Tại Hội nghị tổng kết hoạt động kinh doanh năm 2013, Tổng giám đốc EVN Phạm Lê Thanh khi trao đổi với báo giới về kết quả kinh doanh đã đạt được trong năm 2013 đã chia sẻ rằng: EVN tiến hành đầu tư, phát triển những dự án điện đến các xã vùng sâu, vùng xa, vùng hải đảo hoàn toàn không mang tính chất kinh doanh, mà là phục vụ các mục tiêu an sinh xã hội. Có những dự án, EVN phải bỏ ra cả ngàn tỉ đồng đầu tư như dự án đưa điện ra đảo Cô Tô, Phú Quốc… nhưng tiền điện thu về lại rất ít, có khi chỉ vài triệu đồng/tháng.
Cái khó của ngành Điện là vậy, nhưng điều này đã không được người dân, được xã hội và nền kinh tế thấu hiểu và chia sẻ. Người ta vẫn cứ bảo ngành Điện là độc quyền, là không minh bạch, nhưng rồi có doanh nghiệp nào tham gia đầu tư cùng với EVN? Ngẫm lời chia sẻ của ông Thanh mới thấy, chuyện người ta chê, người ta trách ngành Điện có phần thiếu công bằng, nếu không muốn nói là ích kỷ và nó đang khiến những người làm điện thấy chạnh lòng.
Thử hình dung khi đầu tư hệ thống lưới điện ra đảo Phú Quốc, theo tính toán phải 60, 70 năm sau, EVN mới thu đủ gốc. Và nếu tính cả chi phí vận hành, chi phí sửa chữa… thì chắc chắn, thời gian thu hồi gốc sẽ còn lớn hơn nhiều, có khi là cả 100 năm. Với một phép toán như vậy thì liệu có doanh nghiệp nào dám tham gia thực hiện đầu tư hay không?
Ngành Điện phải đầu tư với số tiền rất lớn để đưa điện ra đảo Phú Quốc - Ảnh Vũ Lam
|
Hay như chuyện tăng giá điện cũng vậy. Hễ khi nào người ta nghe thấy thông tin giá điện tăng là một loạt phép toán mang nặng tính kinh tế cũng được đặt ra. Ví như trước khi có thông tin chính thức về việc tăng giá điện hồi tháng 7/2013, người ta lập tức đưa ra mệnh đề “nếu giá điện được điều chỉnh thì…” và tất nhiên, đi kèm theo cái “…” sẽ là một loạt những hệ lụy mang tầm kinh tế vĩ mô, những vết thương khó lành của nền kinh tế. Nhưng có một điều, không ai nghĩ cho EVN rằng, EVN cũng là một doanh nghiệp, mà là doanh nghiệp thì khi đầu tư, kinh doanh cũng phải có lãi. Họ đòi hỏi ở ngành Điện trách nhiệm nhưng lại không muốn có nghĩa vụ với lĩnh vực này.
Xung quanh câu chuyện này, ông Thanh cũng từng chia sẻ rằng, giá điện hiện nay vẫn chưa vận hành theo cơ chế thị trường, thậm chí một số nhóm, đối tượng vẫn còn đang được bao cấp. Vậy đây có phải nguyên nhân sinh ra sự ích kỷ của người tiêu dùng điện? Phải chăng họ đã quen được dùng điện giá rẻ một cách thoải mái mà chẳng cần phải suy nghĩ đến chuyện tiết kiệm, chuyện giảm chi phí? Có lẽ là đúng, bởi suốt bao năm nay, người ta có hiểu cho những cái khó của ngành Điện đâu. Ngành Điện vẫn cứ phải “căng mình” thực hiện các dự án phát triển lưới điện, cả ở vùng sâu, vùng xa và hải đảo, nhưng lợi nhuận tích lũy có được là bao và có khi vì thế mà thua lỗ. Thậm chí, theo ông Thanh, trong giai đoạn 2010 - 2013, khi EVN phải thực hiện điều chỉnh giá điện theo chỉ đạo của Chính phủ thì lợi nhuận của Tập đoàn là bằng 0%.
Điện đến với bà con vùng sâu, xa, miền núi khó khăn để giúp đẩy lùi đói nghèo - Ảnh Vũ Lam
|
Đây là thực tế mà EVN đã phải đối diện trong suốt những năm qua và chắc chắn rằng, nếu không có tâm, không ý thức được trách nhiệm với xã hội, với nền kinh tế, một doanh nghiệp như EVN - vốn dĩ cũng chịu áp lực lợi nhuận, chỉ tiêu kinh doanh như bao doanh nghiệp khác - sẽ khó hoàn thành các nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước giao phó.
Đó chỉ là một trong rất nhiều điều oan mà ngành Điện phải chịu đựng suốt nhiều năm qua và chúng tôi nghĩ rằng, đã đến lúc chúng ta cần phải có cái nhìn công tâm hơn với hoạt động của EVN. Tại sao không ai đặt câu hỏi ngược rằng: Vì sao người ta cứ nói điện độc quyền, nói ngành Điện tự tung, tự tác, nhưng rồi khi được kêu gọi đầu tư dù được Chính phủ hỗ trợ thì chẳng mấy doanh nghiệp tham gia. Và nếu có tham gia thì cũng chỉ là vài ba dự án thủy điện nhỏ. Họ làm thủy điện thì cũng nảy sinh biết bao vấn đề, nào là vỡ đập, nào là chặt phá rừng… Nói chung là họ không có cái tâm, cái tâm hy sinh vì lợi ích chung của xã hội, của nền kinh tế, đất nước!
Thống kê của EVN cho biết, tính đến hết năm 2013, cả nước có trên 2,18 triệu hộ dân thuộc đối tượng nghèo và hộ thu nhập thấp được cấp điện theo đúng chính sách hỗ trợ giá điện của Chính phủ. Đặc biệt, các dự án cấp điện cho bà con dân tộc tại các tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La đã cấp điện tới hàng trăm thôn bản, phum sóc, đưa tỷ lệ số xã có điện tăng lên 98,63%, số hộ dân nông thôn được dùng điện trong cả nước tăng lên 97,26% (cuối năm 2012 tỷ lệ này là 96,8%). |