Kỹ sư Bùi Văn Hoàng - Con người của sáng kiến, nhiệt huyết và đam mê

Nhắc đến kỹ sư Bùi Văn Hoàng, Giám đốc Truyền tải điện miền Đông 2 thì không chỉ CBCNV Công ty Truyền tải điện 4 mà cả Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) đều “biết mặt, nhớ tên” bởi anh là “cha đẻ” của gần chục sáng kiến, cải tiến kỹ thuật với giá trị làm lợi hàng tỷ đồng, có ý nghĩa rất lớn về mặt an toàn, quản lý vận hành.

“Cây” sáng kiến

Như anh từng tâm sự: “…yêu thích điện, điện tử từ bé” nên tình yêu với ngành Điện, với rơ le, bảng điện, trụ sứ…cứ chảy trong nhiệt huyết của kỹ sư Bùi Văn Hoàng từ lúc còn ngồi trên giảng đường đến tận bây giờ - khi đã là người đứng đầu của một đơn vị. 35 năm qua, trải qua nhiều vị trí công tác quan trọng, anh Hoàng luôn tích cực tham gia thực hiện công tác sáng kiến cải tiến kỹ thuật; luôn suy nghĩ đề ra các giải pháp, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, các sáng kiến cải tiến kỹ thuật vào quá trình sản xuất tại đơn vị. Nhờ đó, ở bất cứ Truyền tải điện nào có anh công tác và quản lý, các chỉ tiêu về sáng kiến đều luôn đạt và vượt mức.

Anh Bùi Văn Hoàng vinh dự nhận Giải thưởng Tôn Đức Thắng năm 2022

Ngay từ rất sớm, giai đoạn 1993 - 2002, anh bắt đầu chuyên tâm nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật vào hoạt động vận hành sản xuất, thành công phải kể đến là đề tài “Chế tạo thiết bị đo, ứng dụng kỹ thuật vi xử lý” cấp Tổng công ty Điện lực Việt Nam (nay là Tập đoàn Điện lực Việt Nam).

Bằng sự nỗ lực hết mình và những thành tích đạt được, năm 2002 anh được giao nhiệm vụ Đội trưởng Đội Rơ le tự động, năm 2004 là Trưởng Trạm biến áp 500kV Phú Lâm, năm 2007 anh được Công ty giao trọng trách nhiệm vụ Phó Giám đốc Truyền tải điện miền Đông 2 (nay là Truyền tải điện thành phố Hồ Chí Minh) và luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Tiếp nối các thành công, từ năm 2016 đến nay, anh Hoàng không ngừng học hỏi, phát triển nâng cao trình độ chuyên môn bản thân, cùng với sự góp sức của đồng nghiệp anh có hàng chục sáng kiến cải tiến kỹ thuật được áp dụng thực tế vào quá trình sản xuất tại đơn vị, đem lại giá trị làm lợi hàng tỷ đồng, trong đó có nhiều sáng kiến không tính được giá trị làm lợi nhưng có ý nghĩa rất lớn về mặt an toàn, quản lý vận hành và phục vụ nền kinh tế quốc dân, tiêu biểu như sáng kiến “Sử dụng phần mềm giám sát đường truyền kết nối hệ thống công tơ đo đếm từ xa các trạm đảm bảo an toàn cho con người và thiết bị, rút ngắn thời gian kiểm tra xác định nguyên nhân khi có sự cố mất tín hiệu đường truyền, giảm thiểu nhân công và chi phí sản xuất”. Sáng kiến trên dù dễ thực hiện, không tốn chi phí nhưng hiệu quả đem lại không hề nhỏ. Nhờ đó, đã giúp cho Công ty giám sát đường truyền trực tiếp và liên tục; chủ động trong công tác xử lý sự cố đường truyền; rút ngắn thời gian xác định nguyên nhân khi có sự cố mất kết nối đường truyền.

Nhanh nhạy, bắt kịp với xu hướng thời đại công nghệ 4.0 nên khi nhiều người còn lạ lẫm với khái niệm chuyển đổi số thì anh Hoàng - vẫn nhiệt huyết như thời thanh xuân ngày nào - đã tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, nghiên cứu áp dụng chuyển đổi số, đáp ứng kịp thời yêu cầu sản xuất của đơn vị, Công ty và EVNNPT.

Sáng kiến “Ứng dụng khoa học công nghệ phát sóng vô tuyến trong công tác theo dõi mực nước hầm cáp ngầm đường dây 220kV Nhà Bè - Tao Đàn” là một trong những sáng kiến chưa từng có từ trước đến nay trong theo dõi và xử lý ngay mực nước ngầm trong các hầm cáp dâng cao gây nguy cơ vận hành an toàn cáp ngầm mang điện áp 220kV. Việc áp dụng sáng kiến này giúp cho công tác theo dõi hầm cáp trở nên đơn giản, tiết kiệm chi phí, nhân công, tăng năng suất, hiệu quả công việc trong công tác quản lý và đặc biệt giảm ảnh hưởng ùn tắc giao thông khi xử lý.

Tích cực, đi đầu trong công tác chuyển đổi số tại đơn vị, anh Hoàng đã cùng anh em Trạm 220kV Bình Chánh  nghiên cứu thiết lập mạch ngoài và cấu hình các INPUT dự phòng của BCU 6MD63 để thiết lập tín hiệu báo động các máy nạp lên hệ thống máy tính Trạm biến áp 220kV Bình Chánh. Ứng dụng này giúp điều hành viên phát hiện và xử lý nhanh các tín hiệu bất thường của các máy nạp. Đối với Trạm không người trực, hệ thống máy tính HMI được kéo về trực ban Điều độ Công ty Truyền tải điện 4 (B04) giám sát, cho dù các điều hành viên không có mặt ở trạm thì các nhân viên B04 vẫn phát hiện bất thường của các máy nạp. Đây là một trong những phương án quản lý vận hành theo xu hướng công nghệ số, điều khiển, theo dõi từ xa.

Hay với sáng kiến “Ứng dụng lập trình Google Apps Script lập trình với phần mềm đăng ký phiếu cắt điện tự động, quản lý và xem lịch cắt điện online”, dù mô hình anh đưa ra đơn giản, dễ sử dụng song giúp việc đăng ký cắt điện được nhanh chóng, hiệu quả, thông tin thiếu sót được hạn chế mức thấp nhất, rút ngắn thời gian giải quyết công việc… Và còn rất nhiều sáng kiến nữa mà anh Hoàng cùng các đồng nghiệp nghiên cứu đều xuất phát từ những vấn đề của thực tiễn quá trình lao động sản xuất, từ lòng đam mê công việc, yêu ngành, yêu nghề, thể hiện nỗ lực, quyết tâm đồng hành với doanh nghiệp nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, đáp ứng kịp thời yêu cầu sản xuất của đơn vị. 

Con người của “Văn hóa số”

Là một “thủ lĩnh” trưởng thành từ cơ sở, có bề dày kiến thức, kinh nghiệm về chuyên môn và công tác quản lý với hàng chục sáng kiến hữu ích, đem lại giá trị làm lợi lớn cho đơn vị, Công ty, Tổng công ty nhưng ở anh Hoàng luôn toát lên sự thân thiện, niềm nở, luôn gần gũi, lắng nghe, chia sẻ với CBCNV.

Anh Hoàng luôn là người tạo ra sự gắn kết, lan tỏa nhận thức, truyền cảm hứng cho CBCNV, giúp người lao động thấu hiểu và cùng chung tay hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế, kỹ thuật được giao. Nhiều sáng kiến của anh đến từ sự lắng nghe, trao đổi, làm việc cộng tác với đồng nghiệp trên cơ sở tối đa hóa sức mạnh của công nghệ số để đồng sáng tạo ra các giá trị mới.

Anh Bùi Văn Hoàng hướng dẫn CBCNV sử dụng thiết bị bay không người lái (UAV)

Một lần, có một công nhân quản lý vận hành đường dây đã đề xuất về ý tưởng cải tiến kỹ thuật đối với một loại thiết bị trong trạm biến áp, anh Hoàng đã gặp gỡ riêng để hỏi han, trao đổi kỹ càng. Mặc dù ý tưởng cải tiến kỹ thuật đó không thể thực hiện vì không đảm bảo an toàn trong quản lý vận hành nhưng người công nhân ấy vẫn tỏ ra vô cùng vui thích bởi được lãnh đạo  tôn trọng và chú ý lắng nghe suốt buổi trình bày. Không những vậy, anh công nhân còn khoe với mọi người rằng đã học được từ anh Hoàng rất nhiều. Trước một sáng kiến mới, dù cách làm chưa hiệu quả, anh Hoàng vẫn luôn động viên, khuyến khích để duy trì ý chí sáng tạo và sự say mê sáng tạo của nhân viên mà mình đang quản lý.

“Làm được và nói được” nên thật dễ hiểu vì sao tại các buổi đào tạo về Văn hóa doanh nghiệp, Văn hóa EVN/EVNNPT mà anh trực tiếp đứng lớp luôn có sức hút với anh em CBCNV. Với kỹ năng sư phạm và kiến thức chuyên sâu, anh lồng ghép, liên hệ thực tế và áp dụng Văn hóa EVN/EVNNPT vào trong công tác quản lý, từ đó định hướng suy nghĩ, lời nói, hành động người lao động, góp phần xây dựng văn hóa doanh nghiệp mang đậm bản sắc EVNNPT. Kết quả, sau khóa học các CBCNV đã nhận thức đúng đắn về Văn hóa EVN/EVNNPT từ đó xây dựng tác phong công nghiệp ngày càng hoàn thiện hơn và thành quả là năng suất lao động được nâng cao rõ rệt. Theo nhận định của nhiều người, anh Hoàng không chỉ là nhà lãnh đạo giỏi mà còn là người thầy giỏi, xứng danh “Giảng viên nội bộ giỏi” cấp EVN.

Nhận thức chuyển đổi số mở ra cơ hội, không gian phát triển mới, tạo ra các giá trị mới giúp tăng năng suất, giảm chi phí nhưng cũng đem đến nhiều thách thức cho doanh nghiệp, người lao động, Giám đốc Bùi Văn Hoàng đã tích cực tuyên truyền, vận động; định hướng, tạo động lực cho CBCNV hăng say học tập, trau dồi kiến thức, nâng cao trình độ nghiệp vụ cho hàng nghìn lượt CBCNV để bắt kịp với xu hướng, làm chủ khoa học công nghệ.

Với mong muốn “Không ai bị bỏ lại phía sau” trong công cuộc chuyển đổi số, anh Hoàng đã trực tiếp đứng lớp nhiều khóa đào tạo giảng dạy, chia sẻ kinh nghiệm về ứng dụng các công nghệ mới như hệ thống GIS, chuyển đổi số trong công tác quản lý vận hành đường dây, trạm biến áp; ứng dụng UAV trong công tác kiểm tra thiết bị đường dây và trạm biến áp; hướng dẫn người lao động cách thiết lập đường bay tự động, nâng cao kiến thức rơle SEL, SIEMENS, MICOM, truyền cắt xa, sa thải phụ tải…Không chỉ đào tạo, truyền cảm hứng cho công nhân trong Công ty, anh còn trực tiếp hướng dẫn cho sinh viên ngành điện năm cuối Trường Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh tham quan học tập thực tế; hướng nghiệp, giới thiệu để thu hút tạo nguồn nhân lực trẻ, chất lượng cao cho Công ty trong tương lai.

Gắn bó với ngành Điện, với Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia và Công ty Truyền tải điện 4 bằng sự đam mê, nhiệt huyết, cống  hiến hết mình qua hàng chục sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, anh Bùi Văn Hoàng đã nhận được nhiều hình thức khen thưởng cao quý, tiêu biểu là Giải thưởng Tôn Đức Thắng năm 2021, Chiến sỹ thi đua Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp năm 2022 và nhiều năm là Chiến sỹ thi đua cơ sở… Song với anh, niềm hạnh phúc lớn nhất là hàng ngày được đến cơ quan, đơn vị, được “nghe người lao động nói, nói cho người lao động nghe”, cùng đồng hành, lắng nghe, chia sẻ, thắp lên đam mê, truyền cảm hứng, tạo động lực, mang đến luồng gió mới trong phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hình thành Văn hóa số, góp phần đưa EVNNPT là một trong những đơn vị đi đầu trong chuyển đổi số của ngành Điện, hiện thực hóa mục tiêu “Vươn lên hàng đầu Châu Á trong lĩnh vực truyền tải điện”.


  • 23/02/2024 04:51
  • Văn Lạc
  • 3240