Trên địa bàn toàn tỉnh Yên Bái hiện có có 85 điểm vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp ( HLATLĐCA), trong đó, chủ yếu là nhà, công trình không đủ khoảng cách quy định với dây dẫn điện, kết cấu nhà và công trình không đủ điều kiện tồn tại trong HLATLĐCA.
Nhiều vụ tai nạn điện thương tâm đã xảy ra do vi phạm khoảng cách an toàn. Cụ thể,vào hồi 7h21 ngày 20/12/2010 tại khoảng cột 50 - 51 đường dây 378 xảy ra vụ vi phạm mất an toàn nghiêm trọng làm chết 1 công nhân của Công ty Đồng Tâm Xanh trong khi bơm bê tông tươi đổ mái nhà cho một hộ gia đình dân ở thị trấn Yên Bình đã vi phạm khoảng cách an toàn lưới điện 35 kV gây phóng điện, làm mất điện toàn bộ đường dây 378 cung cấp cho khu công nghiệp phía Nam trong nhiều giờ. Chi phí khắc phục sự cố lên đến hàng chục triệu đồng. Đó là chưa kể đến tổn thất điện năng do sự cố gây ra và phải cắt điện xử lý .
Những vụ vi phạm khoảng cách an toàn do các hộ dân tự ý xây nhà, san lấp mặt bằng trong hành lang an toàn lưới điện, làm giảm khoảng cách an toàn, gây nguy hiểm cho người và phương tiện qua lại đang có chiều hướng gia tăng do việc tăng.
Các vụ vi phạm này đã gây sự cố phóng điện, chập điện. làm mất điện gián đoạn nhiều khu vực. Bên cạnh đó, vi phạm HLATLĐCA do cây cối trong hành lang mà chưa được phát chặt do trong quá trình giải phóng mặt bằng chưa làm triệt để làm vi phạm khoảng cách an toàn, người dân yêu cầu phải trả tiền đền bù mới được chặt cây. Đây là những vướng mắc hiện nay rất khó giải quyết .
Để đảm bảo an toàn cho lưới điện, các đơn vị trong Công ty thường xuyên tổ chức các đợt kiểm tra, phát quang, chặt tỉa cây cao vi phạm khoảng cách an toàn đường dây, ngoài ra còn phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn, lực lượng công an và chính quyền địa phương tổ chức các đợt tuyên truyền, vận động bảo vệ lưới điện cao áp.
Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, việc đảm bảo hành lang an toàn lưới điện vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Vì vậy,việc mất an toàn lưới điện hàng năm vẫn xảy ra.
Theo ông Nguyễn Đình Phú – Giám đốc Điện lực Trấn Yên, hầu như năm nào đơn vị cũng phát hiện có hàng chục trường hợp vi phạm HLATLĐCA như ném cây lên đường dây, thả diều dính vào dây điện cao áp cần phải xử lý. Việc xử lý cũng không đơn giản, bởi muốn tháo gỡ dây diều, đơn vị buộc phải cắt điện cả đường dây. Không chỉ dây diều, việc các hộ dân sinh sống hoặc chăn thả gia súc, làm nhà tạm hoặc trồng cây trong phạm vi hành lang an toàn lưới điện cũng là một vấn đề nan giải.
Giải quyết vi phạm HLATLĐCA hiện đang là vấn đề nóng và nhạy cảm, ngành Điện rất cần sự phối hợp quyết liệt hơn của các địa phương cũng như các ngành khác trong xã hội, sự tham gia của người dân vào công tác bảo vệ lưới điện cao áp. Đa số lưới điện cao áp đều đi qua các khu dân cư, đồi núi, rừng tự nhiên và rừng trồng nên rất khó tránh khỏi những vụ vi phạm.
Hằng năm, Công ty Điện lực Yên Bái và các Điện lực vẫn phát đến các gia đình người dân và các cơ quan liên quan phát nhiều tờ rơi tuyên truyền an toàn điện. Ban Chỉ đạo bảo vệ an toàn HLATLĐCA của Công ty đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng, giáo dục trong CBCNV cũng như người dân về hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp, làm cho nhân dân hiểu rõ mức độ nguy hiểm đến tính mạng, tài sản của người dân khi sống trong khu vực hành lang an toàn lưới điện cao áp.
Đồng thời, tuyên truyền đến cán bộ chủ chốt của địa phương, giúp họ nhận thức rõ vai trò trách nhiệm của mình trong việc quản lý, kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm an toàn lưới điện cao áp và hiểu rõ hơn trách nhiệm quản lý, bảo vệ hành lang an toàn lưới điện không chỉ là của ngành Điện mà là của tất cả các cơ quan, ban ngành và của toàn xã hội. Xử lý các vi phạm về an toàn điện, nhất là vi phạm HLATLĐCA là một vấn đề phức tạp, đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của nhiều cơ quan chức năng địa phương và ý thức tự giác tuân thủ luật pháp của người dân, đặc biệt là những vi phạm xảy ra trong khu vực đô thị, tập trung đông dân cư.
Do vậy, ngoài việc tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân, hạn chế phát sinh các vi phạm mới, cũng rất cần sự vào cuộc của các cấp chính quyền để giải quyết dứt điểm các vi phạm đã tồn tại từ trước, đảm bảo an toàn cho công trình điện. Ngành Điện lực Yên Bái cũng cần tranh thủ sự hỗ trợ, chỉ đạo của UBND Tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của địa phương để tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân sống tại khu vực có công trình đường dây đi qua, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời ngay từ đầu các hành vi phạm HLATLĐCA, không để kéo dài gây phức tạp về sau. Có vậy, mới đảm bảo an toàn lâu dài cho công trình điện cũng như đảm bảo an toàn tài sản và tính mạng của người dân.