Mỹ và Trung Quốc đang phát triển năng lượng mặt trời bằng cách nào?

Trung Quốc và Mỹ là những quốc gia thuộc top 5 cường quốc trên thế giới về điện mặt trời. Vậy, hai đất nước này đang áp dụng những chính sách nào để thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp năng lượng mặt trời?

Mỹ: Hỗ trợ tối đa cho phát triển năng lượng mặt trời

Nhằm giảm sự phụ thuộc vào các nguồn năng lượng hóa thạch truyền thống cũng như hạn chế lượng khí nhà kính, Chính phủ Mỹ đã công bố hàng loạt biện pháp thúc đẩy ngành năng lượng điện mặt trời, hướng tới mục tiêu cấp điện cho khoảng 6 triệu hộ dân vào năm 2020.

Trong năm 2014, Nhà Trắng công bố đầu tư 68 triệu đô-la cho 540 dự án năng lượng tái tạo và tiết kiệm năng lượng, trong đó, có tới 240 dự án về điện mặt trời.

Với sự hỗ trợ của Chính phủ Mỹ, từ đầu năm 2010, giá trung bình của pin năng lượng mặt trời đã giảm tới 60%. Giá thành thấp dần khiến số lượng các tấm pin năng lượng mặt trời được lắp đặt ở Mỹ đã tăng mạnh, giúp sản lượng điện năng từ nguồn năng lượng tái sinh này tăng gần 11 lần, từ mức 1,2 gigawatts trong năm 2008 lên khoảng 13 gigawatts hiện nay. Công suất các nhà máy điện mặt trời hiện đáp ứng được nhu cầu sử dụng điện của khoảng 2,2 triệu hộ dân ở Mỹ.

Bên cạnh đó, các nhà đầu tư cũng được tạo điều kiện thuận lợi tối đa về mặt bằng để triển khai các dự án năng lượng sạch. Nếu như 5 năm trước, không có bất kỳ dự án năng lượng nào được phép xây dựng trên các khu đất công cộng thì nay Bộ Nội vụ Mỹ đã đồng ý cho triển khai các dự án năng lượng tái tạo trên diện tích đất công cộng.

Mới đây, ngày 15/10, Mỹ đã cho phép Solarcity- 1 công ty năng lượng mặt trời bán ra 200 triệu đô-la trái phiếu cho các nhà đầu tư lẻ. Đây là sự kiện đầu tiên đánh dấu việc bán phổ biến trái phiếu năng lượng mặt trời trên thị trường tài chính, nhằm thu hút nguồn vốn từ các nhà đầu tư tư nhân, thúc đẩy sự cạnh tranh phát triển của ngành năng lượng điện mặt trời.

Tại Mỹ, hiện có khoảng 143.000 người lao động làm việc trong ngành công nghiệp năng lượng mặt trời, tăng gấp đôi so với năm 2010. Nguồn nhân lực dồi dào là một trong những điều kiện thuận lợi để ngành công nghiệp này phát huy nội lực, đáp ứng được các mục tiêu tăng trưởng đề ra.

Mỹ đặt mục tiêu cấp điện bằng năng lượng mặt trời cho khoảng 6 triệu hộ dân vào năm 2020. Ảnh: nguồn Internet.

Trung Quốc: Chú trọng phát triển nguồn phát điện phân tán cho các khách hàng lớn

Trung Quốc được biết đến là quốc gia tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới. Để thỏa mãn nhu cầu về năng lượng, thời gian gần đây, Trung Quốc đã chú trọng phát triển các nguồn năng lượng tái tạo. Năm 2014, Trung Quốc đặt mục tiêu lắp đặt 14 GW điện mặt trời. Trong đó, khoảng 8GW đến từ việc xây dựng các nguồn phát điện phân tán, 6 GW còn lại từ các dự án nhà máy quang điện lớn.

Cơ quan Năng lượng quốc gia Trung Quốc (NEA) đã ra chỉ đạo tập trung vào việc phát triển năng lượng mặt trời theo mô hình nguồn phát phân tán - mô hình phát điện quy mô nhỏ, nằm gần hoặc ngay tại điểm tiêu thụ điện năng. Để khuyến khích đầu tư, các dự án quang điện mặt trời công suất nhỏ sẽ được ưu đãi thuế, giảm lãi suất các khoản vay. Các tấm pin quang điện được cho phép lắp đặt ngay ở những công trình hạ tầng công cộng như: Sân bay, trạm tàu…

Tại Trung Quốc, mô hình này chủ yếu được sử dụng để cấp điện cho các công ty công nghiệp, công ty thương mại tại các khu công nghiệp mọc ở khắp nơi trên cả nước. Những khách hàng lớn của ngành Điện Trung Quốc được khuyến khích tự lắp đặt các nguồn phát điện năng lượng mặt trời. Đây là cách giúp họ chủ động trong việc tự cung ứng điện, đồng thời giúp giảm chi phí sử dụng điện một cách hiệu quả. Hiện, Tân Cương là địa phương dẫn đầu cả nước với việc xây dựng các nguồn phát điện phân tán đạt công suất 900 MW trong 6 tháng đầu năm 2014.


  • 22/10/2014 04:21
  • M.Hạnh (theo whitehouse.gov; bloomberg)
  • 3678


Gửi nhận xét