Phát triển kinh tế biển đảo: Tìm giải pháp cho nguồn và giá điện

Giải pháp được xác định để có thể tạo ra các đột phá trong phát triển kinh tế biển đảo chính là điện. Nhưng làm sao để có đủ điện với nguồn cấp ổn định, giá cả phù hợp cho các đảo thì lại không hề đơn giản.

Đưa điện lưới ra đảo lớn không chỉ đơn giản là kéo dây dựng cột

Huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) - được đánh giá là huyện đảo tiền tiêu có vị trí rất quan trọng về an ninh quốc phòng và kinh tế biển, cách đất liền 15 hải lý (khoảng 24 km), với diện tích tự nhiên trên đảo gần 10 cây số vuông. Nơi đây có hai đảo: Đảo Lớn (còn gọi là Cù Lao Ré) gồm 2 xã An Vĩnh và An Hải, và Đảo Bé (Cù lao Bờ bãi) có một xã là An Bình. Tổng số dân hiện sinh sống trên huyện đảo Lý Sơn khoảng 21.000 người. Mặc dù Lý Sơn có bãi biển đẹp, tài nguyên biển phong phú cùng nhiều di tích lịch sử và đặc biệt là quê hương của Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải - là những tiềm năng để phát triển mạnh các ngành kinh tế du lịch biển và hậu cần nghề cá. Thế nhưng, kinh tế của Lý Sơn hiện tăng trưởng khoảng 16,3% chủ yếu vẫn nhờ vào phát triển nông nghiệp với cây tỏi, củ hành và dịch vụ tiểu thủ công nghiệp.

Nước ta có hơn 3.000 đảo lớn, nhỏ tập trung ở ven bờ và hai quần đảo lớn là Trường Sa và Hoàng Sa, trong đó 1/6 số đảo hiện đang có cư dân sinh sống và phát triển kinh tế. Chiến lược phát triển kinh tế Biển Việt Nam xác định, đến năm 2020, kinh tế biển sẽ đóng góp từ 53-55% GDP của cả nước. Điều này đã được cụ thể hóa tại “Quy hoạch phát triển kinh tế Đảo Việt Nam đến năm 2020”.

Do nằm cách xa đất liền nên đến nay huyện đảo Lý Sơn vẫn chưa có nguồn điện lưới quốc gia. 15 năm trước, vào tháng 7 năm 1999, tỉnh Quảng Ngãi đầu tư máy phát điện chạy dầu diezel cho nhân dân huyện đảo, nhưng vì công suất nhỏ (hơn 1MW) nên chỉ có thể cấp điện tối đa cho nửa huyện mỗi ngày. Hình thức phân bổ cách nhật cho từng khu dân cư 5 giờ mỗi đêm đã tạo ra văn hóa “trông đèn” của xã An Vĩnh khi An Hải có điện. Năm 2002, ngành Điện tiếp nhận toàn bộ nguồn phát và hệ thống lưới điện trên huyện đảo Lý Sơn để nâng cấp và bán điện trực tiếp đến các hộ dân trên đảo. Nhưng cũng phải tròn 10 năm sau - vào tháng 7/2012, cả hai xã trên đảo Lớn là An Vĩnh và An Hải mới cùng được cấp điện hằng đêm, và mỗi đêm cũng chỉ được 6 giờ có điện.

Ông Phạm Kế - 75 tuổi ở thôn Đông, xã An Hải cho biết, vì thiếu điện nên tàu cá của các con ông khi đánh bắt được phải chạy thêm hơn hai chục cây số vào tận cảng Sa Kỳ (huyện Bình Sơn) để tiêu thụ vì không thể lưu trữ, bảo quản. Bà Huỳnh Thị Sơn cũng ở thôn Đông, xã An Hải chia sẻ: “Muốn có nước để tưới cho những cánh đồng hành, tỏi của gia đình mình, tôi đã phải sử dụng nguồn điện chạy dầu để bơm nước tưới tiêu, với giá điện lên tới 7.500-8.000 đồng/kWh, thậm chí có khi lên tới hơn 12.000 đồng/kWh, gấp từ 5-10 lần so với giá điện ở đất liền”.

Lễ khởi công Dự án cáp ngầm 110 kV xuyên biển Hà Tiên - Phú Quốc- Ảnh Ngọc Tuấn

Mặc dù mới cấp điện được vài tiếng mỗi ngày cho chính quyền và nhân dân 2 xã thuộc đảo Lớn trên huyện đảo Lý Sơn, nhưng Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang phải bù lỗ lớn do điện chạy dầu diezel có giá thành rất cao. Giá thành sản xuất điện năm 2012 là 8.481 đồng/kWh, năm 2013 là 10.140 đồng/kWh (chưa có thuế VAT). Theo đó, năm 2012 EVN đã phải bù lỗ 18,3 tỷ đồng và năm 2013 bù lỗ khoảng 20 tỷ đồng.

Đáp ứng nhu cầu điện cho Lý Sơn để phát triển kinh tế - xã hội, biển đảo, an ninh quốc phòng, dự án cấp điện cho Lý Sơn bằng cáp ngầm xuyên biển đang được triển khai và theo kế hoạch thì không bao lâu nữa Lý Sơn sẽ có điện lưới. Khi đó chính quyền và nhân dân trên huyện đảo sẽ được hưởng giá điện như trong đất liền theo Quyết định số 2165/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (ngày 11/11/2013) quy định về “khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân các năm 2013-2015” - nghĩa là được hưởng mức giá bán lẻ điện bình quân tối đa là 1.835 đồng/kWh - thay vì mức giá trung bình 2.700 đồng/kWh như hiện nay.

Trong thời gian qua, cùng với sự quyết tâm của Chính phủ, địa phương và EVN, đến nay huyện đảo Cát Hải (thành phố Hải Phòng), đảo Cô Tô (Quảng Ninh) và Phú Quốc (Kiên Giang) đã có nguồn điện lưới quốc gia. Sự hiện diện của điện lưới đã góp phần thay da đổi thịt cho các huyện đảo này.

Tuy nhiên, thực tế không phải huyện đảo nào cũng có thể được nối lưới điện quốc gia đến tận nơi bằng lưới truyền tải trên không như huyện đảo Cát Hải (Hải Phòng) hay bằng đường cáp ngầm như Cô Tô, Phú Quốc, Lý Sơn. Theo ông Nguyễn Hồng Thái, TGĐ Công ty Xây dựng điện Thái Dương - đại diện Liên danh nhà thầu Prysmian-Thái Dương - đơn vị thực hiện hai dự án đưa điện lưới bằng cáp ngầm ra huyện đảo Cô Tô (Quảng Ninh) và Phú Quốc (Kiên Giang), có rất nhiều nguyên nhân khiến các dự án đưa điện ra đảo bằng cáp ngầm chậm hoặc khó triển khai - cho dù đã được tính đến từ lâu. Trong đó có bài toán giá thành, ông Thái cho rằng, tất cả các dự án đưa cáp ngầm ra biển mà nếu tính giá điện khoảng 2.800 đồng/kWh theo Bộ Công Thương thì vẫn lỗ. Hiện nay, công suất tiêu thụ các đảo là không nhiều mà giá thành xây dựng thì rất lớn... nếu như huyện đảo Cô Tô mà có khoảng 30 nghìn dân thì có thể chỉ cần 15 năm sẽ thu hồi được vốn (trong khi hiện tại Cô Tô chỉ có khoảng 6 nghìn dân). Lý Sơn, nếu theo đúng giá thì phải 20 năm mới thu hồi được vốn.

Cùng với việc đưa điện lưới quốc gia bằng cáp ngầm ra huyện đảo Cô Tô, Phú Quốc và tiếp nhận quản lý máy phát điện chạy dầu để bán điện cho huyện Côn Đảo thì từ năm 2014, EVN sẽ bán điện trực tiếp tới 10/12 huyện đảo trên cả nước. Khi các huyện đảo có điện lưới quốc gia, người dân và doanh nghiệp trên đảo sẽ được hưởng giá điện như giá bán trong đất liền. Còn đối với các huyện đảo chưa thể hoặc không thể hòa lưới điện quốc gia, phải chạy dầu diezel thì EVN sẽ bán điện theo giá Chính phủ cho phép (bằng 1,5 lần giá đất liền) hoặc do tỉnh duyệt giá trên cơ sở trợ giá cho người tiêu dùng và bù lỗ một phần chênh lệch do bán thấp hơn giá thành sản xuất điện từ nguồn dầu diezel.

Vấn đề đặt ra là, trong khi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang phải bù lỗ giá điện cho các huyện đảo, nhưng các hộ dùng điện ở đây sẽ vẫn phải sử dụng một nguồn điện hạn chế với giá điện cao hơn nhiều so với giá điện trên đất liền và các huyện đảo được nối điện lưới quốc gia. Một nguồn điện đầy đủ, với chính sách giá điện đồng nhất, công bằng đối với mọi đối tượng dùng điện trên cả nước, cho dù là đất liền, biên giới hay hải đảo đang là vấn đề cần đặt ra nhằm phát triển kinh tế biển đảo, an ninh quốc phòng.

Giải pháp cho những đảo xa

Theo tính toán, để cấp điện cho các huyện đảo trên cả nước, EVN sẽ phải bù lỗ hơn 300 tỷ đồng/năm. Thay vì việc sẽ phải tiếp tục bù lỗ khoản tiền này mỗi năm, EVN kiến nghị được tính vào giá thành điện chung, để đảm bảo chính sách giá điện, thống nhất trên cả nước, không phân biệt đất liền hay biển đảo. Theo tính toán, cả nước chỉ cần thêm 1,5 - 2 đồng/kWh sẽ đảm bảo được điện cho nhân dân ngoài đảo được hưởng giá như ở trong đất liền.

Trong tương lai, giá điện tại các huyện đảo sẽ như đất liền - Ảnh Vũ Lam

Hầu hết các chuyên gia đều đồng quan điểm rằng giá điện trên các huyện đảo cần được hưởng chung một chính sách giá như đối với đất liền, thế nhưng, số tiền 300 tỷ đồng mà ngành Điện phải bù lỗ để cung cấp điện cho các huyện đảo thông qua chạy dầu diezel cũng mới chỉ đảm bảo cung cấp một lượng điện rất hạn chế với một số khung giờ nhất định, chưa đủ cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trên các huyện đảo. Và như vậy, người dân trên đảo vẫn sẽ phải tự chạy dầu phát điện với giá thành cao để bù vào những giờ không được cung cấp điện. Vì vậy, theo TS Chu Hồi - nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam thì giải pháp căn cơ nhất vẫn là đảm bảo đủ nguồn điện cấp tại chỗ đối với các đảo không thể nối lưới từ đất liền ra. Với tiềm năng về gió, mặt trời và sóng biển của Việt Nam thì hoàn toàn có thể xây dựng các nhà máy điện sạch với quy mô vừa đủ cung cấp cho các đảo.

Ông Huỳnh Kim Tước - Giám đốc Trung tâm Tiết kiệm Năng lượng TP HCM cũng cho rằng, thay vì phải tiếp tục bù lỗ hàng trăm tỷ đồng mỗi năm từ nguồn ngân sách nhà nước, thay vì phải cộng thêm vào giá thành điện chung của cả nước… Khi các huyện đảo xa đất liền không thể kéo cáp đưa điện nối lưới từ đất liền ra đảo, Chính phủ cần tính đến việc hỗ trợ nguồn tiền này cho phát triển năng lượng mới và tái tạo đồng thời với việc tách bạch giữa nhiệm vụ chính trị và kinh doanh của EVN.

Theo ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, để đảm bảo đủ điện và thống nhất giá điện trên các đảo bằng giá điện trên đất liền, đối với những nơi không kéo được điện lưới nên kết hợp giữa các nguồn điện năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời...) với các nguồn chạy dầu diezel. Nhà nước nên có cơ chế khuyến khích nội địa hóa trong đầu tư công nghệ điện gió, vừa góp phần đẩy mạnh các ngành công nghiệp cơ khí trong nước, vừa góp phần giảm suất đầu tư vào điện gió hiện vẫn còn cao.

Như vậy có thể thấy, để kinh tế biển có thể đóng góp từ 53-55% GDP của cả nước theo Chiến lược phát triển kinh tế biển Việt Nam, đồng thời với nâng cao chất lượng sống của người dân trên đảo và thực hiện tốt nhiệm vụ an ninh quốc phòng, thì rõ ràng giải pháp căn cơ nhất chính là giải quyết "bài toán" điện năng. Theo đó, những khuyến nghị giải pháp đảm bảo nguồn điện, giá điện từ các doanh nghiệp, nhà quản lý và chuyên gia rất cần được nghiên cứu một cách cụ thể và khoa học.

PGS.TS Bùi Tất Thắng - Viện trưởng Viện chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Xác định tầm quan trọng đặc biệt của điện đối với quốc phòng an ninh và phát triển kinh tế - xã hội biển đảo, tại Quyết định phê duyệt Quy hoạch phát triển kinh tế đảo VN đến năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo phải “xây dựng nhanh kết cấu hạ tầng để thu hút đầu tư, ưu tiên xây dựng mạng lưới cấp điện đồng bộ cho các khu vực trung tâm đảo và các khu du lịch, dịch vụ bảo đảm cấp điện ổn định, chất lượng cao; phấn đấu đến năm 2020 - 100% dân cư các huyện đảo, xã đảo được sử dụng điện…”. Theo đó, bên cạnh việc đẩy nhanh kế hoạch đưa cáp ngầm ra một số huyện đảo, thì các nguồn năng lượng mới và tái tạo cũng thuộc diện ưu tiên.

 

 


  • 07/04/2014 03:56
  • Theo TCĐL chuyên đề Quản lý & Hội nhập
  • 3472


Gửi nhận xét