Đe dọa từ phương tiện thi công cơ giới
Lúc 10 giờ 35 ngày 18/1/2012, tại đường dây 110 kV Nhà Bè - Bình Chánh (TP.HCM), một đơn vị thi công sử dụng xe cẩu di chuyển vật tư trong phạm vi hành lang an toàn lưới điện đã va quẹt vào đường dây, làm ngắt mạch pha đất, gây mất điện.
Trước đó, đơn vị quản lý đường dây đã có văn bản gửi công ty quản lý xe cẩu để cảnh báo về việc không được thi công và sử dụng phương tiện cơ giới trong hành lang lưới điện khi chưa có sự thỏa thuận các biện pháp an toàn lưới điện. Để “chắc ăn”, ngay cổng công trường, đơn vị quản lý lưới điện đã cắm biển báo “Chú ý: Phía trên có điện cao áp nguy hiểm chết người”, thế nhưng đơn vị thi công xe cẩu vẫn phớt lờ cảnh báo trên.
Ngày 9/2/2012, Công ty Lưới điện Cao thế đã kiểm tra và lập biên bản với chỉ huy phó một công trình xây dựng trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, TP.HCM) về việc công trình thi công gần đường dây điện, yêu cầu chủ đầu tư liên hệ với công ty để làm biên bản thỏa thuận và được hướng dẫn các biện pháp an toàn. Ngày 22/2/2012, Công ty lại gửi thông báo khuyến cáo công trình thi công quá gần với lưới điện cao thế nhưng đơn vị thi công vẫn phớt lờ. Và rồi lúc 1 giờ sáng ngày 3-5-2012, trong lúc dùng cẩu tháp để di chuyển vật tư, anh Phạm Minh Phương, nhân viên đơn vị thi công đã điều khiển cẩu tháp vi phạm khoảng cách an toàn tại khoảng trụ 54-55 đường dây 110kV Xa Lộ - Bến Thành, gây phóng điện.
Tính cả năm 2012, tại TP.HCM có 28 sự cố lưới truyền tải, tăng 4 vụ so với năm 2011. Từ đầu năm 2013 đến nay, trên lưới điện cao thế 110 - 220 kV tại địa bàn đã xảy ra 13 sự cố, trong đó phần lớn nguyên nhân là do phương tiện thi công cơ giới làm việc trong và gần hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao thế.
Cụ thể là sự cố gây mất điện đường dây Thủ Đức Bắc - Intel và sự cố gây mất điện đường dây Thủ Đức - Vikimco - Xa Lộ do phương tiện thi công cơ giới va quẹt; sự cố mất điện đường dây Tân Sơn Nhất - Xa Lộ - Đa Kao - Bến Thành do đơn vị thi công để giàn giáo ngã đổ làm gãy nhánh cây va quẹt vào đường dây gây ra; sự cố đường dây Phú Định - Bình Chánh và đường dây Nhà Bè - Việt Thành do phương tiện thủy di chuyển ngang qua đường dây điện giao chéo với đường thủy.
Tấm bạt để bên hông nhà số 277 Minh Phụng (quận 10, TPHCM) bị gió thổi bay xuống vướng vào đường dây, gây phóng điện tại khoảng trụ 19-20 ĐD 110kV Trường Đua - Chợ Lớn.
|
Lẽ nào “bó tay”?
Công ty Lưới điện Cao thế (trực thuộc Tổng công ty Điện lực TPHCM) có nhiệm vụ quản lý vận hành lưới điện cao thế (cấp điện áp 110 - 220 kV) với trên 40 tuyến đường dây trải rộng khắp thành phố có tổng chiều dài trên 608,70 km, đi qua 23 quận - huyện (trừ địa bàn quận 4 không có lưới cao thế đi qua). Ông Bùi Hải Thành, Giám đốc Công ty than: “Năm nào cũng vậy, cứ hễ tổng kết là bị cấp trên rầy chuyện sự cố gây mất điện. Kiểm tra, rà soát, ngăn chặn từ xa… vậy mà sự cố vẫn xảy ra”.
Theo ông Thành, đa số nguyên nhân gây ra sự cố là do phương tiện thi công cơ giới (15,38%), phương tiện thủy (15,38%), do người dân thả diều, bóng bay, dây kim tuyến vướng (30,76%)… “Chúng tôi đã sớm phát hiện, hướng dẫn các biện pháp an toàn, nhưng các đơn vị thi công vẫn không thực hiện đúng cam kết. Thậm chí, một số vị trí giao chéo giữa lưới điện cao thế với đường thủy, đường bộ mặc dù đã được gắn biển cảnh báo nhưng trong quá trình di chuyển người điều khiển phương tiện không chấp hành các biển báo nên gây sự cố”, ông Thành cho biết.
Để không xảy ra sự cố, Công ty đã “làm hết mình”, như lời ông Thành, Công ty đã gửi thông báo cho chính quyền địa phương của 137 phường - xã nơi có các tuyến đường dây cao thế đi qua, để nhờ hỗ trợ tuyên truyền. Trước các dịp lễ, tết, Công ty gửi văn bản đến các quận - huyện, các khu vui chơi giải trí, khách sạn, nhà cao tầng để nhờ ngăn ngừa các trường hợp bắn pháo hoa, pháo giấy… gần đường dây cao thế.
Gần đây, công ty đã làm việc với chính quyền các quận 2, 6, 8, 9, 12, Gò Vấp, Bình Tân, Bình Thạnh, Thủ Đức, Củ Chi, Cần Giờ… để đề nghị phối hợp hỗ trợ ngăn chặn việc thả diều gần hành lang lưới điện cao thế. Công ty còn kiểm tra 3 lần/tuần đối với các công trình xây dựng, công trình khai thác cát gần hành lang lưới điện để kịp thời nhắc nhở các hành vi vi phạm; lắp đặt đèn báo, biển cảnh báo các phương tiện giao thông thủy khi lưu thông qua các khoảng giao chéo với đường dây điện…
Có thể nói, đơn vị chức năng đã cố gắng hết sức để “phòng bệnh”, nhưng sự cố vẫn xảy ra, thậm chí có chiều hướng gia tăng. Được biết, sau mỗi sự cố như vậy, “xử phạt chỉ có vài triệu đồng nên không có tác dụng răn đe” - ông Thành nói. Để ngăn ngừa sự cố và bảo vệ hành lang lưới điện cần có thêm những quy định chặt chẽ hơn về xử phạt, thậm chí là khởi tố vụ án. Nếu không, lưới điện cao thế vẫn tiếp tục bị xâm hại và chuyện mất điện chắc chắn sẽ còn tiếp diễn.