Hà Nam: 24% diện tích đã có nước
Tính đến trưa ngày 16/1, diện tích có nước đã đạt 24% trong tổng số 32.000 ha tổng diện tích gieo cấy.
Ông Nguyễn Văn Mạnh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ Lợi Hà Nam, cho biết: Vụ Đông Xuân năm 2013 - 2014, tình trạng hạn hán tiếp tục xảy ra trên địa bàn tỉnh, mực nước trên các sông xuống thấp, sông Đáy tại Phủ Lý có thời điểm chỉ đạt +0,3m, sông Nhuệ tại Nhật Tựu chỉ đạt +0,08 – 0,2m, thấp hơn quy trình vận hành từ 2,8 – 3m. Do đó, rất khó khăn cho các trạm bơm lấy nước đổ ải, đặc biệt là khu vực Duy Tiên, Kim Bảng và 6 xã bắc Lý Nhân.
Để chủ động đối phó với hạn hán, ngay từ tháng 9/2013, Hà Nam đã lắp đặt sẵn 13 trạm bơm dã chiến và thực hiện bơm nước nhiều cầu. Tranh thủ triều cường nhập nước vào hệ thống kênh tiêu, ao hồ tạo nguồn cho các trạm bơm nhỏ hoạt động.
Cũng theo ông Mạnh, do nằm ở cuối nguồn nên hai huyện Kim Bảng và Duy Tiên gặp rất nhiều trở ngại trong công tác lấy nước. Để phân bổ nguồn nước hiệu quả, Chi cục Thuỷ lợi đã yêu cầu các địa phương tổ chức bơm nước tưới sớm cho khu vực Duy Tiên từ ngày 15/12/2013, diện tích có nước tính đến sáng 16/1 đạt khoảng 40%. Khu vực Kim Bảng bơm đổ ải đồng loạt từ ngày 10/1/2014, khu vực Nam Hà Nam từ ngày 8/1/2014… phấn đấu đến trước Tết Nguyên đán, diện tích có nước phục vụ gieo cấy vụ Đông Xuân trên địa bàn tỉnh Hà Nam đạt 80% trở lên.
Điểm thuận lợi trong công tác cấp nước của Hà Nam trong vụ Đông Xuân 2013 - 2014 là công trình cống Tắc Giang đã hoàn thành công tác tu bổ, sửa chữa sự cố sụt nền và đi vào hoạt động. Để cấp nước cho hệ thống sông Nhuệ, sông Đáy và sông Châu Giang, Công ty KTCT Thuỷ lợi Nam Hà Nam đã mở cống Tắc Giang để dẫn nước từ sông Hồng vào.
Thái Bình: Tập trung lấy nước đợt 2
Theo ông Phạm Văn Chiến, Giám đốc Công ty KTCT Thuỷ lợi Bắc Thái Bình, mặc dù thời gian xả nước đổ ải đợt 1 từ các hồ thuỷ điện của EVN bắt đầu từ ngày 14/1, nhưng Công ty đã tổ chức bơm nước tại hai trạm bơm lớn Tiền Hải và Thái Thụy với 32 tổ máy để thau chua, rửa mặn trước khi cấp nước đổ ải.
Nông dân tỉnh Thái Bình tranh thủ lấy nước đổ ải - Ảnh: Văn Lương
|
Thái Bình là tỉnh nằm ở cuối nguồn, vì thế, ngày 15/1, mực nước trên các hệ thống sông mới bắt đầu dâng cao. Sáng nay, mực nước tại sông Tân Đệ ở mức 1,95m. Do nước về chậm nên đến trưa ngày 16/1, hệ thống Nam Thái Bình mới chỉ cấp nước được diện tích 3.000 ha trong tổng số 35.000 ha gieo cấy lúa. Ngoài Tiền Hải và Thái Thụy, đa số các huyện thuộc hệ thống Bắc Nam Hà chỉ mới lấy đủ nước trên diện tích gieo mạ, diện tích làm đất chính đang chông đợi vào việc lấy nước từ các đơn vị thủy lợi.
Ông Nguyễn Văn Chiến, Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng: Trong đợt lấy nước lần 2 (từ ngày 25/1 – 6/2), tỉnh sẽ tập trung đổ ải đại trà để cấp nước cho 80 – 90% diện tích gieo cấy. Còn đợt lấy nước lần 3 chủ yếu dùng để trữ vào các hệ thống ao, hồ chứa, phục vụ tưới dưỡng cho lúa trong tháng 3, tháng 4”.
Sau khi đến làm việc tại nhiều công trình thuỷ lợi ở Hà Nam và Thái Bình, ông Nguyễn Văn Tỉnh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ lợi đánh giá cao sự chỉ đạo quyết liệt của các tỉnh trong công tác chỉ đạo lấy nước phục vụ gieo cấy lúa xuân năm 2014. Ông Tỉnh cũng lưu ý các địa phương cần theo dõi sát sao diễn biến của thuỷ văn trên các hệ thống sông, khắc phục nhanh nhất mọi sự cố bất thường xảy ra để công tác lấy nước đạt hiệu quả, tiết kiệm nguồn nước cho sản xuất điện trong mùa khô 2014.
- Đến 16h chiều 16/1/2014 đã có 169.847 ha, chiếm 26,65% tổng diện tích gieo cấy đã được các địa phương lấy nước trong ngày thứ 3 của đợt 1.
- Các địa phương có diện tích đủ nước lớn là Nam Định 71,7%; Phú Thọ 65%; Hải Phòng 48%; Ninh Bình 34,3%. Các địa phương còn lại như Bắc Ninh đạt 1,05%; Hưng Yên 1,86%.
- Mực nước sông Hồng tại Hà Nội được duy trì ở mức 2,3 - 2,6m.
- Tổng lượng xả nước xả từ các hồ thủy điện lớn phía bắc đến cuối giờ chiều ngày 16/1/2013 đạt khoảng 1,4 tỷ m3 nước về với hạ du.
(Theo báo cáo của Vụ quản lý các công trình thủy lợi)
|