Kế hoạch cải cách ngành điện, thu hút đầu tư của Nam Phi

Tổng thống Cyril Ramaphosa cho biết, Nam Phi đang thực hiện cải cách trên diện rộng trong ngành điện nhằm thu hút đầu tư tư nhân vào sản xuất điện và thúc đẩy tăng công suất phát điện mới từ các nguồn năng lượng mặt trời, gió, khí đốt và lưu trữ pin. Với nỗ lực ưu tiên giải quyết cuộc khủng hoảng điện, nhà lãnh đạo Nam Phi tin tưởng dù tình trạng thiếu điện vẫn là thách thức trong ngắn hạn đối với đất nước Cầu vồng, nhưng mức độ nghiêm trọng sẽ giảm khi các sáng kiến công bố gần đây bắt đầu phát huy tác dụng.

Cuộc khủng hoảng thiếu điện đã diễn ra trong nhiều năm tại Nam Phi, được cho là kết quả của sự chậm trễ trong việc xây dựng các nhà máy nhiệt điện than mới, tham nhũng trong các hợp đồng cung cấp than, tình trạng phá hoại và thất bại trong việc nới lỏng quy định để cho phép các nhà cung cấp tư nhân nhanh chóng đưa năng lượng tái tạo vào khai thác.

Nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng điện, hồi tháng 2 vừa qua, Chính phủ Nam Phi đã ban hành đạo luật "Thảm họa quốc gia". Đạo luật này giúp chính phủ có thêm quyền hạn, đưa ra các biện pháp thiết thực để hỗ trợ các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng sản xuất, lưu trữ và bán lẻ thực phẩm, bao gồm cả việc triển khai máy phát điện, tấm pin mặt trời và cung cấp điện liên tục.

Đầu tháng 4 vừa qua, Bộ trưởng Quản trị hợp tác xã và Các vấn đề truyền thống (CoGTA) Thembi Nkadimeng thông báo chấm dứt tình trạng thảm họa quốc gia và triển khai biện pháp nhằm giảm tác động của việc cắt điện.

Nguồn cung điện không ổn định đã làm suy giảm niềm tin doanh nghiệp và người tiêu dùng, làm xấu đi hình ảnh Nam Phi với thế giới cũng như tác động tới niềm tin cùng các quyết định đầu tư. Đó là sự thừa nhận của Tổng thống Ramaphosa khi ông phát biểu khai mạc Hội nghị đầu tư Nam Phi (SAIC) lần thứ 5.

Nhà máy điện do Công ty Điện lực Nhà nước EsKom của Nam Phi vận hành

Để lấy lại niềm tin của các nhà đầu tư, Tổng thống Ramaphosa chỉ đạo tiến hành cải cách ngành điện. Một trong những cải cách đang thực hiện liên quan đến chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư của tư nhân vào lĩnh vực sản xuất điện. Cải cách này cùng với các biện pháp hợp lý hóa các quy trình quản lý giúp gia tăng các dự án mới song song với nhiều dự án được cam kết trước đó, hứa hẹn bổ sung hơn 10.000 MW cho lưới điện quốc gia.

Nam Phi còn đưa ra các ưu đãi thuế cho các hộ gia đình và doanh nghiệp để khuyến khích đầu tư vào điện mặt trời trên mái nhà và một vài thành phố đang tận dụng những thay đổi về cách quản lý để tự đứng ra mua điện độc lập.

Bên cạnh đó, ông Ramaphosa cho biết, thông qua chương trình năng lượng tái tạo, nước này đã ký các thỏa thuận cung cấp gần 2.800 MW, với một số dự án lớn đang xây dựng và những dự án khác sắp đạt được thỏa thuận về tài chính.

Kế hoạch nêu trên của Chính phủ Nam Phi nhằm góp phần quan trọng vào việc thực hiện mục tiêu huy động khoảng 2 nghìn tỷ rand (khoảng 111 tỷ USD) từ các khoản đầu tư mới trong giai đoạn 2023-2028. Tại SAIC lần thứ 5, Tổng thống Ramaphosa cho biết, kể từ hội nghị lần đầu năm 2018 khi đề ra mục tiêu thu hút 1,2 nghìn tỷ rand cho giai đoạn 2023-2028, tới nay trải qua thêm bốn sự kiện thường niên này, đất nước Cầu vồng đã thu hút được 1,14 nghìn tỷ rand cam kết đầu tư.

Tổng thống Nam Phi tuyên bố: "Gần 70% số dự án được công bố kể từ năm 2018 đã hoàn thành hoặc đang trên đường hoàn thành. Đến nay, khoảng 460 tỷ rand vốn đã được giải ngân vào việc xây dựng các nhà máy mới, mua thiết bị, xây dựng đường sá, tiến hành khai thác mỏ và triển khai cơ sở hạ tầng băng thông rộng".

Ông cho biết thêm, các khoản đầu tư đã kích thích hiện đại hóa công nghiệp, công nghệ và thể chế, hỗ trợ mở rộng nguồn nhân lực và chuyển giao kiến thức, đồng thời tạo ra nhiều việc làm và cơ hội học tập ở đất nước Cầu vồng. Hiện nay, các công ty quốc tế đang chuyển sang Nam Phi để gia công quy trình kinh doanh, khởi nghiệp công nghệ, lĩnh vực ô-tô, amoniac xanh, hydro xanh hoặc xây dựng các trung tâm dữ liệu lớn.

Link gốc


  • 03/05/2023 11:08
  • Theo nhandan.vn
  • 3647