Tuyến cáp ngầm Iceland- Anh:
Quốc đảo Iceland được biết đến là nơi có tiềm năng lớn về năng lượng tự nhiên, chủ yếu là thủy điện và nhiệt núi lửa. Địa hình tự nhiên ở đây được đặc trưng bằng nhiều sông suối và thác lớn là điều kiện lý tưởng để Iceland phát triển thủy điện. Bên cạnh đó, năng lượng từ những ngọn núi lửa dưới lòng đất được Iceland sử dụng để chạy tua-bin phát điện.
Tuyến cáp ngầm Iceland- Anh:
- Truyền tải điện năng từ Iceland tới Vương quốc Anh.
- Vốn đầu tư: 4 tỷ bảng Anh
- Chiều dài cáp: 1.500 km xuyên biển
- Mức tổn thất điện năng: 4-5%
|
Công ty Landsvirkjun (thuộc sở hữu của Chính phủ) là đơn vị quản lý năng lượng ở Iceland. Theo tính toán của Công ty này, hiện mới có khoảng 20% năng lượng trên đảo được sử dụng. Iceland hiện đang có 5 nhà máy điện địa nhiệt, sản xuất cả nhiệt năng và điện năng. Người dân Iceland được thỏa mãn hoàn toàn nhu cầu về năng lượng. Trung bình, mỗi người dân tiêu thụ khoảng 51.000 kWh/năm. Đây là mức tiêu thụ điện năng lớn gấp 3 lần so với Thụy Điển và hơn khoảng 8 lần so với Đan Mạch.
Với chiều dài 1.500 km (930 miles), tuyến cáp Iceland – Anh được xây dựng với mục đích truyền tải năng lượng từ các nhà máy thủy điện và điện địa nhiệt của Iceland tới Vương Quốc Anh. Dự án cáp điện ngầm dài nhất thế giới, dự kiến sẽ hoàn thành khoảng 5 năm tới. Chi phí đầu tư vào tuyến cáp này ước tính khoảng 4 tỷ bảng Anh.
Trước khi kéo cáp ngầm, các kỹ sư và các nhà địa chất đã nghiên cứu tìm vị trí hợp lý nhất để đặt dây cáp, tránh những rào cản dưới đáy biển như, rặng san hô hoặc các sườn dốc. Việc khảo sát đáy đại đương được thực hiện bằng các công nghệ hiện đại như: Tàu ngầm điều khiển từ xa, công nghệ đo bằng âm thanh và sóng siêu âm…
Tuyến cáp này sẽ được đặt ở những vùng nước sâu, độ mặn cao của Bắc Đại Tây Dương, áp suất lên đến 50 atm. Do đó, cáp sẽ phải được bảo vệ bởi nhiều lớp, tránh bị muối biển ăn mòn, cũng như phải giảm áp lực nước và các tác động khác ở đáy biển. Tuổi thọ của cáp được dự tính sẽ kéo dài hơn 40 năm.
Cáp ngầm được kéo ra đảo Iceland bằng tàu chuyên dụng. Việc rải cáp phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết bởi Bắc Đại Tây Dương nổi tiếng nhiều bão lớn. Nếu tàu bị rơi vào vùng thời tiết xấu, các nhân viên thi công sẽ buộc phải cắt dây cáp tại đó. Những đoạn cáp bị cắt sẽ được nối lại vào phần tiếp theo một kết cấu đặc biệt. Tuy nhiên, các mấu nối này là những điểm yếu nhất của đường cáp. Do đó, trong quá trình thi công, càng giảm được công đoạn đấu nối càng tốt.
Theo tính toán, đường cáp ngầm từ Iceland đến nước Anh có tỷ lệ tổn thất điện năng khá thấp, chỉ khoảng 3% cho 1.000 km cáp. Do đó, tuyến cáp này có mức tổn thất điện năng chỉ vào khoảng 4-5%.
Cáp ngầm giúp truyền tải, chia sẻ năng lượng giữa các quốc gia, các khu vực - Ảnh Internet
|
Cáp ngầm xuyên biển giữa Iceland và Anh được coi là một dự án đánh dấu bước phát triển trong việc trao đổi năng lượng điện giữa các quốc gia. Sự chia sẻ năng lượng điện mang lại rất nhiều lợi ích: Các quốc gia có tiềm năng có thể khai thác và xuất khẩu năng lượng điện, trong khi các quốc gia thiếu điện sẽ được bổ sung, đáp ứng đủ nhu cầu về điện. Ngoài dự án hợp tác với Anh, các công ty điện lực ở Iceland đang lên kế hoạch kéo cáp tới các quốc gia khác ở châu Âu, nhằm phát triển mạng lưới năng lượng điện quốc tế.
SA.PE.I (Ý) - Tuyến cáp ngầm được đặt dưới biển sâu nhất
Ý hiện là quốc gia nhập khẩu năng lượng hàng đầu thế giới. Ở Ý, hệ thống truyền tải điện luôn được được đầu tư phát triển, đảm bảo truyền tải và phân phối điện tới các khu vực thiếu điện của đất nước.
SA.PE.I. là một trong những công trình chiến lược quan trọng, tăng cường sự kết nối trong hệ thống điện quốc gia tại Ý, có mức đầu tư 730 triệu euro. Đây là tuyến cáp ngầm được đặt ở độ sâu 1.600 mét dưới biển – sâu nhất thế giới. Năm 2011, vào thời điểm mà tuyến cáp này đi vào vận hành, với chiều dài cáp 420 km, là tuyến cáp ngầm dài thứ hai trên thế giới, chỉ sau tuyến cáp Hà Lan – Na Uy.
Cáp ngầm SA.PE.I đưa điện từ đất liền tới đảo Sardinia thuộc vùng tự trị, và là hòn đảo có diện tích lớn thứ hai của Ý. Tuyến cáp này được sở hữu và điều hành bởi Terna – Công ty điều hành hệ thống truyền tải của Ý.
Tuyến cáp SA.PE.I (Ý):
Kết nối hệ thống điện ở đảo Sardinia với đất liền Ý.
Vốn đầu tư: 730 triệu euro
Chiều dài cáp: 420 km dưới biển, 15 km trên bờ.
Độ sâu đặt cáp ngầm: 1.600 mét.
Công suất: 1000 MW.
|
Năm 2006, các cuộc khảo sát đáy biển đã được tiến hành khẩn trương, tìm vị trí đặt cáp. Đặc điểm địa chất của đáy biển đã khiến Terna quyết định đặt cáp sâu trong lòng đại dương. Đồng thời, các nghiên cứu về môi trường cũng được tiến hành nhằm đảm bảo việc đặt cáp ngầm sẽ không làm ảnh hưởng tới sinh thái biển, không làm ô nhiễm môi trường biển.Việc đặt cáp ngầm do tàu Giulio Verne thực hiện, Đây là loại tàu kéo cáp lớn nhất thế giới. Dây cáp ngầm xuyên biển thứ nhất được đặt vào năm 2008, dây cáp thứ hai được lắp đặt vào năm 2010. Cáp ngầm có đường kính là 120 mm, do Tập đoàn Prysmian sản xuất. Hệ thống cáp đôi này có chiều dài 420 km xuyên biển và 15 km trên đất liền gồm hai cực, điện thế 500 kV, với tổng công suất 1.000 MW. Với tuyến cáp ngầm xuyên biển tới Sardinia, Công ty Terna đã chọn mô hình truyền tải HVDC – truyền tải điện một chiều cao áp, với mục đích hướng truyền và công suất được truyền tải trên đường dây sẽ được điều khiển một cách chính xác và ổn định.1
Tuyến cáp truyền tải điện SA.PE.I đã được khánh thành vào ngày 17/3/2011 và được kết nối với lưới điện điện xoay chiều thông qua các trạm biến áp ở Fiume Santo và Latina. Dự án SA.PE.I được Ý triển khai dựa trên những tiến bộ khoa học và những kinh nghiệm từ các dự án cáp ngầm truyền tải điện cao áp một chiều trên thế giới. Đồng thời, sự xuất hiện của tuyến cáp đôi 500 kV SA.PE.I sẽ thay thế cho hệ thống đường dây 220 kV đã cũ, nối giữa Sardiana, Corsica và Ý (SA.CO.I).
Việc hoàn thành tuyến cáp đã góp phần đảm bảo an ninh năng lượng cho đảo Sardinia. Công suất 1000 MW từ cáp ngầm SA.PE.I đáp ứng tới hơn 50% nhu cầu điện năng của hòn đảo lớn thứ hai nước Ý này.