Sôi động hàng điện tử… rởm

Giá rẻ, kiểu dáng đa dạng, màu sắc phong phú, nhưng lại là hàng rởm. Không ít cảnh dở khóc, dở cười vì người tiêu dùng ham rẻ mà chọn phải… đồ rởm.

Dở khóc, dở cười

Cuối năm 2010, nhân chuyến công tác tại Lạng Sơn, chị Nguyễn Thu Hà – phóng viên Tạp chí Cha mẹ trẻ tranh thủ đến chợ Tân Thanh mua một số đồ gia dụng, trong đó có máy sấy tóc với giá… 50.000 đồng. Chị chia sẻ: “Giá rẻ quá cũng hơi lo, nhưng nhìn máy đẹp, lại nhỏ gọn nên tôi vẫn quyết định mua. Kết quả vừa cắm điện, máy đã bị chập cháy, méo nhựa”.

Anh Nguyễn Hoàng Điệp - Trung tâm VAS, Công ty Viễn thông Quân đội Viettel lần đầu tiên đi chợ Đồng Đăng (Lạng Sơn) cũng chọn mua một chiếc điện thoại iphone "Tàu" với giá 5 triệu đồng. Anh cho hay: “Khi kiểm tra sản phẩm, các tính năng đều chạy ổn định. Tuy nhiên, về nhà dùng chưa được 3 ngày thì máy mất sóng, lướt web chậm, cảm ứng kém”. Anh Điệp đã liên lạc với chủ cửa hàng, nhưng nếu muốn bảo hành, anh phải gửi máy theo xe lên Lạng Sơn và chịu mọi chi phí vận chuyển. “Tốn các khoản chi phí mà cũng không chắc chắn sau khi bảo hành có được máy tốt, thôi đành chấp nhận tiền mất tật mang”, anh lắc đầu.

Không chỉ riêng Lạng Sơn, các mặt hàng điện tử với giá rẻ giật mình cũng được bày bán la liệt tại Chợ Trời (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Một nhân viên bán hàng tiết lộ: “Hàng điện tử ở đây 80-100% là hàng Trung Quốc, giá thành cực kỳ rẻ, hình thức bắt mắt, nhưng đều là hàng rởm, kém chất lượng”. Hoàng Tuấn – sinh viên K50 ĐH Bách Khoa Hà Nội mua 2 cái USB loại 8G với giá 130.000 đồng. “Hí hửng vì mua được đồ rẻ lại có dung lượng lớn, nhưng khi về nhà thì ôi thôi, mỗi cái USB chỉ chứa được mấy MB thôi”, Tuấn buồn rầu.

Thực hư hàng rởm

Lý giải về hàng điện tử rởm trên thị trường hiện nay, anh Nguyễn Kỳ Khôi – Công ty máy tính FPT cho biết: "Hàng nhái, hàng kém chất lượng thường có giá cả thấp hơn nhưng mẫu mã, kiểu dáng đa dạng, phong phú hơn. Đơn cử như với điện thoại iphone chính hãng thường có giá từ 13 – 15 triệu đồng. Tuy nhiên, với điện thoại iphone rởm mức giá dao động từ 3 – 7 triệu đồng. Nếu không tinh ý, chỉ nhìn vào giá rẻ, mẫu mã đẹp, người tiêu dùng sẽ sẵn sàng “móc” hầu bao cho những sản phẩm đó”.

Hiện nay, hàng điện tử (điện thoại, USB, máy nghe nhạc…) và đồ gia dụng (nồi cơm điện, bàn là, bếp điện, máy sấy tóc….) là những sản phẩm được làm rởm nhiều nhất. Chia sẻ kinh nghiệm mua hàng thật – rởm, anh Nguyễn Bá Diễn chủ cửa hàng gia dụng trên phố Trương Định, cho hay: “Tốt nhất người tiêu dùng nên chọn mua những sản phẩm chính hãng, có tên tuổi. Mặc dù về giá cả có thể đắt hơn, nhưng yên tâm về chất lượng sản phẩm”.

Anh Nguyễn Minh Quang, quản lý quầy hàng máy tính, điện tử - Công ty Máy tính Trần Anh: “Hàng Trung Quốc thường được chia thành loại 1 và loại 2. Loại 1 là hàng chất lượng tốt, còn loại 2 thì giá mềm hơn và chất lượng kém hơn. Đó là những sản phẩm, thiết bị bị lỗi trong quá trình gia công sản xuất. Thay vì tiêu hủy, các sản phẩm, thiết bị này sẽ được tuồn ra ngoài và bán tràn lan. Do đó, người tiêu dùng sẽ rất khó trong việc phân biệt hàng thật, hàng rởm”.

Một số cách nhận diện hàng điện tử rởm:

- Giá bán rẻ hơn hẳn so với hàng thật.

- Tên sản phẩm và kiểu chữ gần giống tên hiệu của hàng thật: Nckia, Nokig (Nokia), ciphone (iphone).

- Màu sắc lòe loẹt, chữ trên sản phẩm nhòe, mờ.

- Tem rởm thường mờ, không sắc nét, không rõ chữ.

- Kích thước thường nhỏ hơn; chất liệu thô ráp… hơn hàng thật.

Một số mặt hàng điện tử rởm được bày bán nhiều nhất:

- Điện thoại

- USB

- Máy nghe nhạc (MP3, MP4…)

- Đầu kỹ thuật số

- Máy sấy tóc, nồi cơm điện, bàn là, bếp điện…

 


  • 21/09/2011 02:42
  • Theo Tạp chí Điện Lực chuyên đề Thế giới điện
  • 31819


Gửi nhận xét