Ưu tiên đầu tư phát triển lưới điện cho Côn Đảo

Những năm qua, ngành Điện đã liên tục đầu tư phát triển nguồn điện cho huyện Côn Đảo để đáp ứng nhu cầu sử dụng điện của người dân và các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn huyện Côn Đảo ngày một thuận lợi hơn.

Công nhân Điện lực Côn Đảo bảo dưỡng lưới điện trên địa bàn

Vơi bớt nỗi lo về điện 

Ông Đoàn Văn Tranh, Giám đốc Điện lực Côn Đảo cho biết, theo quy hoạch phát triển năng lượng trên địa bàn huyện Côn Đảo đến năm 2020, có xét đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm bình quân hàng năm của Côn Đảo giai đoạn 2015-2020 là 23,4%. Trong đó, diesel vẫn là nguồn điện chủ lực cung cấp cho huyện Côn Đảo trong thời gian tới, kết hợp nguồn nhiệt điện khí (LNG) và các nguồn năng lượng tái tạo như gió, mặt trời.

Hiện, huyện Côn Đảo đang được cấp điện chủ yếu từ nguồn diesel của 2 nhà máy điện (nhà máy điện Trung tâm và nhà máy điện An Hội) với tổng công suất thiết kế 8,56 MW, công suất khả dụng 5,12 MW để cung cấp cho 2.100 hộ dân (khoảng 8.000 khẩu) sinh sống trên huyện đảo.

Năm 2017, Điện lực Côn Đảo lên kế hoạch sản xuất gần 15,2 triệu kWh, tăng 8% so với năm 2016; lượng điện thương phẩm trong năm dự kiến đạt hơn 14 triệu kWh, tăng 8,3% so với năm ngoái.

Các khách hàng lớn của Điện lực Côn Đảo chủ yếu là khách sạn Sài Gòn - Côn Đảo, Côn Đảo Resort, hệ thống chiếu sáng công cộng, nhà máy nước.

Theo phản ánh của các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh du lịch, độ tin cậy trong cung cấp điện trên huyện đảo hiện nay đã ổn định hơn. Bà Trần Thị Phượng, chủ khách sạn Thanh Xuân (44,Tôn Đức Thắng, thị trấn Côn Sơn) cho biết: Vài năm trở lại đây, nguồn điện cung ứng trên địa bàn huyện tương đối ổn định, giúp cơ sở kinh doanh thuận lợi, bảo đảm nhu cầu sinh hoạt, vui chơi giải trí của khách du lịch khi lưu trú tại khách sạn.

Ông Hồ Phi Thủy, Giám đốc Công ty TNHH Ngọc Trai Côn Đảo cho biết: Là đơn vị chuyên về nuôi cấy và chế tác ngọc trai, 75% tổng số ngọc trai do đơn vị sản xuất được xuất khẩu ra thế giới, kể cả những quốc gia hàng đầu về ngọc trai như Nhật Bản, Hàn Quốc… Vì vậy, việc nguồn điện được bảo đảm thường xuyên và ổn định để vận hành máy móc là rất cần thiết đối với Công ty. Những năm qua, nguồn điện tại đảo luôn được cung cấp ổn định, giá thành phù hợp đã góp phần giúp Công ty phát triển sản xuất kinh doanh.

Tiếp tục đầu tư lưới điện 

Hiện nay, lưới điện trung thế 22 kV huyện Côn Đảo chủ yếu sử dụng dây dẫn trần, chịu ảnh hưởng lớn của khí hậu biển nên thường xuyên bị phóng điện, gây sự cố, dẫn đến việc cung cấp điện đôi lúc chưa ổn định. Bên cạnh đó, các cụm máy phát điện diesel không hòa đồng bộ với nhau nên khi chuyển nguồn làm gián đoạn cấp điện, khiến việc cung ứng điện vẫn còn hạn chế vào cao điểm.

Từ thực tế trên, năm 2016, Điện lực Côn Đảo đã bọc hóa hơn 6 km hai tuyến dây trung thế để tránh nhiễm mặn, phóng điện. Năm 2017, Điện lực sẽ tiếp tục bọc hóa 10 km còn lại. Ngoài ra, Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) sẽ triển khai đầu tư tại Côn Đảo dự án lắp đặt pin năng lượng mặt trời công suất khoảng 1,5 MW (giai đoạn 1). Dự án đã lựa chọn nhà thầu khảo sát thiết kế, hiện các sở, ban, ngành đang trình UBND tỉnh phê duyệt chủ trương và giao đất để triển khai các bước tiếp theo. Với dự án này, nguồn điện dự phòng để sẵn sàng huy động khi người dân phát triển ngành nghề, các cơ sở lưu trú, khách sạn ở Côn Đảo.

Bên cạnh đó, Điện lực Côn Đảo dự kiến sẽ bổ sung thêm máy phát điện để có điều kiện mở rộng phụ tải, thường xuyên bảo trì, bảo dưỡng, trung tu, đại tu các máy phát điện theo đúng quy định, đồng thời khắc phục kịp thời các sự cố, không để thiếu nguồn phát; xây dựng phương án hoạt động các máy phát điện hợp lý với công suất từng máy để tối ưu hóa công suất, giảm chi phí nguyên vật liệu đầu vào.

Ông Đoàn Văn Tranh cho biết thêm: ''Điện lực Côn Đảo đang triển khai lắp đặt 2 máy biến áp, mỗi máy có công suất 1,5 MW, với vốn đầu tư gần 30 tỷ đồng nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng điện của các doanh nghiệp  trong lĩnh vực du lịch”. 


  • 04/05/2017 03:20
  • Theo Báo Bà Rịa - Vũng Tàu
  • 9370