Ứng dụng công nghệ gis trong quản lý hạ tầng kỹ thuật lưới điện Khánh Hòa

Hệ thống thông tin địa lý GIS (Geographic Information System) ra đời vào thập kỷ 70 thế kỷ trước và ngày càng phát triển mạnh nhờ những tiến bộ công nghệ máy tính, đồ họa, phân tích dữ liệu không gian và quản lý dữ liệu.

Đối với công tác quản lý hạ tầng kỹ thuật lưới điện, GIS cho phép lưu trữ và hiển thị thông tin với tỷ lệ khác nhau, giúp người sử dụng có thể dễ dàng quản lý tài sản lưới điện cũng như cung cấp các thông tin về đường dây, trụ điện, máy biến áp và các thiết bị điện khác. Bên cạnh đó, GIS cũng hỗ trợ tích cực trong việc vận hành lưới điện như, quản lý hành lang an toàn lưới điện, quản lý khách hàng, khắc phục nhanh sự cố mất điện. Hiện nay, công tác quản lý kỹ thuật của Công ty CP Điện lực Khánh Hòa (KHPC) áp dụng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008, nhưng chưa mang lại nhiều hiệu quả như mong muốn. Cụ thể, toàn bộ công tác quản lý kỹ thuật như, cập nhật các thông số đo đếm, công tác quản lý vật tư thiết bị, phát triển lưới điện, bảo hộ lao động… và đặc biệt là việc lập các báo cáo thống kê đều được thực hiện chủ yếu bằng phương pháp thủ công.

Trong khi đó, KHPC quản lý một khối lượng rất lớn vật tư trang thiết bị hạ tầng mạng lưới điện bao gồm 08 điện lực và 03 xí nghiệp trực thuộc với kết cấu hạ tầng và thiết bị rộng khắp trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa (Gồm: 339,5 km đường dây 110 kV và 13 trạm trạm biến áp với tổng dung lượng là 444.000 kVA (trong đó có 2 TBA của khách hàng); 1701,561 km lưới trung áp có ba cấp điện áp 35 kV, 22 kV, 15 kV với 07 trạm biến áp trung gian 35 kV với tổng dung lượng 55.600 kVA và 2.682 trạm trạm biến áp phụ tải với tổng dung lượng 585.138,5 kVA ngoài ra còn 2.063,38 km lưới hạ áp 0,4kV), đồng thời các số liệu phải thường xuyên cập nhật và báo cáo về Tổng công ty và Tập đoàn, nên tốn rất nhiều thời gian và nhân lực.

Do vậy, việc ứng dụng công nghệ GIS vào phục vụ công tác quản lý kỹ thuật tại Công ty là rất cần thiết nhằm đẩy mạnh tin học hóa trong công tác quản lý, giảm bớt thời gian xử lý, nâng cao hiệu quả kinh doanh sản xuất.

Được sự thống nhất của Hội đồng Quản trị Công ty, từ năm 2011, Lãnh đạo Công ty đã chỉ đạo các đơn vị tiến hành triển khai xây dựng phần mềm quản lý hạ tầng kỹ thuật lưới điện, đăng ký dự án với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Khánh Hòa. Dự án chính thức được triển khai từ tháng 10/2012.  

Chương trình quản lý kỹ thuật PMIS (Power network Management Infomation System) ứng dụng Hệ thống Thông tin địa lý (GIS) bao gồm hai phần chính là phần mềm và cơ sở dữ liệu sẽ triển khai toàn bộ các đơn vị trong Công ty, sẽ góp phần nâng cao khả năng quản lý, phân tích, đánh giá và ra quyết định chính xác trong quá trình quản lý kết cấu hệ thống lưới điện trên địa bàn Khánh Hòa.

Vị trí các trạm biến áp và tuyến dây trung áp trên bản đồ GIS tỷ lệ 1/10000 khu vực thành phố Nha Trang - Khánh Hòa trên chương trình PMIS - Ảnh: CTV

Việc ứng dụng hệ thống thông tin địa lý GIS, xây dựng phần mềm quản lý kỹ thuật nhằm quản lý hạ tầng kỹ thuật lưới điện tại Khánh Hòa mang lại nhiều thuận lợi cho công tác quản lý lưới điện như:

+ Giúp cho các đơn vị quản lý vận hành quản lý đầy đủ các thông tin về hệ thống mạng lưới điện bao gồm: Lý lịch thiết bị; tình hình vận hành; tình hình sự cố; thông tin về thí nghiệm định kỳ, sửa chữa, bảo dưỡng...

+ Truy xuất các thông số đo đếm, các thông số vận hành trực tuyến và hướng tới tức thời theo thời gian thực.

+ Dễ dàng theo dõi, cập nhật tình trạng và số lượng vật tư thiết bị lưới điện theo tọa độ trên bản đồ số, từ đó nâng cao khả năng vận hành bảo dưỡng và sửa chữa thiết bị.

+ Đưa ra các công cụ hỗ trợ hiệu quả cho các cấp lãnh đạo dễ dàng theo dõi quá trình sản xuất và kinh doanh của từng đơn vị nói riêng cũng như trong toàn Công ty nói chung, từ đó có các chỉ đạo kịp thời chính xác. Đồng thời hỗ trợ cho cán bộ quản lý trong công tác quy hoạch hạ tầng điện lực và các vấn đề có liên quan.

+ Truy xuất các số liệu báo cáo theo các mẫu biểu quản lý kỹ thuật lưới điện cho các cấp theo quy định nhanh chóng và chính xác, đồng thời cung cấp các số liệu chính xác phục vụ cho công tác tham mưu cho các đơn vị.

+ Nâng cao khả năng cung cấp điện, giảm tổn thất và suất sự cố trên lưới điện, mang lại lợi ích kinh tế kỹ thuật cho Công ty.

+  Cho phép cập nhật, quản lý và lưu trữ thông tin về thiết kế tuyến đường dây truyền tải và phân phối mới…

Phần mềm ứng dụng được xây dựng trong dự án không chỉ ứng dụng trong Công ty mà còn có thể ứng dụng cho hệ thống các công ty điện lực tỉnh trong cả nước.

Thống kê số lượng trạm biến áp trên xuất tuyến 475 - thuộc trạm biến áp 110kV Mã Vòng - khu vực thành phố Nha Trang - Khánh Hòa trên chương trình PMIS - Ảnh: CTV

Cơ sở dữ liệu của chương trình PMIS trên nền tảng ứng dụng công nghệ GIS với hệ thống quản trị cơ sở dữ liệu mã nguồn mở khi đưa vào sử dụng sẽ là nguồn cơ sở dữ liệu lớn về hạ tầng kỹ thuật lưới điện, không chỉ được sử dụng trong KHPC mà còn cung cấp một số thông tin cần thiết cho các sở ban ngành có liên qua trên địa bàn tỉnh như Sở Công Thương, Sở Xây dựng..., giúp cho sự phối hợp giữa các đơn vị quản lý trên địa bàn đồng bộ và chặt chẽ, giải quyết công việc kịp thời. Đồng thời, việc chia sẻ và trao đổi thông tin giữa các sở ban ngành trong tỉnh được dễ dàng, tiết kiệm được thời gian trong công tác quản lý, góp phần nâng cao năng lực và hiệu quả điều hành của các đơn vị hành chính trên địa bàn Tỉnh.


  • 27/11/2013 04:43
  • Theo TCĐL Chuyên đề Quản lý và Hội nhập
  • 12816


Gửi nhận xét