Lâm Đồng: Điện cho những dây chuyền sản xuất

Với việc cung cấp nguồn điện ổn định, an toàn, tin cậy, Công ty Điện lực Lâm Đồng (PC Lâm Đồng) đã tạo động lực cho các doanh nghiệp trên địa bàn mạnh dạn đầu tư thiết bị, dây chuyền sản xuất hiện đại, góp phần làm thay da đổi thịt cho những ngành sản xuất mới và thiết yếu trên mảnh đất đỏ cao nguyên này.

Mắc ca là loại cây mới, được phát triển ở tỉnh Lâm Đồng trong khoảng 5 năm trở lại đây. Dù mới nhưng sản phẩm mắc ca “made in Lâm Đồng” đã tạo được uy tín và khẳng định được thương hiệu trên thị trường. Một trong những yếu tố góp phần vào thành công của việc kinh doanh hạt mắc ca, đó chính là việc cung ứng điện đảm bảo an toàn, tin cậy.

“Có thể nói rằng, chính nguồn điện tạo đà cho mắc ca phát triển. Kỹ thuật trồng, chăm sóc cây mắc ca chúng tôi đều tiếp cận một cách dễ dàng, nhưng nếu không có nguồn điện ổn định, sẽ không có doanh nghiệp nào mạnh dạn đầu tư công nghệ, dây chuyền sản xuất hiện đại để bao tiêu sản phẩm”, bà Trương Thị Nhung (thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng), một trong những người chuyên canh mắc ca chia sẻ. 

Ông Đỗ Đình Dũng, Giám đốc Công ty Đỗ Việt - một trong những doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh hạt mắc ca cho hay, nhờ có nguồn điện ổn định cộng với việc nắm bắt được nhu cầu của thị trường, Công ty đã quyết định đầu tư dây chuyền thiết bị hoàn chỉnh, giá trị khoảng 4 tỷ đồng phục vụ sản xuất.  

“Chúng tôi đánh giá cao chất lượng cũng như dịch vụ điện năng của PC Lâm Đồng. Hiện nay, không còn tình trạng cắt điện đột xuất. Nếu có cắt điện, phía Điện lực đều thông báo trước, để Công ty chủ động trong việc bố trí hoạt động sản xuất, kinh doanh”, ông Dũng cho hay.

Được biết, với việc đầu tư hệ thống dây chuyền, trang thiết bị hiện đại, hiện nay trừ hết mọi chi phí, nông dân thu lãi 300 triệu đồng/ha/năm từ cây mắc ca.

Cùng với mắc ca, ngành tơ tằm của tỉnh Lâm Đồng cũng đang khẳng định được vị thế ở thị trường trong nước cũng như trên thế giới. Ông Phan Phú Quý Quản đốc phụ trách kỹ thuật Công ty TNHH Tơ tằm Ngọc Anh (TP. Bảo Lộc) cho biết: “Với đặc thù ngành nghề dệt lụa tơ tằm, nguồn điện luôn phải đảm bảo liên tục, không được gián đoạn. Bởi chỉ cần một sự cố nhỏ, tất cả sẽ thành phế phẩm. Tuy nhiên, nhờ nguồn điện ổn định, hiện Công ty đã sản xuất được 4 tấn tơ/tháng, trong đó 70% xuất đi Ấn Độ, Thái Lan, Hàn Quốc”.

“Hiện nay, hàng tháng Công ty Tơ tằm Ngọc Anh tiêu thụ từ 80 - 90 triệu đồng tiền điện. Do đó, chúng tôi đặc biệt chú trọng công tác tiết kiệm điện. Được sự hỗ trợ, hướng dẫn của ngành Điện lực, nhiều giải pháp tiết kiệm điện đã được Công ty Tơ tằm Ngọc Anh triển khai và mang lại hiệu quả.”

Ông Nguyễn Quốc Bắc - Phó Chủ tịch thành phố Bảo Lộc cũng đánh giá cao nỗ lực của ngành TP Bảo Lộc trong việc đáp ứng đủ điện giúp doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm, góp phần giúp thương hiệu Tơ lụa Bảo Lộc được xác nhận, nâng cao giá trị, mở rộng thị trường xuất khẩu. “Hiện giá trị ngành tơ lụa chiếm khoảng 20 -  25 triệu USD trong tổng số 200 triệu đô la xuất khẩu hàng năm của Bảo Lộc”, ông Bắc cho hay.

Ông Nguyễn Văn Dũng - Phó Giám đốc PC Lâm Đồng chia sẻ, những năm qua, Công ty đã nỗ lực cung cấp đủ nguồn điện, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. "Tại Hội nghị khách hàng năm 2016, chúng tôi rất vui mừng khi đa số khách hàng đã hài lòng và đánh giá cao công tác cung cấp điện và dịch vụ khách hàng của Công ty Điện lực Lâm Đồng. Năm 2017, PC Lâm Đồng sẽ nỗ lực hơn nữa để cung cấp điện đảm bảo chất lượng và dịch vụ ngày càng hoàn hảo”, ông Dũng khẳng định.


  • 11/05/2017 05:18
  • Phúc An
  • 12591