Là một cán bộ làm công tác thi đua, tôi luôn thấm nhuần lời dạy của Bác và hiểu rõ tầm quan trọng cũng như sự ảnh hưởng của công tác thi đua – khen thưởng trong sản xuất kinh doanh (SXKD). Để tham mưu tốt cho lãnh đạo trong công tác thi đua - khen thưởng thì người cán bộ phải thực sự tâm huyết và trách nhiệm với nhiệm vụ được giao.
Việc đầu tiên là thống kê các danh hiệu thi đua, khen thưởng mà các tập thể, cá nhân đã đạt được qua từng năm. Việc này tưởng chừng đơn giản nhưng để làm được cần phải tỉ mỉ và mất nhiều thời gian. Cần nhất là cán bộ làm công tác thi đua ở mỗi đơn vị phải hệ thống được các kết quả thi đua, khen thưởng mà tập thể, cá nhân của đơn vị đạt được để làm căn cứ, cơ sở xem xét hoặc đề xuất danh hiệu thi đua, khen thưởng tiếp theo.
Mặt khác, cán bộ làm công tác thi đua phải nắm vững Luật và các nghị định, thông tư hướng dẫn, phải hiểu được đâu là danh hiệu thi đua và đâu là hình thức khen thưởng.
Danh hiệu thi đua là nền tảng, là cơ sở để đề xuất các hình thức khen thưởng cao từ cấp Bộ đến cấp Nhà nước. Một tập thể, cá nhân xuất sắc đến đâu mà không đạt các danh hiệu thi đua thì chỉ được khen thưởng từ cấp Tập đoàn trở xuống. Đối với tập thể (danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc - TTLĐXS), đối với cá nhân (danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở). Đây là một trong những tiêu chuẩn quan trọng cho việc xét khen thưởng, vì vậy cán bộ thi đua phải nghiên cứu thật kỹ tiêu chuẩn xét các danh hiệu này để tham mưu cho lãnh đạo đơn vị mình.
Quá trình khen thưởng là xâu chuỗi các thành tích từ thấp đến cao. Ví dụ: Các tập thể, cá nhân khi đề xuất khen thưởng cấp Tổng công ty thì trước đó đã được Công ty khen thưởng, đề xuất khen thưởng cấp EVN thì trước đó đã được Tổng công ty khen thưởng, còn nếu là cấp Bộ Công Thương thì trước đó đã được EVN khen thưởng...
Để công tác thi đua khen thưởng ngày càng đạt chất lượng thì Luật cũng nhấn mạnh việc khen thưởng các tập thể, cá nhân tiêu biểu. Có nghĩa là trong số nhiều tập thể, cá nhân đủ tiêu chuẩn như Luật qui định thì Hội đồng Thi đua khen thưởng cần lựa chọn những hạt nhân tiêu biểu để đề nghị. Để được phong tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở thì bắt buộc cá nhân phải có sáng kiến, giải pháp được Hội đồng sáng kiến công nhận. Nhưng không phải ai có sáng kiến, giải pháp được công nhận đều đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở. Bởi ngoài sáng kiến, giải pháp được công nhận thì Hội đồng Thi đua khen thưởng còn xét đến qui mô, tầm ảnh hưởng của sáng kiến đó và cá nhân đó phải là người có đạo đức, có uy tín trong tập thể đang công tác.
Đặc biệt, người làm công tác thi đua khen thưởng cần phải thực sự công tâm, công bằng, khách quan, vô tư, không vụ lợi.
Thi đua - khen thưởng luôn song hành cùng nhau. Nếu các đơn vị không xây dựng phong trào thi đua một cách bài bản ngay từ đầu năm thì cuối năm công tác khen thưởng sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, cần duy trì việc xây dựng quy chế chấm điểm thi đua trong đơn vị với những tiêu chí cụ thể để phong trào thi đua giữa các đơn vị trong tổng công ty đạt chất lượng, đánh giá đúng nỗ lực của từng tập thể, cá nhân. Qua đó, lựa chọn được những đơn vị đạt số điểm xuất sắc, dẫn đầu trong 6 tháng, cả năm. Đây chính là một trong những điều kiện để xét chọn danh hiệu TTLĐXS hàng năm, từ đó đề xuất các hình thức khen thưởng cao. Điều này giúp cho việc lựa chọn, đề xuất khen thưởng được mọi người “tâm phục, khẩu phục”.
Tại Công ty Điện lực Thái Nguyên, chúng tôi luôn làm tốt việc xây dựng kế hoạch thi đua khen thưởng hàng năm và theo giai đoạn để có thể chủ động gắn với việc phát động và duy trì các phong trào thi đua theo nhiệm vụ SXKD. Đồng thời, phát huy tác dụng của công tác thi đua, của phong trào người tốt, việc tốt và tổ chức tốt việc trao tặng, tuyên truyền phổ biến rộng rãi để mọi người học tập, làm theo, khen thưởng kịp thời, đúng đối tượng, đúng thành tích. Đây không chỉ là biện pháp tích cực nhằm phát huy nội lực trong cán bộ, công nhân viên đối với việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, khắc phục những khó khăn, hạn chế trong phong trào mà còn nhằm góp phần thúc đẩy việc tự rèn luyện, bồi dưỡng, nâng cao phẩm chất, đạo đức của người thợ điện Việt Nam.
Muốn làm tốt công tác thi đua, cũng như công tác khen thưởng phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa vai trò của các đoàn thể với chuyên môn trong từng đơn vị, như từ tổ, đội sản xuất đến Điện lực, Công ty và Tổng Công ty...dưới sự lãnh đạo của tổ chức Đảng, trong đó Công đoàn, Đoàn thanh niên... phải là nòng cốt của các phong trào thi đua.
Các nội dung thi đua đều gắn liền với nhiệm vụ SXKD phù hợp với từng giai đoạn và nhiệm vụ chính trị được giao. Trong quá trình tổ chức thực hiện, luôn đổi mới hình thức, phương pháp tổ chức, gắn chương trình hành động thực hiện Nghị quyết đại hội đảng các cấp, với thực hiện Nghị quyết Trung ương IV phù hợp với nhiệm vụ SXKD của ngành, của toàn Công ty và từng đơn vị theo các chủ đề thi đua hàng năm.
Đối với công tác thi đua việc đặt ra “chủ đề” mỗi năm thực sự cần thiết, bởi điều đó giúp cho đơn vị nhìn nhận được những mặt còn tồn tại cần khắc phục của năm trước, xây dựng kế hoạch hoạt động của năm tiếp theo sát với chỉ đạo của cấp trên, gắn kết nhiệm vụ SXKD và hoạt động đoàn thể của từng đơn vị. Từ đó đưa ra những nội dung phát động thi đua trong CNVCLĐ kịp thời, phù hợp với từng thời điểm.
Do làm tốt những phần việc trên nên nhận thức về công tác thi đua khen thưởng ngày càng được người lao động trong Công ty coi trọng, lãnh đạo đơn vị luôn quan tâm động viên người lao động, khen thưởng biểu dương xứng đáng, kịp thời những người có thành tích. Đó là động lực thúc đẩy CBCNV tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua, góp phần đạt hiệu quả cao trong việc hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ SXKD.
Phong trào thi đua của Công ty Điện lực Thái Nguyên trong 5 năm qua đã giành được thắng lợi toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, thông qua các phong trào thi đua như: “Lao động giỏi, lao động sáng tạo trong CNVC-LĐ”; “Thi đua hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu kế hoạch được giao”; Thi đua thực hiện “Năm văn hóa an toàn lao động và kỷ luật lao động”; “Thi đua lập thành tích kỷ niệm các ngày lễ lớn trong năm và ngày truyền thống của ngành, của đơn vị”; “Điện lực kinh doanh giỏi”; Thi đua “tiết kiệm điện”; phong trào thi đua thực hiện công tác “Văn hoá doanh nghiệp”; Phong trào thi đua nước rút “Phấn đấu hoàn thành tốt chỉ tiêu tổn thất điện năng”…Các phong trào thi đua đều gắn việc thực hiện “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” với các nhiệm vụ trọng tâm của đơn vị.
Trong giai đoạn từ năm 2010– 2015, Công ty Điện lực Thái Nguyên liên tục được nhận Cờ thi đua của Tổng Công ty, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Bộ Công Thương khen thưởng về thành tích hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu kế hoạch được giao (với các chỉ tiêu thực hiện: Điện thương phẩm toàn tỉnh tăng trưởng bình quân năm đạt 14,5%; Giá bán điện bình quân tăng hàng năm đạt 116,3đ/kWh; Doanh thu tăng bình quân hàng năm đạt 19,5% ; Tỷ lệ tổn thất điện năng giảm bình quân 0,1%/ năm).
Có được thành tích trên không chỉ bằng sự nỗ lực, cố gắng của tập thể CNVCLĐ, của người làm công tác thi đua mà còn có sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, trực tiếp là EVN, Tổng Công ty đã luôn quan tâm đào tạo, kiện toàn, bồi huấn kịp thời đội ngũ cán bộ làm công tác thi đua – khen thưởng mỗi khi có sự thay đổi, bổ sung Luật và các chỉ thị, nghị định, qui chế liên quan đến hoạt động thi đua, khen thưởng, giúp chúng tôi luôn cập nhật được kiến thức chuyên môn để có thể làm tốt công tác tham mưu của mình cho Hội đồng TĐKT tại đơn vị.
Năm 2015, chủ đề của Công ty Điện lực Thái nguyên là “Nâng cao chất lượng hiệu quả công việc”, với suy nghĩ: Để công tác thi đua – khen thưởng thực hiện ngày càng có chất lượng và đạt hiệu quả cao nhất, ngoài sự cố gắng của người lao động và bản thân, tôi cũng rất mong lãnh đạo EVN (Thường trực Hội đồng sáng kiến) có biện pháp hướng dẫn giúp cơ sở nhân rộng các sáng kiến khi được Tổng Công ty công nhận lên cấp Tập đoàn & Bộ Công Thương để đảm bảo tầm ảnh hưởng và quy mô của sáng kiến khi cá nhân có sáng kiến được đề nghị Tổng liên đoàn cấp Bằng Lao động sáng tạo và xét danh hiệu CSTĐ toàn quốc. Đồng thời, tiếp tục động viên, khen thưởng nhiều hơn nữa thành tích, cống hiến của các cá nhân có quá trình công tác lâu năm nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập (số 43/2011/TT-BCT ngày 26/12/2011 của Bộ Công Thương).
Không ngừng phấn đấu, thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo, đảm bảo an toàn lao động, phấn đấu đạt danh hiệu “Đơn vị Anh hùng trong thời kỳ đổi mới” và được tặng thưởng Huân chương Độc lập Hạng Nhất, đó là mục tiêu, nhiệm vụ công tác thi đua - khen thưởng của PC Thái Nguyên trong thời gian tới. Rất mong được các cấp lãnh đạo quan tâm giúp đỡ, các ban trong Tập đoàn &Tổng công ty ủng hộ để chúng tôi có thêm động lực, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đặt ra.
Một số khen thưởng đạt được của Công ty Điện lực Thái Nguyên giai đoạn 2010 - 2015:
- 1 Huân chương Độc lập hạng Nhì
- 4 Huân chương Lao động hạng Ba
- 12 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ
- 99 Bằng khen cấp Bộ và nhiều Bằng khen của các ban, ngành đoàn thể cho các tập thể và cá nhân tiêu biểu xuất sắc
- 96 lượt tập thể đạt đanh hiệu tập thể lao động xuất sắc
- 1 đồng chí đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc (Đ/c Đinh Hoàng Dương – Giám đốc Công ty)
- 13 lượt đồng chí đạt danh hiệu chiến sỹ thi đua Bộ Công Thương
- 313 lượt đồng chí đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua cơ sở
- 3 lượt đồng chí được Tổng LĐLĐ Việt Nam cấp Bằng Lao động sáng tạo
- Công ty Điện lực Thái Nguyên luôn là một trong 10 doanh nghiệp tiêu biểu xuất sắc nhất của tỉnh Thái Nguyên từ năm 2008 đến nay và là đơn vị trong tốp đầu của NPC
...
|