Ứng dụng công nghệ thông tin thanh toán tiền điện ở Đắk Lắk

Những năm qua, ngành Điện nói chung và Công ty Điện lực Đắk Lắk (PC Đắk Lắk) nói riêng đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động sản xuất - kinh doanh. Đặc biệt, trong lĩnh vực kinh doanh bán điện, Công ty Điện lực Đắk Lắk đã ứng dụng hiệu quả CNTT vào khâu thanh toán tiền điện.

Khách hàng được hỗ trợ tối đa trong việc thanh toán tiền điện tại quầy thu

Khách hàng không phải chờ đợi lâu

Với hơn 490 ngàn khách hàng do Công ty Điện lực Đắk Lắk quản lý, việc thu tiền, gạch nợ tưởng như đơn giản, nhưng thực tế rất dễ xảy ra sai sót. Có những trường hợp, nhiều khách hàng trùng tên, trùng họ cùng đến quầy thu ngân nộp tiền điện sẽ dẫn đến tình trạng nhầm lẫn thông tin, mất rất nhiều thời gian kiểm tra, xử lý. 

Sau khi xây dựng và đưa vào thử nghiệm thành công chương trình thu tiền – gạch nợ tại quầy thu tiền điện đã trở thành công cụ tiện ích của CMIS 2.0 khi thực hiện trích xuất dữ liệu trực tiếp từ hệ thống, hỗ trợ tìm kiếm khách hàng, thực hiện gạch nợ trực tiếp, hỗ trợ thu tiền điện, tiền đóng cắt, lập lệnh đóng điện… rất chính xác, góp phần giảm nhân lực quản lý công nợ tại các điện lực. Nhờ đó, khách hàng không phải chờ đợi lâu khi đến trả tiền điện, chất lượng dịch vụ cũng từ đó được cải thiện đáng kể. 

Để tăng tính chủ động của khách hàng khi thanh toán tiền điện, PC Đắk Lắk đã tích cực mở rộng các điểm thanh toán cố định, đồng thời tổ chức tuyên truyền rộng rãi tới mọi khách hàng. Đến nay, Đắk Lắk đã có hơn 680 điểm thu cố định dành cho các khách hàng chưa sử dụng hình thức thanh toán qua tài khoản hoặc thanh toán tự động tại ngân hàng. 

Công ty còn tiến hành thu tiền điện bằng thẻ khách hàng thông qua máy quét mã vạch và máy in biên lai thu tiền ngay tại điểm thu với sự hỗ trợ của phần mềm Thu điểm. Với thẻ khách hàng có mã vạch, thu ngân viên chỉ cần một thao tác là quét mã vạch (không cần thao tác chuột hay bàn phím), biên nhận sẽ được in ra cho khách hàng. Đối với các trường hợp khách hàng quên mang thẻ, sẽ tìm kiếm thông tin khách hàng bằng cách thao tác trên bàn phím qua các từ khóa như mã khách hàng, tên hay địa chỉ một cách đơn giản, thuận tiện. Mặt khác, dữ liệu thu được cập nhật vào chương trình thu điểm, có thể kết nối với hệ thống CMIS và gạch nợ hàng loạt vào CMIS thông qua file thu được.

 

Mức độ hài lòng của khách hàng đối với PC Đắk Lắk (thang điểm 10):

- Năm 2013: 6,23 điểm
- Năm 2014: 6,31 điểm
- Năm 2015: 6,86 điểm
- Năm 2016: 7,62 điểm

   

Hơn 10 triệu tin nhắn năm 2016

Với chủ trương gửi thông báo SMS đến khách hàng sử dụng điện thay cho các thông báo truyền thống, năm 2016, PC Đắk Lắk đã thực hiện hơn 10,3 triệu tin nhắn dịch vụ. Đồng thời, Công ty cũng xây dựng phần mềm Nhắn tin khách hàng để hỗ trợ khâu bán điện. Phần mềm này được xây dựng bằng ngôn ngữ lập trình Access, liên kết với Chương trình CMIS 2.0 của Công ty. Nhờ đó, các thông tin về khách hàng như số điện thoại, mã khách hàng, sản lượng điện tiêu thụ hàng tháng… sẽ không cần tổng hợp bằng tay mà tự động chuyển dữ liệu từ CMIS qua phần mềm nhờ các thao tác đơn giản. 

Ông Lê Hoài Nhơn – Phó Giám đốc Kinh doanh của PC Đắk Lắk cho biết: “Trong thời gian qua, công tác dịch vụ khách hàng nói chung và ứng dụng KHCN vào hoạt động kinh doanh bán điện của Công ty đã đạt được những kết quả khả quan. Đặc biệt, năm 2017, bám sát chủ đề của Tổng công ty Điện lực miền Trung, PC Đắk Lắk đã có những định hướng cụ thể. Theo đó, cùng với việc xây dựng các phần mềm hỗ trợ các mặt công tác, Công ty sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả của hệ thống Mini-Scada và đưa Trung tâm Điều khiển hệ thống điện Đắk Lắk vào hoạt động; phát huy hiệu quả năng lực của Đội sửa chữa điện nóng trên lưới đang mang điện, bảo dưỡng lưới điện; tiếp tục thay thế công tơ điện tử, sử dụng hệ thống thu thập dữ liệu RF- Spider…”. 

Hồ Thị Ánh Ngọc, trú tại 117 Hà Huy Tập, Tp. Buôn Ma Thuột:

“Trước đây, tôi thường theo dõi lịch cắt điện thông qua các báo hàng ngày ở Đắk Lắk, còn thông báo nộp tiền thì được nhân viên Điện lực đưa đến tận nhà. Đến nay, Điện lực đã thay các hình thức này bằng nhắn tin SMS đến số điện thoại cá nhân, rất dễ theo dõi và không bị chậm hoặc thất lạc. Về nộp tiền điện, vì tôi không có thẻ ngân hàng nên nộp tiền qua điểm thu và được phát thẻ khách hàng, quét mã vạch là có biên nhận, có thông tin tiền nộp cụ thể cũng rất tiện lợi”.


  • 15/05/2017 11:03
  • Theo TCĐL Chuyên đề Quản lý và Hội nhập
  • 13524