IEA thúc đẩy các biện pháp chủ động để tích hợp năng lượng tái tạo

Mới đây khi công bố Báo cáo Tích hợp năng lượng mặt trời và gió: Kinh nghiệm toàn cầu và những thách thức mới nổi, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết cần có các biện pháp chủ động để tích hợp các nguồn năng lượng tái tạo đa dạng vào hệ thống điện trên toàn cầu khi việc áp dụng năng lượng gió và mặt trời tiếp tục mở rộng nhanh chóng.

IEA kêu gọi các biện pháp chủ động để tích hợp năng lượng tái tạo. Nguồn ảnh: Jackiso/Shutterstock.com

Báo cáo Tích hợp năng lượng mặt trời và gió: Kinh nghiệm toàn cầu và những thách thức mới nổi phân tích những nỗ lực tích hợp năng lượng tái tạo trên 50 hệ thống điện, chiếm gần 90% sản lượng điện mặt trời và gió toàn cầu.

“Trong những năm gần đây, thế giới đã chứng kiến ​​sự gia tăng đáng kể về công suất năng lượng mặt trời và gió khi các quốc gia tìm cách tăng cường an ninh năng lượng và giảm phát thải. Nhưng sẽ không thu được toàn bộ lợi ích nếu không có những nỗ lực mạnh mẽ hơn để hỗ trợ tích hợp các công nghệ này vào hệ thống điện”, Giám đốc Thị trường năng lượng và An ninh của IEA - Keisuke Sadamori cho biết.

Theo báo cáo, việc trì hoãn các biện pháp tích hợp có thể gây ảnh hưởng tới 15% sản lượng điện mặt trời (PV) và điện gió vào năm 2030, dẫn đến giảm phát thải carbon dioxide (CO2) thấp hơn trong ngành Điện. Nếu các biện pháp tích hợp không được triển khai theo kịch bản phù hợp với các mục tiêu khí hậu quốc gia, khoảng 2.000TWh sản lượng điện tái tạo toàn cầu có thể gặp rủi ro vào năm 2030, do gia tăng khả năng cắt giảm và chậm trễ kết nối. Kết quả là, điện mặt trời và điện gió sẽ đạt 30% tổng lượng điện toàn cầu vào năm 2030, thay vì 35%, nếu quá trình tích hợp diễn ra đúng thời hạn.

IEA cho biết, sự thâm nhập cao hơn của điện gió và mặt trời đặt ra những thách thức lớn hơn, những nước đi đầu như Đan Mạch, Ireland, Nam Úc và Tây Ban Nha đang tìm cách giải quyết những vấn đề này. Công nghệ lưu trữ và lưới điện mới đang đóng vai trò quan trọng.

Báo cáo cho biết hầu hết các giải pháp công nghệ để giải quyết các thách thức như nhu cầu cao hơn về tính ổn định và tính linh hoạt đều đã hoàn thiện hoặc sắp hoàn thiện, việc triển khai chúng phụ thuộc vào chính sách và hành động pháp lý phù hợp, hơn là những đột phá về đổi mới. Tuy nhiên, cũng cần phải xem xét lại cách thức quy hoạch và vận hành các hệ thống điện truyền thống.


  • 23/09/2024 09:44
  • PV (Theo renewablesnow.com)
  • 1602