Phát triển năng lượng quốc gia thời kỳ đẩy mạnh CNH - HĐH: Cần góc nhìn đa chiều

Ông Ngô Đông Hải - Ủy viên Dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho rằng, chiến lược phát triển năng lượng quốc gia thời kỳ đẩy mạnh CNH - HĐH cần phải được nhìn nhận, đánh giá từ nhiều góc độ, để đầu tư đúng trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với xu hướng phát triển của đất nước.

Ông Ngô Đông Hải

PV: Ông đánh giá thế nào về chiến lược phát triển năng lượng quốc gia trong tiến trình hội nhập, đẩy mạnh CNH - HĐH đất nước?

Ông Ngô Đông Hải: Hơn 30 năm qua, cùng với quá trình đổi mới đất nước, vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, ngành Năng lượng Việt Nam đã có bước phát triển nhanh với mức tăng trưởng bình quân hơn 14%/năm (giai đoạn 2011 - 2016), cơ bản đáp ứng nhu cầu sử dụng năng lượng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng. Ngành Năng lượng Việt Nam cũng đã có những đóng góp to lớn, đặc biệt là nộp ngân sách quốc gia (chiếm trên 30% tổng thu ngân sách hàng năm), an ninh năng lượng ngày càng được củng cố và tăng cường.

Khi Việt Nam đang bước vào thời kỳ CNH – HĐH đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế, việc phát triển kinh tế - xã hội cũng đặt ra những yêu cầu mới. Để đáp ứng nhu cầu năng lượng và đảm bảo an ninh năng lượng cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, chiến lược phát triển năng lượng quốc gia cần phải được chú trọng đầu tư nhiều, đúng trọng tâm, phù hợp với xu hướng phát triển.

PV: Với số vốn đầu tư dự kiến lên đến 148 tỷ USD cho phát triển năng lượng quốc gia từ nay đến năm 2030, ông cho biết cần phương thức huy động như thế nào?

Ông Ngô Đông Hải: Đây là thách thức rất lớn trong phát triển nguồn cung năng lượng và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Kinh nghiệm của nhiều quốc gia cho thấy, việc đầu tư phát triển các dạng năng lượng không chỉ tập trung vào một nguồn tài chính, đặc biệt không chỉ có ngân sách nhà nước. 

Nếu Việt Nam vận dụng được cơ chế chính sách một cách linh hoạt, đúng đắn, tạo được thị trường phát triển năng lượng đồng bộ, lúc đó chắc chắn sẽ thu hút được nhiều nguồn đầu tư trong nước và quốc tế, góp phần giải quyết một cách tốt nhất vấn đề năng lượng. Vì vậy, để giải quyết được vốn đầu tư, trước hết cần phải xây dựng được cơ chế phát triển thị trường năng lượng. Khi Việt Nam đã hình thành được một chiến lược phát triển năng lượng rõ ràng, minh bạch và phù hợp, sẽ có đủ điều kiện phát triển.

PV: Trong khi các nước đã hạn chế sử dụng nguồn năng lượng hóa thạch, Việt Nam vẫn coi trọng nguồn nhiệt điện than. Ý kiến của ông về vấn đề này?

Ông Ngô Đông Hải: Chiến lược phát triển năng lượng nói chung, đặc biệt là phát triển nguồn năng lượng điện nói riêng hết sức phức tạp. Chúng ta không nên nhìn nhận vấn đề một cách phiến diện, một chiều. Việc xây dựng chiến lược phát triển năng lượng tái tạo kết hợp với việc duy trì các nguồn năng lượng cơ bản như nhiệt điện, thủy điện là “bài toán” tổng hợp, đã được Chính phủ phê duyệt, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong từng thời kỳ, phù hợp với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực. 

Có thể khẳng định, để xây dựng được một chiến lược an ninh năng lượng toàn diện, chúng ta phải tiếp cận từ hai phía. Cụ thể là, phát huy tối đa nguồn cung thông qua việc huy động và tạo điều kiện cho các nhà đầu tư vào lĩnh vực năng lượng. Đồng thời, phải có chiến lược tác động từ phía cầu, tức là hành vi và công nghệ trong sử dụng và tiêu thụ điện. 

Tất nhiên, đảm bảo môi trường trong quá trình phát triển các dự án nhiệt điện than đang là vấn đề nhức nhối, làm đau đầu các nhà quản lý. Vì vậy, Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đã nêu rất rõ mục tiêu phát triển hiệu quả và bền vững ngành Năng lượng đi đôi với bảo vệ môi trường. Kinh nghiệm thế giới cho thấy, nếu chúng ta quan tâm đúng mức đến công nghệ và có định hướng ngay từ khi xây dựng dự án, thì việc đảm bảo môi trường về cơ bản là đáp ứng được và thỏa mãn được việc thích ứng với biến đổi khí hậu, đời sống nhân dân trong thời gian tới. 

Nhưng, nếu phát triển quá nhiều nhiệt điện than thì Việt Nam sẽ bị lệ thuộc về nguồn cung nhiên liệu. Vì vậy, việc phát triển nhiệt điện than nhiều hay ít còn tùy thuộc vào định hướng phát triển an ninh năng lượng quốc gia trong thời gian tới.

PV: Có ý kiến cho rằng, hiện nay giá điện nói riêng và giá năng lượng nói chung chưa theo kịp giá thị trường, thưa ông?

Ông Ngô Đông Hải: Việt Nam đang phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN. Theo đó, thị trường năng lượng cũng phải tham gia vào thị trường kinh tế và khi đó giá cả cũng do thị trường quyết định. Tuy nhiên, giá năng lượng là vấn đề đòi hỏi phải suy nghĩ, cân nhắc từ nhiều khía cạnh khác nhau. Hiện nay, Chính phủ đã có chiến lược điều chỉnh một cách phù hợp, vừa quan tâm đến nhu cầu tiêu dùng của các đối tượng xã hội, từ sản xuất đến sinh hoạt của các tầng lớp nhân dân và hộ nghèo. 

Mặt khác, cũng cần phải tính toán đến việc điều chỉnh giá bán điện sao cho khuyến khích đầu tư phát triển các nguồn năng lượng khác, đặc biệt là năng lượng tái tạo. Sẽ đến lúc, chúng ta cần phân định rõ ràng, đâu là giá phục vụ công ích, đâu là giá phục vụ kinh doanh theo cơ chế thị trường. Với chiến lược rõ ràng như vậy, giá điện nói riêng và giá năng lượng nói chung sẽ theo kịp với thị trường và theo kịp với mặt bằng chung của quốc tế. 

PV: Ông có khuyến nghị gì giúp ngành Năng lượng Việt Nam phát triển bền vững?

Ông Ngô Đông Hải: Đáp ứng nhu cầu năng lượng trong xu hướng phát triển nhanh của nền kinh tế là rất khó khăn, nhất là khi Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận phải tạm dừng và tiềm năng thủy điện Việt Nam đã gần như cạn kiệt. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn có rất nhiều cơ hội, đó là dư địa tiết kiệm năng lượng trong tiêu dùng và sản xuất vẫn còn rất nhiều. Nếu Việt Nam có một chiến lược và chính sách khuyến khích tiết kiệm thì vẫn đảm bảo được an ninh năng lượng quốc gia. 

Việt Nam cũng có nhiều tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo, nhất là năng lượng mặt trời, năng lượng gió. Tuy nhiên, trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, Việt Nam cần phải tính toán đến việc kết nối an ninh năng lượng trong khu vực, một mặt vẫn đảm bảo an ninh năng lượng của đất nước, mặt khác góp phần tạo dựng thị trường năng lượng khu vực một cách bền vững.

PV: Xin cảm ơn ông! 


  • 23/06/2017 09:16
  • Theo TCĐL Chuyên đề Quản lý và Hội nhập
  • 8697