Phóng viên: Cảm xúc của anh như thế nào khi biết tin Đăng Dũng đạt được Huy chương Đồng cuộc thi Olympic Toán Quốc tế, sau đó được xướng danh trong Lễ biểu dương, khen thưởng học sinh tiêu biểu là con CNVCLĐ thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam đoạt giải cấp quốc gia, quốc tế được tổ chức vừa qua tại Hà Nội?
Anh Nguyễn Việt Cường: Tôi đã rất vui mừng, hạnh phúc và tự hào. Tuy vậy, suốt thời gian này tôi vẫn đang công tác trên công trường xây dựng đường dây 500kV Quảng Trạch - Quỳnh Lưu nên không thể kịp về để tham dự vào buổi Lễ tuyên dương cùng con được. Tôi chỉ gọi điện về để chúc mừng con thôi.
Phóng viên: Để con có được thành tích cao trong học tập, thông thường các bậc phụ huynh thường dành nhiều thời gian đồng hành, định hướng giúp con thực hiện các mục tiêu học tập, với gia đình anh thì sao?
Anh Nguyễn Việt Cường: Với đặc thù công việc của tôi thì thực tế là tôi không có nhiều thời gian đồng hành cùng con. Không chỉ giai đoạn này tôi bận đi thi công đường dây 500kV Quảng Trạch - Quỳnh Lưu mà trước đó với công việc ở Ban Kỹ thuật Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia thì tôi vẫn thường xuyên đi công tác xa nhà. Vì vậy trong gia đình, mẹ giao tiếp với con nhiều hơn bố. Tôi hay nói đùa trong nhà là khoa học đã chứng minh 99% khả năng của con trai được thừa hưởng từ mẹ. Bố chỉ cho con trai 1% hệ gen thôi nhưng là hạt nhân của 99% còn lại. Mẹ đóng vai trò định hướng học môn gì, học trường nào, lớp ôn tập ra sao và mục tiêu lớn trong năm học như thế nào… còn lại Đăng Dũng sẽ tự có quyền quyết định các bước đi để hoàn thành được mục tiêu lớn ban đầu. Mặc dù vậy, gia đình tôi thường không quá quan tâm tới cách con làm việc, học tập và vui chơi ra sao, để cháu có sự tự giác nhất định. Nếu mình quá ép buộc, quá coi trọng việc học hành, thi cử… điều đó vô hình chung sẽ tạo ra một tâm lý áp lực, khi đó kết quả và tinh thần sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều.
Anh Nguyễn Việt Cường đồng hành cùng con trong cuộc thi Olympic Toán Quốc tế được tổ chức tại Anh
|
Phóng viên: Anh có thể chia sẻ cụ thể hơn về một số phương pháp để con tự giác và có động lực hơn trong học tập?
Anh Nguyễn Việt Cường: Cũng giống khá nhiều gia đình, khi các con đạt được thành tích tốt thường được cha mẹ trao thưởng. Gia đình tôi cũng treo thưởng như cho con chơi Lego đa hình để rèn luyện tư duy sáng tạo; tặng sách cho con; treo thưởng “miễn rửa bát” từ 7-10 ngày khi con đạt được điểm cao…Ngoài ra, gia đình tôi cũng quy định thời gian con có thể chơi điện thoại hoặc Ipad trong ngày (từ 15-30 phút/ ngày) và tối đa không quá 2 lần...
Phóng viên: Thưa anh, nhìn vào bảng thành tích học tập của cháu Nguyễn Đăng Dũng, nhiều người sẽ cho rằng cháu có tư chất thông minh từ nhỏ, nên việc nuôi dạy cháu sẽ rất thuận lợi?
Anh Nguyễn Việt Cường: Chắc chắn là không rồi. Hồi 2 tuổi, Đăng Dũng được bác sĩ chẩn đoán bị bệnh tăng động, chậm nói, chậm phát triển trí não. Lúc đó gia đình rất lo lắng và bắt đầu xem xét lại quá trình dạy và đồng hành cùng con. Đây cũng là khoảng thời gian khó khăn nhất. Tôi đã tự nhủ rằng trời đang thử tính kiên nhẫn của bố mẹ để dạy con từng câu nói, từng hình vẽ, từng màu gỗ để con nhận biết và nói ra được. Từ từ trải qua từng ngày từng giờ từng phút giao tiếp với con, qua rất nhiều lớp tư vấn, phương pháp trị liệu tâm lý thì đến năm 3 tuổi, Đăng Dũng lại bất ngờ tự biết mặt đọc chữ vanh vách, thuộc lòng 80% các câu chuyện cổ tích trong sách mẹ hay đọc trước khi đi ngủ. Cũng chính thời gian đó, gia đình đã phát hiện ra khả năng học toán của Đăng Dũng. Cứ như vậy, niềm yêu thích Toán học của Đăng Dũng cũng lớn dần theo năm tháng.
Phóng viên: Ngoài năng khiếu với môn Toán, Đăng Dũng còn có bí quyết gì khác khi học Toán không, thưa anh?
Anh Nguyễn Việt Cường: Ngay từ nhỏ, Đăng Dũng đã được tiếp xúc nhiều với tiếng Anh nên khả năng nghe nói đọc viết của con khá tốt (con đạt IELTS 7.5 từ năm lớp 8). Điều này giúp con có thể tiếp cận dễ dàng với nhiều tài liệu học Toán bằng tiếng Anh ở trên mạng và của thầy cô. Nhờ theo học khối chuyên Toán của các trường chuyên THCS và THPT nên con có điều kiện tốt để phát triển thêm năng khiếu về môn học này. Hiện con đang theo học các thầy giáo giỏi trong trường đại học như thầy Lê Bá Khánh Trình, GS Ngô Bảo Châu,… điều này cũng giúp con định hướng tốt hơn cho việc nghiên cứu chuyên sâu Toán học.
Nguyễn Đăng Dũng chụp cùng đoàn đại diện Việt Nam trong kỳ thi Olympic Toán Quốc tế tháng 07/2024
|
Phóng viên: Với những kết quả Đăng Dũng đã đạt được, gia đình anh có định hướng mục tiêu tương lai như chọn ngành học, chọn nghề cho cháu?
Anh Nguyễn Việt Cường: Gia đình tôi đã có 2 đời làm kỹ sư ngành điện. Tôi cũng có hơn 25 năm công tác tại EVN và các đơn vị trực thuộc EVN. Vì vậy mong ước cá nhân của tôi là con nối tiếp truyền thống của cha ông, tiếp tục công tác tại ngành Điện. Tuy nhiên mọi người trong gia đình tôi sẽ luôn tôn trọng quyền quyết định của con khi tự tìm kiếm trường đại học cũng như ngành học, nghề nghiệp sau này.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn anh!
Các giải thưởng Nguyễn Đăng Dũng đã đạt được:
Năm 2015: Huy chương bạc cuộc thi Olympic Toán học Singapore (SIMOC)
Năm 2016: Huy chương vàng cuộc thi Olympic Toán học quốc tế tại Singapore (SASMO)
Năm 2018: Giải nhất cuộc thi học sinh giỏi Toán cấp quận
Năm 2019: Huy chương bạch kim (Top 10) cuộc thi Toán học Châu Á-Thái Bình Dương - APMOPS 2019
Năm 2019: Huy chương vàng Olympic Toán học và khoa học quốc tế lần thứ 16 - IMSO 2019, Cúp vô địch khám phá môn Toán.
Năm 2021: Vô địch quốc gia môn Toán tiếng Anh VIOlympic 2020-2021
Năm 2022: Giải nhất cuộc thi học sinh giỏi Toán thành phố Hà Nội
Năm 2023: Giải nhì cuộc thi học sinh giỏi Toán toàn quốc VMO 2023
Năm 2024: Giải nhất cuộc thi học sinh giỏi Toán toàn quốc VMO 2024; Huy chương đồng Olympic Toán học quốc tế IMO, England-2024
|