Lợi dụng vào lúc đêm khuya, kẻ gian thường dùng sào để ngắt điện tại các trạm biến áp, đánh cắp các thiết bị như: Dây cáp, thanh giằng trụ, dây néo,…thậm chí kẻ trộm còn bê nguyên cả TBA. Ví dụ, TBA của khu tái định cư phố Phùng Hưng, thị trấn Phùng, huyện Đan Phượng (Hà Nội) có công suất 100 kVA-35(22)/0,4 kV, cung cấp điện cho khoảng 30 hộ dân, trị giá khoảng 80 triệu đồng đã bị kẻ gian lấy mất rạng sáng ngày 11/12/2011.
Tại Thanh Hóa, kẻ gian đã cắt phá, tháo gỡ, trộm cắp các thiết bị điện của nhiều TBA ở một số xã thuộc huyện Nông Cống như: Trạm Trung Ý 1, Minh Khôi 1, Vạn Thiện 4, Minh Nghĩa 3, Tế Tân 1 và 2, Tượng Văn 2 và 3 làm gián đoạn việc cấp điện cho nhân dân trong vùng và gây thiệt hại không nhỏ về tài sản cho Điện lực Thanh Hóa.
Ông Vũ Văn Nghiêm, Phó giám đốc Kỹ thuật Công ty Điện lực Quảng Nam cho biết, từ đầu năm đến nay, hệ thống lưới điện trên địa bàn Quảng Nam đã xảy ra nhiều vụ mất cắp thiết bị điện, tổng giá trị thiệt hại ước tính lên tới 300 triệu đồng, trong đó, nhiều trường hợp tái diễn nhiều lần trên cùng địa bàn, điển hình như các huyện: Thăng Bình, Duy Xuyên, Phú Ninh...
Trước tình trạng cấp bách trên, rất cần sự ra tay quyết liệt của các cơ quan công an và chính quyền địa phương, phối hợp đồng bộ của các đơn vị điện lực với các tổ chức xã hội và đặc biệt là sự hỗ trợ tích cực từ phía người dân.
Các đối tượng thực hiện lại hành vi phạm tội.
|
Anh Phạm Ngọc Khang – người dân quận Hai Bà Trưng – Hà Nội: “Cần nâng cao nhận thức cho người dùng điện”
Các công ty điện lực nên tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các hộ dân dùng điện hiểu rõ những hậu quả khi phá hoại các trang thiết bị điện, thiết bị đo đếm điện, đồng thời khuyến khích người dân tham gia phát hiện, tố giác kịp thời những hành vi vi phạm lưới điện.
Các công ty Điện lực cần có mối liên hệ chặt chẽ với các ban bảo vệ khu phố, các hội, tổ chức đoàn thể khu phố, nhằm kịp thời thông báo những phương thức thủ đoạn mới của bọn tội phạm đến các hộ dân, cùng tích cực tham gia giữ gìn an ninh trật tự và tài sản các công trình công nơi họ cư trú.
Ông Nguyễn Quang Việt, Giám đốc Công ty Điện lực Đan Phượng: “Thành lập đội xung kích”
Sau sự việc mất MBA tại khu tái định cư thuộc phố Phùng Hưng, thị trấn Phùng, Công ty đã rà soát lại hàng loạt những MBA tại những điểm có khả năng bị mất trộm cao (Giao thông thuận lợi, kẻ gian có thể đưa xe vào tận nơi để vận chuyển), sau đó khoanh vùng và triển khai các biện pháp tạm thời như hàn kín tủ đựng để bảo vệ các MBA. Đồng thời, phối hợp với cơ quan công an, chính quyền địa phương, thành lập đội xung kích, đến gặp gỡ thuyết phục các hộ dân định cư gần các TBA cùng phối hợp với ngành Điện tham gia bảo vệ lưới điện, hướng dẫn người dân chủ động gọi điện thoại theo đường dây nóng 04 224 51207 khi xảy ra sự cố mất điện.
Bà Nguyễn Thị Phong Lan, Luật sư – Văn phòng luật sư INTELICO Hà Nội: “Luật quy định rõ các hình thức xử lý”
Việc trộm cắp các thiết bị điện được xem xét theo hai khía cạnh, nếu kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, hoặc cơ quan thẩm định hồ sơ là công trình có đủ tiêu chí của công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia và đủ các yếu tố khác cấu thành tội phạm, thì truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm quy định tại Điều 231 của Bộ luật hình sự. Ngược lại, kết luận công trình không đủ các tiêu chí trên, thì đủ các yếu tố khác cấu thành tội phạm quy định tại Điều 138 của Bộ luật hình sự là tội trộm cắp tài sản.
Người nào trộm cắp tài sản của người khác có giá trị từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng, hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng, hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt, hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
Ông Vũ Văn Nghiêm - Phó giám đốc Kỹ thuật Công ty Điện lực Quảng Nam: “Thưởng nóng để khuyến khích người dân”
Công ty đã đưa ra nhiều hình thức có tính khuyến khích người dân tham gia bảo vệ lưới điện như: Khen thưởng 10 triệu đồng/trường hợp cho những người phát hiện, truy bắt được đối tượng trộm cắp; thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng đường dây nóng (0510.2220307), kêu gọi cơ quan, đơn vị và người dân cảnh giác với kẻ gian. Về mặt kỹ thuật:Quản lý, xúc tiến việc lắp chuông báo động tại các TBA. Giải pháp này hiện đang được áp dụng khá khả thi, bởi khi có trộm hành sự trên lưới điện, chuông sẽ tự động kêu vang để mọi người cảnh giác.