Tiêu thụ thép khó khăn, nhiều DN sản xuất thép ở Hải Phòng rơi vào tình trạng nợ nần, thua lỗ, phải ngừng sản xuất. Thép là ngành tiêu thụ nhiều điện năng, vì vậy tiền điện chiếm một khoản khá lớn đối với các DN này. Điều khiến ngành Điện lo lắng do đây là các khoản nợ xấu, khó đòi bởi khả năng DN sớm được phục hồi sản xuất, kinh doanh có lãi, có tiền trả ngành Điện xem ra là rất xa vời. Hơn nữa đó lại là khoản tiền không thuộc nhóm ưu tiên trả nợ nếu DN phá sản.
Mặc dù Công ty Điện lực đã khởi kiện và thắng kiện song khả năng đòi được khoản tiền này cũng rất thấp.
“Nỗi khổ” này của ngành Điện xem ra không chỉ diễn ra ở Hải Phòng bởi hiện nay tình trạng khó khăn, nguy cơ phá sản của các DN thép khá phổ biến. Thực tế này một mặt do suy thoái kinh tế, thị trường nhà đất đóng băng, thép ứ thừa... nhưng quan trọng hơn chính là hệ quả tất yếu từ sự phát triển tràn lan không theo quy hoạch, đầu tư công nghệ lạc hậu của ngành Thép thời gian qua.
Do buông lỏng quản lý (từ địa phương), dẫn đến sản xuất thép cung vượt xa cầu, các DN thép phải cạnh tranh nhau khốc liệt.
Một nguyên nhân nữa là hiện giá điện Việt Nam thấp so với giá điện khu vực và thế giới. Giá điện thấp đã “khuyến khích” các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài tìm cách đưa vào Việt Nam các loại công nghệ tiêu tốn năng lượng nhằm mục đích trục lợi nhờ giá điện rẻ (trong số 32 DN của Hiệp hội thép, chỉ có 4 DN sử dụng công nghệ tiên tiến của thế giới; 10 DN có cải tiến công nghệ, còn lại là công nghệ cũ - PV).
Vậy nên tiền điện đã và sẽ là gánh nặng chi phí khá lớn đối với các DN sản xuất thép, đặc biệt trong xu thế giá điện ngày càng tăng cao. Kéo theo đó, nỗi lo “nợ khó đòi” của ngành điện, không chỉ ở riêng Hải Phòng, sẽ ngày một nhiều.