Vận dụng Luật Điện lực vào thực tiễn ở Quảng Bình

10 năm thực thi Luật Điện lực ở tỉnh Quảng Bình, sự tương tác giữa ngành Điện với khách hàng sử dụng điện đều được điều chỉnh theo Luật Điện lực. Tuy nhiên, từ Luật  đến thực tiễn cuộc sống vẫn còn những khoảng cách.

Hoạt động điện lực được điều chỉnh theo Luật

Theo quy định của Luật Điện lực, hợp đồng mua bán điện quy định rõ quyền và nghĩa vụ của bên bán và bên mua điện. Với chức năng quản lý nhà nước, thông qua các quy định của pháp luật, Sở Công Thương tỉnh Quảng Bình được 2 bên thống nhất đề nghị là cơ quan hòa giải nếu xảy ra tranh chấp trong hợp đồng mua bán điện, trước khi đưa tranh chấp ra toà án dân sự.

Thực tế cho thấy, thời gian qua trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã có một số trường hợp khách hàng sử dụng điện sinh hoạt có thái độ nghi ngờ đơn vị Điện lực tự lắp đặt và hiệu chỉnh công tơ khi thấy tiền điện trong tháng tăng cao. Để đảm bảo tính minh bạch và khách quan, Sở Công Thương đã trực tiếp giải thích để khách hàng rõ thêm về việc sử dụng điện tăng đi kèm với biểu giá điện sinh hoạt bậc thang. Khi khách hàng được giải thích thỏa đáng cũng đồng nghĩa với việc các đơn vị điện lực đã làm đúng theo quy định của pháp luật.

Từ nhiều nguồn vốn khác nhau như vốn ngân sách, vốn vay, vốn đóng góp của người dân… lưới điện trung, hạ khu vực nông thôn từ năm 2002 trở về trước do UBND xã, các HTX dịch vụ quản lý. Do đầu tư chắp vá không đảm bảo chất lượng, thời gian dài sử dụng lâu ngày không được cải tạo nên lưới điện nông thôn đã xuống cấp, gây nguy cơ mất an toàn cho người sử dụng và làm tỉ lệ tổn thất điện năng cao. Việc kinh doanh, bán điện tuỳ tiện, hệ thống công tơ lắp đặt không đảm bảo tiêu chuẩn; thiếu kiểm tra, kiểm định… hậu quả cuối cùng người dân phải gánh chịu.

Công ty CP Bia Hà Nội - Quảng Bình là một điểm sáng trong công tác thực hiện tiết kiệm điện. Ảnh: Phan Trang

Sau khi ngành Điện tiếp nhận lưới điện trung, hạ áp nông thôn, hệ thống lưới điện hạ áp nông thôn đã được đầu tư cải tạo và ngành Điện tổ chức bán điện trực tiếp đến hộ dân theo giá bán điện thống nhất do Chính phủ quy định.

Từ năm 2003 - 2005, PC Quảng Bình đã tiếp nhận toàn bộ lưới điện trung áp nông thôn. Tiếp đó, ngành Điện tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn từ các địa phương để bán điện trực tiếp đến từng hộ. Từ năm 2009 đến quý 1/2015, căn cứ vào Luật Điện lực và các nghị định, văn bản hướng dẫn thi hành của Liên Bộ Công Thương - Tài chính, EVN, PC Quảng Bình đã phối hợp với Sở Công Thương, các địa phương tiếp nhận được 107/113 xã, với khối lượng trên 2.300 km đường dây hạ áp và trên 165.000 khách hàng được mua điện trực tiếp từ EVN. Trong quá trình bàn giao, tiếp nhận lưới điện, nhờ có Luật Điện lực, sự phối hợp giữa địa phương và PC Quảng Bình với các thôn, xã cũng đạt được hiệu quả cao, giải quyết dứt điểm mọi vướng mắc về định giá, bàn giao tài sản, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân nông thôn.

Từ khi Luật Điện lực có hiệu lực, PC Quảng Bình đã có nhiều giải pháp tuyên truyền và thực hiện tiết kiệm điện hiệu quả trong quản lý, vận hành hệ thống điện. Hàng năm, Công ty đã tiết kiệm được từ 1,5 - 2% sản lượng điện thương phẩm năm, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.   

Còn đó những bất cập!

Tuy nhiên, từ quy định đến thực tiễn vẫn còn những khoảng cách. Luật Điện lực đã quy định trách nhiệm bảo vệ trang, thiết bị điện, công trình điện và đảm bảo an toàn lưới điện không chỉ là nhiệm vụ riêng ngành Điện mà cần có sự chung tay của cả xã hội. Thực tế, tại nhiều địa phương, việc thực hiện trách nhiệm này còn rất hạn chế. Những năm 2010 - 2013, trên lưới điện tỉnh Quảng Bình đã xảy ra 19 vụ kẻ gian trộm cắp dây tiếp địa, cắt cáp điện tại trạm biến áp….

Trước thực trạng đó, PC Quảng Bình đã phối hợp với Công an Tỉnh, huyện tiến hành điều tra ngăn chặn. Mặc dù tỷ lệ trộm cắp điện đã giảm đáng kể trong năm 2014, nhưng vẫn còn gây nhiều nhức nhối. Thiết nghĩ trong thời gian tới nếu Luật Điện lực và các văn bản hướng dẫn thi hành không quy định rõ trách nhiệm, sự phối hợp giữa ngành Điện với các sở, ban, ngành liên quan thì rất khó có thể giải quyết dứt điểm tình trạng vi phạm sử dụng điện.

Thực thi Luật Điện lực, PC Quảng Bình đã đầu tư cải tạo lưới điện hạ áp nông thôn sau khi tiếp nhận. Ảnh: Đăng Quang

Tình trạng trồng cây và xây dựng nhà cửa vi phạm hành lang an toàn lưới điện vẫn chưa được người dân và các cấp chính quyền địa phương quan tâm giải quyết dứt điểm... Nhiều năm qua, khu vực rừng thông với khoảng 900 cây cao tại xã Mỹ Trạch (huyện Bố Trạch) có nguy cơ đổ vào đường dây 35 kV từ Bố Trạch đi Quảng Trạch do người dân tự trồng đã được ngành Điện cảnh báo với địa phương nhưng vẫn chưa được giải quyết vì không có kinh phí đền bù. Vì vậy, nguy cơ đường dây trên vận hành mất an toàn rất cao, nhất là khi thời tiết mưa gió.

Ngoài ra, do suy thoái kinh tế, một số doanh nghiệp làm ăn thua lỗ phải tạm ngừng hoạt động hoặc giải thể. Trong đó, có doanh nghiệp nợ tiền điện kéo dài nhưng chưa có chế tài xử lý. Trường hợp như Công ty Giấy Quảng Bình đã ngừng hoạt động, còn nợ tiền điện trên 200 triệu đồng từ năm 2012 đến nay; hoặc Công ty Nhôm thanh định hình Quảng Bình đã ngừng sản xuất, còn nợ tiền điện gần 400 triệu đồng từ năm 2012 không có khả năng thanh toán nhưng vẫn chưa có quyết định phá sản. Đây là một số trường hợp điển hình vi phạm Luật Điện lực, chưa được xử lý nghiêm, làm ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của PC Quảng Bình.


  • 16/06/2015 04:01
  • Theo Tạp chí Điện lực chuyên đề Quản lý và Hội nhập
  • 3968


Gửi nhận xét