LICOGI và niềm tin chiến thắng

Trong căn phòng làm việc khá giản dị, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng và Phát triển hạ tầng (Licogi) Vũ Duy Quang chia sẻ với chúng tôi những câu chuyện về Thủy điện Sơn La – nơi “chiến trường” thử lửa năng lực và bản lĩnh của Licogi.

Vừa học, vừa làm - Vượt qua chính mình

Nếu trước đây, ở các công trình thủy điện, Licogi chủ yếu tham gia đào đắp đất đá và xử lý nền móng thì những năm gần đây, Tổng công ty đã đảm đương thi công cả những hạng mục chính. Tại Thủy điện Sơn La, đặc biệt, một số hạng mục chính, lần đầu tiên Licogi được giao đảm nhận như: Các hạng mục cống dẫn dòng, đập tràn xả lũ, đập không tràn, tường phân dòng hạ lưu với khối lượng đào đắp trên 3 triệu mét khối đất đá, thi công hơn 500 mét hầm và trên 600 nghìn mét khối bê tông đập.

Để làm tốt nhiệm vụ, Licogi vừa phải tập hợp được một đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân giàu nhiệt huyết, vừa phải đầu tư mua sắm hàng loạt các thiết bị đặc chủng chuyên dụng hiện đại. Thiết bị mới, công việc mới, cán bộ kỹ thuật trẻ chưa có nhiều kinh nghiệm… nên đôi khi, hạng mục của Licogi không đạt được tiến độ theo đường “găng” mà công trường đòi hỏi.

Licogi là đơn vị thi công hạng mục đập tràn Nhà máy Thủy điện Sơn La - Ảnh Vũ Lam

Khi đó, đích thân lãnh đạo của Tổng công ty và các đơn vị thành viên phải nằm lại công trường “ốp” việc. Rồi thì sự lúng túng ban đầu cũng qua đi. Dần dần Licogi khẳng định được năng lực của mình. Tiến độ đào và đắp luôn đạt và vượt kế hoạch, ngay cả những phần việc đổ bê tông mái kênh và cống dẫn dòng cũng đáp ứng tiến độ.

Một lần nữa, Licogi áp dụng công nghệ cốp pha trượt (vốn đã thu được thành công rực rỡ ở công trường Nhiệt điện Phả Lại II), cốp pha tấm lớn, góp phần đẩy tiến độ. Kết quả, hạng mục đã được Hội đồng Nghiệm thu nhà nước ghi nhận là bảo đảm tiến độ, chất lượng, kỹ thuật và mỹ thuật.

Kể tới đây, ông Vũ Duy Quang dừng lại và giải thích: “Sở dĩ tôi phải kể từ đầu để nhà báo hiểu được quá trình vừa học vừa làm, nỗ lực vượt khó của Tổng công ty ngay từ giai đoạn đầu, đảm bảo bám sát được tiến độ của các hạng mục, góp phần vào thành tích chung của công trường là đưa tổ máy đầu tiên của Thủy điện Sơn La phát điện sớm 2 năm”.

Phấn khởi với thành công ban đầu, Licogi hào hứng bước vào thi công các hạng mục tiếp theo là đào đất đá móng và vai đập bờ phải, thi công bê tông tràn xả lũ, đập không tràn, tường phân dòng hạ lưu. Cho tới thời điểm này, khi tổ máy cuối cùng (tổ máy 6) của Nhà máy Thủy điện Sơn La cũng đã hòa lưới quốc gia thì sứ mệnh của Licogi cũng đã được hoàn thành.

Tùy từng thời điểm, Licogi tung vào “chiến trường” những nhà thầu thiện nghệ theo sở trường, thế mạnh của từng đơn vị. Đào đất đá thì có Licogi 12, thi công bê tông thì có Licogi 18 chủ lực, đào hầm thì có Licogi 15… Tuy lần đầu tiên thi công bê tông đập thủy điện, nhưng trước đó, Licogi 18 luôn là nhà thầu giàu kinh nghiệm trong xây lắp các công trình nhiệt điện lớn, nên đã nhanh chóng nắm bắt được quy trình kỹ thuật, thi công đạt tiến độ, bảo đảm chất lượng và mỹ thuật.

Cùng với sự nỗ lực của các nhà thầu thành viên, Tổng công ty còn luân phiên cắt cử lãnh đạo cấp cao “nằm vùng” trực tiếp chỉ đạo công trường. Đầu tiên là Phó tổng giám đốc Phạm Trung Tuyến, tiếp đến là Phó tổng giám đốc Ngô Quốc Minh và Phó tổng giám đốc Vũ Duy Quang.

Vì thương hiệu Licogi

Khi được hỏi, đâu là thời khắc ấn tượng nhất trên công trường Thủy điện Sơn La, Phó tổng giám đốc Vũ Duy Quang cho rằng, có lẽ với mỗi một người của Licogi đều có một ấn tượng của riêng mình. Đối với Phó tổng giám đốc Ngô Quốc Minh có lẽ là thời điểm thi công hầm hành lang tiêu nước (hầm 130,1 trong năm 2006 - 2007). Hầm gấp khúc, nhỏ và dài, điều kiện thi công cực kỳ khó khăn, ở độ sâu luôn luôn ngập nước. Hơn thế, do địa chất đứt gãy, 20 mét dài hầm bị đất đá sạt trượt gây nguy hiểm cho người và thiết bị thi công. Hiệu quả kinh tế kém, nhà thầu thành viên ngán ngẩm. Vì “màu cờ sắc áo”, vì thương hiệu Licogi, Ban Điều hành Tổng công ty phải đứng ra trực tiếp đảm nhiệm thi công hạng mục hầm 130,1 với quan điểm dứt khoát “lỗ cũng phải làm”.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng thăm và động viên CBCNV Licogi trên công trường TĐSL năm 2006- Ảnh Anh Vũ

Lực lượng đào hầm của Licogi 10 vừa hoàn thành xuất sắc việc thi công vượt đoạn hầm có cấu tạo  địa chất đứt gãy tại Thủy điện A Vương được điều động ra Bắc. Lực lượng khoan nổ của Licogi 15 và một vài thợ khoan nổ lành nghề được mời về. Không ai khác, chính Licogi đưa ra giải pháp, cứ đào 5 mét lại đặt vòm thép chống sạt, sau đó khoan phun bê tông gia cố vòm hầm, rồi khoan nổ tiếp. Kiên trì và dũng cảm nhích từng bước chậm, nhưng chắc chắn. Cuối cùng, Licogi cũng hoàn thành thi công hầm đạt thiết kế.

Còn đối với Phó tổng giám đốc Vũ Duy Quang thì có lẽ “ấn tượng khó phai” là vào những tháng cuối năm 2009, đầu năm 2010. Theo yêu cầu tiến độ, Licogi thường xuyên phải duy trì khối lượng thi công rất lớn 15.000 - 16.000 m3 bê tông/tháng. Trong khi đó, điều kiện hết sức khó khăn do công trình thi công phát triển theo chiều cao, mặt bằng thi công thu hẹp và phải thi công xen kẽ giữa lực lượng xây lắp Licogi và lực lượng lắp máy. Có những thời điểm, người và thiết bị của Licogi phải tạm dừng thi công trong thời gian khá dài để nhường lại hiện trường cho đơn vị lắp máy… Cộng với đó là những khó khăn về mặt tài chính, nguồn nhân lực, nên tiến độ các hạng mục của Licogi đã “găng”, lại càng “găng” hơn.

Không những thế, cẩu tháp MD900, S1000, một thiết bị chủ lực của Licogi trên công trường Thủy điện Sơn La bỗng “lăn ra ốm” sau một thời gian dài làm việc quá tải, không thể đảm nhiệm vai trò hỗ trợ lắp đặt các cấu kiện trên cao có trọng lượng lớn… “Người Licogi vì thế mà mất ăn, mất ngủ, tưởng chừng như ốm theo cẩu luôn…”.

Chiến dịch tiếp nối chiến dịch, tiến độ lúc nào cũng sôi sục, khẩn trương, thời gian như thử thách sức chịu đựng của con người Licogi… Trong môi trường làm việc như vậy, người Licogi chỉ có sự lựa chọn duy nhất là vượt khó, quyết liệt, quyết tâm hoàn thành các mục tiêu tiến độ chung của công trường. Đến thời điểm này, khi Nhà máy Thủy điện Sơn La chuẩn bị khánh thành thì tất cả các hạng mục Licogi đảm nhiệm đều bám sát tiến độ yêu cầu. Cùng với các nhà thầu khác trong tổ hợp nhà thầu, Tổng công ty đã hoàn thành mục tiêu.

Tôi biết, với Thủy điện Sơn La, Licogi còn gặt hái được nhiều thành công khác. Licogi không chỉ khẳng định được năng lực thi công các hạng mục chính công trình thủy điện mà còn tập hợp, tôi luyện được đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân kỹ thuật giàu kinh nghiệm trong quản lý, điều hành, thi công công trình thủy điện.

Đạt được những thành quả này, cũng chính bởi trong họ luôn có niềm tin, “niềm tin đã giúp chúng tôi vượt qua được những thời khắc khó khăn và chúng tôi luôn có niềm tin chiến thắng” như lời của Phó tổng giám đốc Vũ Duy Quang nói trước lúc chia tay.

 

 


  • 04/01/2013 12:40
  • Theo sách Thủy điện Sơn La: Trọn vẹn niềm tin
  • 3499


Gửi nhận xét