Lý do thủy điện miền Trung không thể chống lũ triệt để

Do bị giới hạn bởi đặc điểm địa hình nên các hồ thủy điện miền Trung chỉ có dung tích chứa nước khiêm tốn, khó có thể cắt lũ triệt để. Vì vậy, để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa an toàn cho hạ du và phát điện thì sự phối hợp nhịp nhàng giữa chủ hồ đập và chính quyền địa phương là vô cùng quan trọng.

Nhà máy Thủy điện An Khê

Thời gian qua, một số tỉnh miền Trung ngập lụt nghiêm trọng. Nhiều ý kiến cho rằng, nguyên nhân là việc xả lũ của các thủy điện ở thượng nguồn đổ về dồn dập, với lưu lượng lớn. Tuy nhiên, trên thực tế, do bị giới hạn bởi đặc điểm địa hình, các hồ thủy điện ở khu vực miền Trung chỉ có dung tích chứa nước khiêm tốn, khó có thể cắt lũ triệt để cho vùng hạ du.

Thực tế này đòi hỏi quá trình vận hành xả lũ của các hồ thủy điện phải được thực hiện nghiêm ngặt theo quy trình với sự giám sát chặt chẽ nhằm tránh xảy ra lũ nhân tạo, gây thiệt hại về người và tài sản cho nhân dân.

Nằm ở thượng nguồn sông Ba, Thủy điện An khê – KaNak có dung tích hồ chứa cả 2 hồ khoảng 300 triệu m3 nước. Bởi vậy, mỗi lần xả lũ, đều tác động tới các hồ chứa và khu vực dân cư ở hạ lưu.

Theo ông Đỗ Đức Hoài – Phó Giám đốc Công ty Thủy điện An Khê – KaNak, lệnh xả lũ của UBND tỉnh Gia Lai cho phép lượng xả lớn nhất qua tràn Thủy điện KaNak là 695 m3/s, nhưng thực tế Nhà máy chỉ xả 450 m3/s; còn xả qua tràn lớn nhất của Thủy điện An Khê là 1.245 m3/s, thực tế chỉ xả 900 m3/s.

“Nếu ở miền Bắc, hồ Thủy điện Sơn La quy định thông báo trước vận hành xả lũ là 2 tiếng, nhưng với Gia Lai quy định phải thông báo trước 4 tiếng để các địa phương phòng lũ hạ du. Trong phương án phòng lũ hạ du, đảm bảo tính toán được khi xả lũ tại các hồ chứa An khê- Kanak cũng như phối hợp tốt với địa phương mới có thể chủ động được”, ông Hoài cho biết.

Phía hạ du sông Ba, bên dưới Thủy điện An Khê – Kanak là các thủy điện Sông Ba Hạ, Krông H’Năng… Khi chịu áp lực nước từ thượng nguồn, các thủy điện này cũng phải giảm tải cho hồ chứa bằng cách xả nước.

Ông Nguyễn Đức Phú – Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thủy điện Sông Ba Hạ cho biết, thực tế, đợt mưa bão gần đây nhất vào ngày 4/12, thủy điện đã báo cáo UBND tỉnh Phú Yên đề nghị cho phép xả điều tiết hồ chứa trước từ ngày 1/12 và giữ điều tiết mực nước hồ là 1,02m. Với việc chủ động điều tiết đón lũ trước 3 ngày như vậy, ông Nguyễn Đức Phú khẳng định Thủy điện Sông Ba Hạ không dồn dập xả lũ.

Tuy nhiên, qua thực tế vận hành liên hồ chứa, ông Phan Đình Thạnh, Giám đốc Công ty Cổ phần Sông Ba, đơn vị vận hành Nhà máy Thuỷ điện Krông H'năng cho rằng vẫn còn những bất cập. Theo đó, khi các lưu vực khác trên sông Ba không có mưa mà chỉ có mưa cục bộ tại lưu vực hồ Krông H’Năng thì việc vận hành xả nước đón lũ theo Quy trình liên hồ hiện nay là không hợp lý, đồng thời không tích được nước cho mùa cạn. Vì vậy, trong trường hợp mưa lũ chỉ xảy ra cục bộ trên lưu vực thì hồ Thủy điện Krông H’Năng cần được vận hành theo quy trình đơn hồ.

“Thời gian tới Công ty sẽ có một báo cáo đề xuất với tỉnh Phú Yên về xả lũ liên hồ trên sông Ba sao cho hợp lý hơn. Hiện nay việc sử dụng dung tích phòng lũ chưa phải là tối ưu. Ngoài ra khi xả nước đón lũ hiện vẫn theo một quy định cứng nhắc, chưa phải là khoa học”, ông Thạnh cho hay.

Những ngày gần đây, lưu lượng nước từ các thủy điện đầu nguồn sông Ba xả về hạ du giảm dần. Tuy nhiên, vẫn chưa thể dự báo chính xác tình hình mưa lũ bởi diễn biến thời tiết được đánh giá là rất phức tạp. Vì vậy, mới đây, Bộ Công Thương thành lập đoàn kiểm tra, đánh giá thực tế vận hành hồ chứa thủy điện trên sông Ba.

Qua kiểm tra, đánh giá thực tế, ông Tô Xuân Bảo, Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường Công nghiệp (Bộ Công Thương) nhận định, về cơ bản, các nhà máy thủy điện Krông H'năng, Sông Ba Hạ, An Khê – Kanak đang tuân thủ tốt các quy định về quản lý an toàn đập và tuân thủ nghiêm quy trình vận hành liên hồ chứa được Thủ tướng phê duyệt (Quyết định số 1077/QĐ-TTg). Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với địa phương trong việc vận hành hồ chứa, góp phần giảm lũ, chậm lũ cho hạ du. Tuy nhiên, do địa hình khu vực hẹp, dốc nên thuỷ điện chỉ có quy mô nhỏ, dẫn đến dung tích phòng lũ của hồ thuỷ điện cũng nhỏ, vì vậy chỉ có thể góp phần giảm mức độ lũ, chứ không thể cắt lũ một cách triệt để cho hạ du.

Tiến sỹ Thái Phụng Nê, nguyên Bộ trưởng Bộ Năng lượng, người từng lâu năm gắn bó với các công trình thủy điện cũng cho rằng, trên thực tế, các nhà máy thủy điện trên sông Ba không chống được lũ lớn vì có dung tích phòng lũ rất nhỏ, chỉ làm chậm lũ chứ không thể chống lũ triệt để như các hồ trên hệ thống sông Đà. Bởi vậy, việc điều hành xả lũ cần phải được thực hiện nghiêm theo quy trình vận hành liên hồ chứa, đồng thời phải có sự giám sát chặt chẽ, không gây ra lũ nhân tạo cho hạ du.

“Trên sông Ba không có địa điểm để làm những hồ chứa lớn đủ dung tích điều tiết chống lũ triệt để được. Trong điều hành phải thực hiện nghiêm quy trình vận hành liên hồ chứa, khi nào mức nước đến đâu, như thế nào thì mở tháo bao nhiêu lưu lượng. Giám sát việc này giao cho địa phương. Họ có thể đặt camera xem van mở bao nhiêu tương ứng lưu lượng tháo bao nhiêu. Việc mở xả lũ thì phải thực hiện theo quy trình thông báo cho hạ lưu, tất cả đều minh bạch, không phải như trước đây…”, Tiến sỹ Thái Phụng Nê phân tích.

Rõ ràng, để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa an toàn cho hạ du và phát điện thì sự phối hợp nhịp nhàng giữa chủ hồ đập và chính quyền địa phương là vô cùng quan trọng, để đưa ra được quyết định điều tiết xả lũ hợp lý đúng quy trình, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng và thiệt hại đến tính mạng và tài sản người dân vùng hạ du mỗi khi mùa mưa lũ về. 


  • 16/12/2017 10:26
  • Việt Hà (Trung tâm Thông tin - VOV)
  • 10400