Nhọc nhằn thợ điện vùng cao

Những sáng kiến độc nhất vô nhị, những câu chuyện éo le, những tai nạn lao động thương tâm,… từng xảy ra trong cuộc sống lao động của những người thợ điện vùng cao đã khiến cho chúng ta phải suy ngẫm.

Còn nhớ năm trước, cũng vào dịp cuối năm, tôi khăn gói đến với những người thợ điện Lào Cai. Lúc đó đang là mùa đông, cái rét buốt thấu xương của miền núi phía Bắc khắc nghiệt vô cùng. Ngồi làm việc trong phòng kín mà tôi vẫn thấy rét run cầm cập. Nếu không có chén nước chè nóng ủ ấm đôi tay thì có lẽ tôi không thể cầm bút ghi chép lại những “sáng kiến” chống rét rất thú vị của thợ điện nơi đây.

Tháng 1, núi rừng Mường Khương chìm trong sương mù dầy đặc. Trời lạnh buốt mà tôi toát mồ hôi hột vì leo dốc núi khúc khuỷu trong khi sương mù đã che hết tầm nhìn. Anh tài xế của Công ty Điện lực Lào Cai chỉ còn cách cho xe… bò chậm như rùa và liên tục bấm còi, phòng có chiếc xe máy nào đó xuất hiện sau những khúc cua tay áo. Cũng giống như thợ điện các nơi khác, công nhân Điện lực Mường Khương chủ yếu sử dụng xe máy đi hiện trường.  Thợ điện Mường Khương đi kiểm tra đường dây hay giải quyết sự cố vào mùa này đã có “sáng kiến” dùng đất bùn trát lên đèn pha xe máy, tạo ánh sáng màu vàng soi đường mới  đi được.

Thợ điện Sa Pa thì lại có cách chống rét mà khi nghe kể tôi đã thực sự “cười ra nước mắt”. Vì có thời điểm nhiệt độ xuống đến 00C,  anh em quản lý, vận hành đường dây thường phải đem theo chậu than hồng để sưởi ấm toàn thân sau khi di chuyển một quãng đường dài trong giá lạnh. Ấy thế mà vừa leo lên cột, chưa kịp sửa chữa gì lại phải... tụt xuống vì người đã lạnh cóng, mũi tê cứng lại, tay chân không thể làm gì được. Phải dăm bảy bận trèo lên, tụt xuống như thế các anh mới hoàn thành được công việc.

Nhắc đến miền núi, mọi người đều có thể hình dung ngay, đó là nơi đất rộng người thưa với những con dốc cheo leo, những cung đường hiểm trở, những cơn mưa rừng dữ dội kéo dài nhiều ngày, rồi thì núi lở, cây đổ... Nghề thợ điện ở miền núi vất vả lắm.

Để thu được tiền điện, thợ điện miền núi ở Đông Giang, tỉnh Quảng Nam phải bơi qua sông - Ảnh: Hoàng Tuyết

Anh Đỗ Vĩnh Cương (Công ty Điện lực Cao Bằng) kể lại lần đi nghiệm thu đóng điện Trạm biến áp Đồng Tâm, xã Trung Phúc, huyện Trùng Khánh, tháng 11/2013. Đoàn cán bộ nghiệm thu xuất phát từ thị xã Cao Bằng vào lúc 7h sáng. Đi đến Điện lực Trùng Khánh mất chừng 2 tiếng. Từ đó vào đến Trạm biến áp Đồng Tâm còn 20 km nữa trong điều kiện đường đi khó khăn, trời rét căm căm kèm theo mưa phùn. Nhóm anh em công nhân đi xe máy mặt mũi tím ngắt, dù đã mặc thêm áo mưa. Đến được vị trí công tác thì đã gần trưa. Công việc trước mắt là phân công từng nhóm đi bộ dọc tuyến đường dây dài khoảng 1,5 km kiểm đếm thiết bị, kết hợp đo điện trở tiếp địa và cuối cùng là nghiệm thu thiết bị Trạm. Đến 12h, công tác kiểm đếm hoàn tất, chuyển sang khâu lắp công tơ đo đếm đầu Trạm. Lúc này, mọi người bụng đã đói meo, nhưng động viên nhau cố làm cho xong vì ở xóm núi hẻo lánh này cũng chẳng có gì ăn ngoài 1 quán nhỏ bán rượu, thuốc lá và vài gói bánh kẹo màu xanh, đỏ.

 Đến 3h chiều, công việc mới hoàn tất. Đoàn nghiệm thu quay về Trụ sở Điện lực ăn cơm trưa, cũng là bữa cơm chiều trong ngày hôm đó. Khâu tiếp theo, để từng hộ dân trong xóm có điện dùng, những người thợ điện Trùng Khánh còn phải đi lại nhiều lần mang dây, bóng điện về bản lắp cho dân, rồi mỗi tháng 2 lần về bản chốt chỉ số, phát giấy báo lượng điện đã sử dụng và thu tiền điện (mà tiền điện dân trả thì có đáng là bao!)

Anh Cương bảo: “Đây mới chỉ là 1 trong hàng trăm trạm biến áp phân phối phục vụ cho đồng bào các xóm biên giới tỉnh Cao Bằng”.

Lúc này, tôi bỗng nhớ đến những người thợ điện ở các huyện vùng cao Đông Giang, Tây Giang (Quảng Nam) với “đặc sản” địa hình chia cắt, núi cao vực sâu hiểm trở. Công nhân Điện lực Đông Giang phải mặc áo phao bơi qua sông ghi chỉ số và thu tiền điện ở thôn A Duông, thị trấn Prao – nơi có 26 hộ dân sinh sống.

Tôi nhớ một trường hợp thương tâm ở Công ty Điện lực Yên Bái. Đó là anh thợ điện Dương Hoài Sơn. Năm 2004, anh là công nhân vận hành của Chi nhánh điện Mù Căng Chải. Nhà anh ở huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái, cách nơi làm việc hơn 100 km.

Chị Phạm Thị Thu, vợ anh Sơn, vẫn không khỏi rùng mình mỗi khi nhớ lại tai nạn kinh hoàng đã xảy ra với chồng mình. Chị nhớ đó là ngày 8/3/2004. Chị ở nhà như thường lệ, mong đến cuối tuần chồng về sum họp gia đình thì nhận được hung tin, anh Sơn bị ngã từ độ cao hơn 14m khi đang làm việc.

Tai nạn lao động đã biến người đàn ông sức dài vai rộng từ vai trò trụ cột gia đình bỗng chốc mất 97% sức khỏe, liệt toàn thân.

Tôi vẫn nhớ giọt nước mắt xót xa và sự bất lực của anh khi không thể điều khiển được đôi tay lau nước mắt cho chính mình.

Ở các tỉnh vùng cao, vùng sâu vùng xa của đất nước, có biết bao người thợ điện vẫn vẫn ngày đêm lặng lẽ vượt qua mọi gian nan thử thách, giữ ánh sáng điện cho mỗi mỗi gia đình, làng xóm, quê hương. Chỉ tiếc rằng, chúng tôi chưa có dịp đến với họ, viết về họ, những người thợ điện vùng cao và dành cho họ những lời tri ân và sự trân trọng mà họ xứng đáng được hưởng.


  • 16/05/2014 07:20
  • Theo TCĐL Chuyên đề QL&HN
  • 4581


Gửi nhận xét