Chị Vũ Thị Duyên, công nhân trực Trạm 110 kV Bắc Ninh chia sẻ: “Năm đầu tiên mình đi trực Tết đúng vào đêm 30. Cái Tết đầu tiên xa nhà, mình xách túi ra chào mọi người trong nhà. Ông anh họ thấy vậy liền hỏi: “Ngày Tết người ta đi đâu cũng cố gắng về, sao em lại đi làm trong ngày này?” Mình chỉ cười bảo, không có những người trực như em thì đâu có ánh sáng cho mọi người ăn Tết. Nói như thế, chứ quay đi là nước mắt lưng tròng. Đi ngoài đường thấy vắng tanh mà vừa buồn, vừa tủi thân”.
Ai đó bảo: Tết chẳng thể trọn vẹn nếu thiếu bàn tay phụ nữ. Thế nên dịp Tết cổ truyền cũng là dịp để người phụ nữ nấu nướng, mua sắm và chứng tỏ sự quan tâm của mình đối với người thân và cả gia đình. Vậy mà từ lúc yêu cho đến lúc về nhà chồng, chị Bùi Ngọc Thúy - công nhân trực Trạm 110 kV Thái Bình chưa một lần được đón Giao thừa cùng gia đình nhỏ. Chị Thúy nhớ lại lần đầu tiên đón Tết ở nhà chồng, khi anh em, họ hàng tập trung đầy đủ, chị lại phải đi làm. Có người đã không thông cảm còn bàn ra, tán vào: “Ông, bà xem thế nào, Tết nhất dâu con không ở nhà lo Tết, lại "trốn" lên cơ quan trực?”.
Chị Nguyễn Thị Minh, đồng nghiệp của chị Thúy góp chuyện: “Trạm mình cứ phân theo lịch, đến ca ai, người ấy đi. Mình cũng hay bị trùng lịch đúng đêm Giao thừa. Chuyện chẳng có gì đáng nói, ngoài việc trực ca đêm, sáng mồng một mới về đến nhà. Quê chồng lại hay kiêng, nên luôn bị hỏi: “Sao lại để đàn bà trực đêm Giao thừa chứ? Sáng mồng một lại về xông nhà à? Đàn bà xông nhà là không tốt!”. Cũng may là chồng luôn hiểu được công việc của mình. Chồng phải đi ra đường trước Giao thừa, sau đó vào xông nhà, trước khi mình về.
Dù bận rộn và vất vả, nhưng những nữ công nhân điện luôn yêu nghề
|
Là phụ nữ, công bằng mà nói, phải chịu nhiều thiệt thòi trong những ngành nghề mà đàn ông là chủ yếu. Trực đêm Giao thừa cũng vậy, đâu phải chỉ là đến có mặt như mọi người vẫn nghĩ. Vào thời khắc quan trọng, khi mọi người đang quây quần bên gia đình, người thân, cùng chuẩn bị cho mâm cỗ cúng Giao thừa, nhấp chén rượu mừng Xuân, phụ nữ trực điện vẫn phải luôn căng mắt kiểm tra, để ý xem thiết bị có vấn đề gì không, chú ý dòng áp để không để xảy ra sự cố. Vì vậy, chị Phạm Thị Yến - công nhân TBA 110 kV Hà Tĩnh vẫn không quên được câu chuyện trực đêm Giao thừa mấy năm trước. Hôm ấy, có người đốt pháo trộm. Công an tưởng cháy nổ ở trạm điện, họ phi xe thẳng vào Trạm xem cần hỗ trợ gì không!
Khó khăn là vậy, nhưng sau mỗi câu chuyện là một niềm tự hào về công việc mình đang làm. Chị Duyên bảo: “Nghề mình tuy thầm lặng, nhưng có ý nghĩa lắm”. Còn chị Thúy xúc động khi ca trực đầu năm bao giờ cũng nhận được tiền lì xì từ các anh chị em trong trạm, nhận được sự quan tâm của lãnh đạo Công ty, các phòng ban. Các anh đã tới thăm, động viên và chúc Tết, mọi người cũng cảm thấy ấm áp hơn, tự hào hơn, khi khoác trên mình áo màu cam ngành Điện.
Sau những ca đêm trực Tết, những người phụ nữ ấy lại trở về mái ấm gia đình, bắt đầu những công việc không tên của người “giữ lửa”. Dù bận rộn và vất vả, nhưng với tình yêu, niềm hạnh phúc, ý thức trách nhiệm, họ luôn biết sắp xếp hài hòa giữa công việc cơ quan và gia đình, giúp mọi người hiểu và thông cảm, sẻ chia nhiều hơn với công việc đặc thù của mình.