Ông Phạm Hồng Sơn
|
PV: Hiện nay, công nghệ HA của GE đã được áp dụng ở những quốc gia nào, thưa ông?
Ông Phạm Hồng Sơn: Tính đến thời điểm hiện tại, đã có 92 tổ máy tuabin khí công nghệ HA của GE được khách hàng lựa chọn để lắp đặt ở nhiều nơi trên thế giới như Mỹ, Anh, Brazil, Pháp, Nga, Đức, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, Argentina… Riêng trong khu vực, nhiều quốc gia cũng đã lựa chọn công nghệ này như Thái Lan, Malaysia, Nhật Bản, Pakistan...
PV: Công nghệ này liệu có phù hợp với điều kiện của Việt Nam, thưa ông?
Ông Phạm Hồng Sơn: Là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á, Việt Nam đang trên lộ trình đẩy mạnh triển khai thị trường điện cạnh tranh. Theo đó, sẽ có sự cạnh tranh quyết liệt về giá điện giữa các nhà máy sản xuất điện của Việt Nam. Vì vậy, việc sử dụng công nghệ tuabin khí HA sẽ giúp các nhà máy nâng cao khả năng cung cấp điện, giảm chi phí sản xuất, hạn chế tác động tới môi trường, đáp ứng nhu cầu về năng lượng ngày càng tăng tại Việt Nam.
PV: Việc áp dụng công nghệ HA vào Việt Nam có những thuận lợi gì, thưa ông?
Ông Phạm Hồng Sơn: Hiện nay, việc khai thác các nguồn năng lượng tái tạo, gồm năng lượng mặt trời, năng lượng gió đang được tích cực triển khai ở Việt Nam. Tuy nhiên, sự thất thường của thời tiết luôn làm cho nguồn năng lượng này không ổn định, buộc các nhà sản xuất luôn phải tìm các giải pháp bù đắp công suất thiếu hụt.
Trong khi đó, các mỏ khí của Việt Nam khá đa dạng với số lượng mỏ có sản lượng khí lớn, hàm lượng khí trơ cao. Tuy nhiên, đặc tính của khí biến động, không ổn định. Từ nay đến năm 2030, trữ lượng các mỏ khí sẽ giảm nhanh. Giải pháp tốt nhất là nâng cao hiệu quả sản xuất điện và tăng cường sự linh hoạt trong vận hành, phù hợp với sự biến động sản lượng các mỏ khí. Hệ thống tuabin khí công nghệ HA đã được kiểm nghiệm qua thực tế, nên hoàn toàn đủ khả năng xử lý các vấn đề này.
PV: Được biết, giá thành sản xuất điện khí theo công nghệ HA còn khá cao, GE sẽ giải quyết vấn đề này như thế nào?
Ông Phạm Hồng Sơn: Khi nghiên cứu thị trường năng lượng Việt Nam, GE đã lường trước được khó khăn này cả về phương diện kỹ thuật và kinh tế. Vì vậy, GE lựa chọn giải pháp công nghệ HA nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất điện, giảm diện tích xây dựng nhà máy và rút ngắn thời gian thi công, từ đó giảm giá thành sản xuất điện.
Theo tính toán của GE, cùng 1 nhà máy điện chu trình hỗn hợp công suất 750 MW có vòng đời 25 năm tại Việt Nam, với giá khí 8-9 USD/MMBTU và số giờ vận hành khoảng 6.000 giờ/năm, việc tăng 1% hiệu suất sẽ giảm chi phí sản xuất điện được 40 - 45 triệu USD. Như vậy, khi hiệu suất tăng từ 57-58% (với các nhà máy sử dụng công nghệ F hiện nay) lên hơn 62% (khi sử dụng công nghệ HA) cùng với các chi phí khác, nhà máy điện khí sẽ tiết kiệm được khoảng 200 - 250 triệu USD chi phí sản xuất điện, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
PV: Ông cho biết rõ hơn lộ trình đưa công nghệ HA vào Việt Nam?
Ông Phạm Hồng Sơn: Trong 2-3 năm trở lại đây, nhiều hội thảo hội nghị đã được tổ chức với sự tham gia của các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực năng lượng tại Việt Nam, đơn vị tư vấn, đối tác, doanh nghiệp nước ngoài và GE, cùng nhau chia sẻ các vấn đề liên quan đến công nghệ HA và khả năng ứng dụng. Theo đó, chúng tôi đã cùng nhau xây dựng kế hoạch tổng thể từ ý tưởng, cơ sở dữ liệu ban đầu cho đến giải pháp kỹ thuật, thời gian triển khai, diện tích sử dụng... và vấn đề cuối cùng là hiệu quả kinh tế sản xuất điện, chi phí năm đầu và cho cả vòng đời là 25 năm, giá điện sẽ tăng giảm ra sao, từ đó sẽ cân đối và chọn ra các giải pháp phù hợp nhất.
Bên cạnh việc khuyến khích khách hàng sử dụng công nghệ HA trong các nhà máy sản xuất điện mới xây dựng, GE cũng sẽ nghiên cứu các giải pháp nâng cấp các nhà máy cũ bằng những công nghệ riêng, phù hợp với điều kiện từng nhà máy.
PV: Xin cảm ơn ông!