Trung Quốc và “cơn khát” năng lượng

Trữ lượng có hạn của các nguồn nhiên liệu hóa thạch như than, dầu mỏ, khí đốt, cùng với việc sản xuất, cung ứng các nguồn năng lượng không đáp ứng nổi nhu cầu sử dụng quá lớn, đó là những nguyên nhân đẩy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vào sự “đói khát” năng lượng.

Năm 2040, Trung Quốc sẽ tiêu thụ năng lượng gấp đôi Mỹ

Với tốc độ tăng trưởng chóng mặt, trong 3 thập kỷ qua, Trung Quốc trở thành “công xưởng của thế giới” đã kéo theo nhu cầu tiêu thụ năng lượng của nước này tăng cao. Nếu như năm 2000, Trung Quốc chỉ tiêu thụ bằng một nửa năng lượng so với Mỹ, thì chỉ 9 năm sau đó, Trung Quốc đã trở thành quốc gia tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới. Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) dự đoán, nếu tốc độ tăng trưởng kinh tế duy trì ở mức 8%/năm thì tới năm 2040, Trung Quốc sẽ tiêu thụ năng lượng gấp đôi Mỹ.

Hiện nay, Trung Quốc là nước sản xuất và cũng là nước tiêu thụ than nhiều nhất thế giới, thậm chí bằng toàn bộ phần còn lại của thế giới cộng lại.

Trung Quốc vẫn là nguồn tiêu thụ năng lượng số một thế giới. Nguồn: Internet

Một nguồn năng lượng quan trọng nữa đối với Trung Quốc là dầu mỏ. Xét về tính kinh tế và hiệu suất sử dụng, dầu mỏ còn có giá trị vượt trội hơn so với than và đây là nhiên liệu vô cùng cần thiết cho sự phát triển công nghiệp của Trung Quốc. Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cho biết, năm 2013, Trung Quốc tiêu thụ khoảng 10,1 triệu thùng dầu một ngày trong khi chỉ tạo ra được khoảng 4,2 triệu thùng. Lượng dự trữ khí đốt đã được phát hiện của Trung Quốc chỉ đứng thứ 13 toàn cầu, trong khi nhu cầu sử dụng đứng hàng đầu thế giới.

Than và dầu khí cũng chính là 2 nhiên liệu cần thiết nhất đối với việc sản xuất điện năng ở Trung Quốc. Theo báo cáo của Cơ quan quản lý Năng lượng Trung Quốc (NEA), nhiệt điện (sản xuất từ than, dầu mỏ, khí đốt) chiếm hơn 70% lượng điện năng được sản xuất ở đất nước này. Năng lượng mặt trời, gió, điện hạt nhân, thủy điện dù được Chính phủ tạo điều kiện để phát triển, nhưng cũng chỉ đóng góp được khoảng gần 30% còn lại.

“Cơn khát” của Trung Quốc

Sự thiếu hụt nghiêm trọng về năng lượng là vấn đề mà đất nước đông dân nhất thế giới đang phải đối mặt. Nhu cầu sử dụng quá lớn trong khi trữ lượng các nhiên liệu hóa thạch lại có hạn khiến Trung Quốc phải căng mình đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng.

“Đói thì đầu gối phải bò”. Sẽ không khó hiểu khi Trung Quốc tiến hành nhiều chính sách về kinh tế, chính trị, quân sự để tăng lượng dự trữ khí đốt và dầu mỏ. Đặc biệt, khi nguồn năng lượng hóa thạch được dự báo sẽ cạn kiệt trong vòng chỉ mấy chục năm nữa, thì Trung Quốc càng đẩy mạnh việc chiếm dụng và dự trữ nhiên liệu. Hiện nay, mỗi ngày có tới 1,4 triệu thùng dầu đổ vào các cơ sở dự trữ đang được mở rộng một cách nhanh chóng của Trung Quốc.

Trong tháng 4/2014, Trung Quốc đã nhập khẩu 6,81 triệu thùng dầu mỗi ngày, mức cao nhất từ trước đến nay. Ngay sau đó, trong tháng 5, Trung Quốc đã đạt được thỏa hiệp trị giá 400 tỷ USD để Nga cung cấp khí đốt mỗi năm trong vòng 30 năm liên tục. Hàng loạt các giải pháp được thực thi, nhưng như vậy có lẽ vẫn chưa thỏa mãn cơn khát năng lượng của nước này.


  • 22/07/2014 08:37
  • Theo TCĐL Chuyên đề Thế giới Điện
  • 5168


Gửi nhận xét