ quan quản lý nhà nước, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các đối tác tài chính quốc tế phải nghiên cứu, xem xét kỹ sao cho thỏa mãn được mục tiêu cuối cùng là phát triển bền vững ngành Điện Việt Nam.
Tổng nhu cầu đầu tư giai đoạn 2014 – 2030 (tỷ USD):
Giai đoạn
|
2014-2015
|
2016-2020
|
2021-2025
|
2026-2030
|
2014-2030
|
Nguồn điện
|
8,10
|
21,36
|
25,63
|
26,39
|
84,43
|
Lưới điện
|
3,23
|
9,13
|
10,23
|
12,93
|
35,53
|
Tổng nhu cầu cho ngành Điện
|
11,34
|
30,43
|
35,86
|
39,33
|
116,96
|
(Trích báo cáo “Ngành Điện Việt Nam – Phát triển thành công và thử thách tương lai” của Tổng cục Năng lượng – Bộ Công Thương tại Hội nghị Định hướng phát triển bền vững cho ngành Điện Việt Nam)