Thực trạng báo động
Được giao nhiệm vụ quản lý vận hành lưới điện cao áp từ 220 kV - 500 kV với chiều dài hơn 100 km xuyên suốt tỉnh Hà Tĩnh, TTĐ Hà Tĩnh đã cố gắng đảm bảo an toàn ở mức cao nhất cho đường dây, tuy nhiên, theo ông Phạm Thanh Hải - Phó giám đốc TTĐ Hà Tĩnh, nếu như trước đây, các hiện tượng vi phạm chủ yếu là do các em học sinh thả diều, làm vỡ sứ, hay tháo dây chằng, ốc vít… thì nay một số công trình lưới điện cao áp lại bị xâm phạm ở mức độ cao hơn.
Tại xã Ngọc Sơn (Thạch Hà, Hà Tĩnh), do người dân khai thác đất vi phạm khoảng cách với đường dây 500kV đã làm phóng điện, gây mất điện trên diện rộng - Ảnh: HTO
|
Điển hình là các hiện tượng vi phạm như: Cơi nới nhà cửa, lấn chiếm hành lang tuyến, khai thác rừng, khai thác đá xây dựng, thi công cơ giới dưới hành lang an toàn lưới điện… dẫn đến nhiều công trình lưới điện xảy ra sự cố nghiêm trọng gây tai nạn, thiệt hại về tính mạng, tài sản của nhân dân và Nhà nước.
Và gần đây nhất, công trình đường giao thông lên khu di tích Hà Huy Tập qua xã Cẩm Hưng (Cẩm Xuyên), trong quá trình thi công xây dựng nâng cốt đường lên quá cao đã không đảm bảo an toàn lưới điện quốc gia.
Một số vụ vi phạm khác như: Vi phạm về khoảng cách an toàn hành lang lưới điện tuyến đường dây 220 kV Vinh - Hà Tĩnh tại dự án mở tuyến đường tránh thuộc địa bàn xã Đậu Liệu, thị xã Hồng Lĩnh ở vị trí cột 65-66. Tình trạng khai thác đất ngay tại chân cột điện làm giảm trọng tải đè lên cột, gây nguy cơ đổ cột đường dây 500kV như ở địa bàn xã Phú Lộc, huyện Can Lộc hay ở xã Ngọc Sơn, huyện Thạch Hà.
Đặc biệt, ngày 20/1/2013, ở vị trí cột số 681-682 tuyến đường dây 500 kV Hà Tĩnh - Nho Quan 1, anh Trần Văn Lan (sinh năm 1978) ở huyện Cẩm Xuyên, điều khiển máy xúc mang BKS 37 FX- 0039 mở đường dưới đường điện 500 kV cho xe công nông vào khai thác cây lâm nghiệp tại xã Ngọc Sơn, huyện Thạch Hà. Khi máy xúc nâng cần lên để xúc đất đã bị điện 500kV phóng gây tiếng nổ lớn. Rất may không có thiệt hại về người, cũng như mất điện – Ông Nguyễn Trọng Thược – Giám đốc truyền tải Điện Hà Tĩnh, cho biết.
Cần sự vào cuộc của cả cộng đồng
Để giải quyết những tồn tại này, TTĐ Hà Tĩnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an và chính quyền địa phương có đường dây đi qua, phát động phong trào toàn dân bảo vệ các công trình lưới điện; tuyên truyền và trực tiếp ký cam kết đến từng hộ gia đình, các chủ trang trại có vườn đồi dọc tuyến đường dây, tranh thủ sự đồng thuận hỗ trợ của người dân trong việc bảo vệ an toàn hệ thống tải điện.
Đồng thời tạo sự gắn kết chung tay bảo vệ đường dây 500 kV, 220 kV, loại trừ được nguy cơ cháy nổ và sự cố bất thường xảy ra trên các tuyến đường dây, góp phần tránh những thiệt hại về người và tài sản, giảm tổn thất điện năng và tiết kiệm điện hiệu quả nhất.
TTĐ Hà Tĩnh đã có kế hoạch và đẩy mạnh công tác chỉ đạo các tổ, đội, cán bộ phụ trách thường xuyên tổ chức kiểm tra, phát hiện và phối hợp với các cơ quan liên ngành, chính quyền địa phương nhắc nhở, xử lý nghiêm túc.
Điều cần lưu ý là, địa phương và các ngành liên quan khi lập quy hoạch sử dụng đất, cấp đất cho hộ gia đình, cá nhân, chính quyền và cơ quan chuyên môn một số địa phương cần khảo sát kỹ thực địa, tính đến sự tồn tại trước đó của đường điện, có các phương án hợp lý giải phóng mặt bằng đối với công trình điện. Đồng thời, huy động cả cộng đồng tham gia quản lý và bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp và an toàn điện trong nhân dân.
Năm 2012, cả nước có 7 vụ vi phạm lớn về hành lang an toàn lưới điện 500 kV Bắc – Nam, gây hậu quả nghiêm trọng. Nguyên nhân chủ yếu là do người dân thả diều làm vướng trên đường dây; xe, máy công trình thi công vi phạm độ cao cho phép...
Các tỉnh miền Trung (trong đó có Hà Tĩnh) và Tây nguyên dẫn đầu về số vụ vi phạm an toàn hành lang điện và lưới điện, với khoảng 2000 vụ tính đến thời điểm tháng 4/2013.
(Nguồn: Tổng công ty truyền tải điện quốc gia)
|