Sáng kiến cột ERS: Xóa bỏ hạn chế của cột bê tông ly tâm

Sáng kiến “Chế tạo và sử dụng cột thép di động phục vụ công tác quản lý vận hành lưới điện 110 kV” (sáng kiến cột ERS) của Công ty Lưới điện Cao thế miền Bắc (NGC) đã xóa bỏ các hạn chế của cột bê tông ly tâm mà vẫn bảo đảm cung cấp điện ổn định cho các phụ tải khi tiến hành thi công sửa chữa lưới điện.

Hàng năm, trên lưới điện 110 kV do Công ty Lưới điện Cao thế miền Bắc quản lý có nhiều hạng mục thi công cần phải cắt điện dài ngày như: Thay thế cột cũ, lắp dựng cột mới; Xử lý khoảng cách pha đất; Nâng cao khả năng truyền tải của đường dây bằng cách nâng tiết diện của dây dẫn hoặc lắp phân pha dây dẫn; Di chuyển cột do nguy cơ sạt lở móng cột; Di chuyển tuyến để phục vụ công tác giải phóng mặt bằng các dự án giao thông, xây dựng… Những công việc trên gây ảnh hưởng lớn đến việc cấp điện cho các phụ tải.

Trước đây, đối với các phụ tải có nhu cầu cấp điện liên tục, trong khi tiến hành sửa chữa đường dây 110 kV cần phải tiến hành cắt điện dài ngày thì NGC đã sử dụng các cột bê tông ly tâm làm tuyến cấp điện tạm cho phụ tải liên tục trong thời gian thi công tuyến đường dây chính.

Tuy nhiên, phương án này có một số nhược điểm: Phải có thời gian trong việc đào, đúc móng cho cột bê tông ly tâm; Khó khăn trong công tác thu hồi sau khi đã thi công xong; Nhiều vị trí có địa hình khó khăn không thể vận chuyển cột bê tông ly tâm vào tuyến do cột có chiều dài cố định, rất cồng kềnh khi vận chuyển.

Chính vì vậy, yêu cầu bức thiết đặt ra là cần phải tìm ra giải pháp tối ưu hơn trong công tác lắp dựng tuyến tạm phục vụ việc cung cấp điện liên tục cho các phụ tải trong thời gian thi công sửa chữa tuyến đường dây chính. Trước tình hình này, NGC đã nghiên cứu và chế tạo thành công các cột thép có tính di động cao (Emergency Restoration System - ERS), dễ dàng vận chuyển, tháo lắp, sử dụng để làm tuyến đường dây 110 kV tạm cấp điện cho các phụ tải trong thời gian thi công sửa chữa tuyến đường dây chính.

Kết cấu chính của cột thép di động gồm: Chân đế, móng néo, dây néo, phần thân cột (chế tạo thành từng modul 3m liên kết với nhau bằng các bản mã). Chiều cao cột từ 21 - 34m, vật liệu chế tạo cột sử dụng thép hình mạ kẽm nhúng nóng liên kết bằng bu-lông. Việc chế tạo và sử dụng cột ERS đáp ứng được các yêu cầu mà khi giải pháp sử dụng cột bê tông ly tâm không thể đáp ứng được như: Công tác triển khai xây dựng tuyến tạm rất nhanh chóng, tiết kiệm được thời gian trong việc xử lý sự cố; việc tháo dỡ, vận chuyển, bảo quản rất dễ dàng do sau khi tháo dỡ chỉ còn là các thanh thép riêng biệt, vì vậy chiếm rất ít diện tích bảo quản; phần móng cột được kê trên các thanh gỗ cố định bằng cọc hãm rất chắc chắn mà không cần đổ bê tông gây lãng phí vật liệu và chiếm dụng đất đai. Do chế tạo theo các modul 3m nên cột ERS có thể thay đổi được độ cao của cột cho phù hợp với từng địa hình thực tế.

Loại cột thép này đã được áp dụng thành công vào nhiều công trình nâng cấp cải tạo đường dây và trạm 110 kV. Chẳng hạn, trong Dự án Nâng cao khả năng truyền tải đường dây 110 kV Phố Nối - Sài Đồng, đường dây 110 kV Nghi Sơn - Quỳ Hợp, đường dây 110 kV Lào Cai - Phong Thổ, đường dây 110 kV Hà Tĩnh - Kỳ Anh, đường dây 110 kV nhánh rẽ Gò Đầm…

Việc chế tạo và sử dụng cột thép di động ERS là sáng kiến hiệu quả, có tính thực tế rất cao, đã được Tập đoàn Điện lực Việt Nam công nhận là sáng kiến cấp Tập đoàn và được Tổng công ty Điện lực miền Bắc cho phép áp dụng trên lưới điện do Tổng công ty Điện lực miền Bắc quản lý.


  • 20/02/2017 02:59
  • Nguồn: baocongthuong
  • 14090