Báo chí có chức năng đưa thông tin chính xác, khách quan về các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội... đến với công chúng. Ảnh: Anh Vũ
|
Giám sát của báo chí là giám sát xã hội, là sự cung cấp thông tin hai chiều: Thông tin từ phía đối tượng chịu giám sát (cán bộ, đảng viên…) và thông tin từ phía đối tượng giám sát (dư luận xã hội, nhân dân…) là nguồn thông tin có tính chất đánh giá, phê bình, xây dựng, làm cơ sở để kiểm tra, điều chỉnh, xử lý...
Phản biện của báo chí là phản biện xã hội. Phản biện trước hết không có nghĩa là phản đối hay chỉ là phản đối mà còn mang tính xây dựng, đồng tình, cổ súy... Nếu phản biện của các tổ chức khoa học mang tính tư vấn, là phản biện hoàn toàn dựa trên cơ sở khoa học; thì báo chí thực hiện chức năng phản biện xã hội, trước hết dựa trên dư luận xã hội. Cố nhiên, trong phản biện bằng dư luận xã hội, báo chí không loại trừ những cơ sở khoa học của vấn đề.
Chẳng hạn, loạt bài “Nghịch lý trong sản xuất – kinh doanh điện” của Phạm Miên, Vũ Hân đăng trên báo Công an nhân dân, đoạt Giải báo chí quốc gia (6/2012), là sự phản biện vừa có cơ sở khoa học, vừa có cơ sở thực tiễn đầy thuyết phục về sự trớ trêu trong sản xuất, cung ứng điện: Thủy điện nhỏ thừa, nhưng vẫn phải mua điện của Trung Quốc (thực tế ở Lào Cai). Các tác giả đưa ra những bằng chứng: Mua điện của Trung Quốc, nhưng một tháng 52 lần điện chạy… ngược sang Trung Quốc; vẫn mua điện trong khi hàng chục ngàn tỉ đồng có nguy cơ “đắp chiếu” (vốn đầu tư của 17 nhà máy thủy điện nhỏ trên địa bàn). Mặt khác, chính các nhà báo đã cung cấp cho bạn đọc thông tin trả lời phỏng vấn (phản biện trở lại) của ông Nguyễn Phúc Vinh – Tổng Giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Bắc và PGS.TS Đàm Xuân Hiệp – Tổng thư ký Hiệp hội Điện lực, Hiệu trưởng Trường ĐH Điện lực, giải thích cơ sở thực tiễn, cơ sở pháp lý của vấn đề (“mua điện Trung Quốc là theo chỉ đạo của Thủ tướng”, “đã ký hợp đồng đến 2015”) và cơ sở khoa học của vấn đề (bất cập giữa việc xã hội hóa cho tư nhân đầu tư thủy điện nhỏ quá nhiều và việc ai sẽ đầu tư lưới điện để gom các nhà máy thủy điện nhỏ lẻ, phân tán lại?). Ở đây, thông tin từ phía chịu sự giám sát (ngành Điện) được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng đã giúp ngành Điện giải thích một cách khoa học để người dân hiểu rõ hơn, thông cảm hơn.
Một sự kiện khác được dư luận đặc biệt quan tâm, là sự cố Thủy điện Sông Tranh 2 (Quảng Nam). Nhân dân địa phương lo lắng, dư luận cả nước băn khoăn về sự an toàn của không chỉ Sông Tranh 2, mà còn cho cả những đập thủy điện được xây dựng theo phương pháp tương tự… Báo chí phản biện không phải bằng việc nói ngược lại ý kiến của các nhà quản lý trong cuộc, mà rộng đường dư luận đăng tải tất cả những ý kiến của người dân, ý kiến của các nhà khoa học, các nhà quản lý (không trực tiếp chịu trách nhiệm vụ việc này) và của các đồng nghiệp… để xem xét tính chất của vấn đề một cách toàn diện, khách quan.
Như vậy, phản biện xã hội là cách để báo chí giúp công chúng (đương nhiên có cả người trong cuộc của vụ việc được đề cập) nhìn nhận một sự kiện, một vấn đề ở nhiều góc độ khác nhau, nhiều quan điểm khác nhau, thậm chí đối lập nhau (về lợi ích xã hội, về cơ sở khoa học), và đặc biệt đây là kênh thông tin chuyển tải được tiếng nói của dư luận xã hội.
Vấn đề đặt ra trong phản biện xã hội của báo chí đối với ngành Điện là chất lượng của phản biện, phụ thuộc vào các yếu tố sau đây:
Thứ nhất, bài báo phải có dung lượng thông tin đủ sức luận giải vấn đề đặt ra, có sức thuyết phục và định hướng dư luận cũng như nhận thức của công chúng. Muốn làm được điều này, phải có những cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn. Đó chính là sức mạnh từ ý nghĩa của thực tiễn sinh động: Trăm nghe không bằng một thấy. Cần phải có động cơ trong sáng, không vụ lợi. Đây chính là vấn đề đạo đức nghề nghiệp của nhà báo. Bởi không hiếm những trường hợp nhà báo nhân danh ý kiến của nhà khoa học, ý kiến của người dân để phục vụ mục đích riêng, được ngụy trang dưới vỏ bọc phản biện!
Thứ hai, cần có quan điểm phản biện tích cực, đứng về phía lợi ích cộng đồng, lợi ích xã hội, lợi ích quốc gia.
Thứ ba, cần có tri thức và phương pháp khoa học trong phản biện. Nhà báo cần có tri thức đầy đủ về vấn đề phản biện, nhất là với một ngành vừa mang tính kĩ thuật cao, vừa mang tính kinh doanh - dịch vụ rộng rãi như ngành Điện. Mới đây, hàng trăm tin, bài trên nhiều tờ báo lớn, kênh truyền hình, phát thanh, báo mạng về sự cố lưới điện ở các tỉnh phía Nam, không chỉ đưa tin mà còn phân tích một cách sắc bén về mức độ an toàn của hệ thống điện quốc gia và rộng hơn nữa là vấn đề an ninh năng lượng quốc gia.
Ngành Điện vốn rất gần gũi và thân thiết với mọi tầng lớp nhân dân và là “làm dâu trăm họ”. Vai trò phản biện xã hội của báo chí ở đây là giúp ngành Điện “làm dâu” ngày càng tốt hơn, nâng tầm dịch vụ, nâng cao hình ảnh người thợ điện văn minh, thanh lịch trong mắt người dân.
Cả nước hiện có hơn 800 báo, tạp chí in, với 1084 ấn phẩm; 74 báo, tạp chí điện tử, 336 mạng xã hội, 1174 trang thông tin điện tử tổng hợp; 67 đài phát thanh, truyền hình; gần 17.000 nhà báo có thẻ hành nghề…Tất cả công chúng của các cơ quan báo chí cũng chính là khách hàng sử dụng dịch vụ của ngành Điện, vì ai cũng cần đến điện. Bất cứ báo, đài nào cũng có thể và có quyền tiếp cận thông tin từ ngành Điện. Đó là tiềm năng, cơ hội lớn để ngành Điện PR cho chính mình. Nhưng đó cũng là thách thức lớn, sức ép dư luận xã hội lớn đối với ngành Điện trong việc công khai, minh bạch thông tin.