Đầu tư thiết bị TKNL cho các tòa nhà và khách sạn: Công nghệ và cơ chế tài chính nào?

Các công trình tòa nhà, khách sạn hiện vẫn khó tiếp cận với những công nghệ mới và nguồn tài chính hỗ trợ đầu tư tiết kiệm năng lượng (TKNL). Trong khi đó tiềm năng tiết kiệm năng lượng trong lĩnh vực này có thể lên đến 30%. Giải pháp nào để các tòa nhà có thể tiếp cận được với những cơ chế tài chính hỗ trợ đầu tư TKNL? Sau đây là ý kiến của một số chuyên gia về vấn đề này.

Ông Huỳnh Kim Tước – Giám đốc Trung tâm Tiết kiệm Năng lượng TP.HCM (ECC HCM):  “Các doanh nghiệp tham gia dự án đều được hỗ trợ tài chính”

Trong tổng số năng lượng sử dụng tại Việt Nam, các công trình tòa nhà, khách sạn tiêu thụ từ 35-40%, và tiềm năng tiết kiệm năng lượng có thể lên tới 30%. Vì vậy, nhiều tòa nhà, khách sạn đang rất quan tâm đến việc thực hiện các giải pháp TKNL. Tuy nhiên, khi đi vào triển khai, các tòa nhà, khách sạn đều gặp phải 2 vấn đề lớn, đó là công nghệ và tài chính.

Những năm vừa qua, để giúp các tòa nhà, khách sạn tháo gỡ những khó khăn, ECC-HCMC đã không ngừng tìm kiếm và phối hợp  với nhiều tổ chức, tập đoàn trong và ngoài nước, đặc biệt là các tổ chức tài chính và tập đoàn công nghệ mới hỗ trợ về công nghệ và tài chính cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Từ năm 2009, được sự hỗ trợ của tập đoàn tài chính Mitsubishi, ECC-HCMC đã phối hợp với nhiều tập đoàn nổi tiếng của Nhật Bản về công nghệ, thiết bị TKNL như: Hybiya, Panasonic, TOTO, Mayekawa… triển khai nhiều dự án nghiên cứu khả thi nhằm từng bước đưa doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận với những công nghệ hiệu quả năng lượng tiên tiến. Các thiết bị, giải pháp đưa vào nghiên cứu tại Việt Nam sẽ được điều chỉnh theo hướng phù hợp nhất đối với điều kiện Việt Nam.

Việc chuyển giao công nghệ tiên tiến của Nhật Bản vào Việt Nam thông qua các dự án tiết kiệm năng lượng do Công ty Viet ESCO tư vấn đầu tư đã được triển khai trong năm 2012 và tiếp tục trong năm 2013 với những hỗ trợ về tài chính của Chính phủ Nhật Bản. Theo đó, 30 tòa nhà, khách sạn tại Việt Nam sẽ được chọn tham gia các dự án hỗ trợ này. Đây sẽ là những dự án đầu tiên tại Việt Nam được hỗ trợ theo cơ chế BOCM (cơ chế bù đắp tín dụng song phương) mà Chính phủ hai nước Việt Nam - Nhật Bản thỏa thuận, nhằm giảm phát thải CO2 ra môi trường. Các doanh nghiệp Việt Nam tham gia dự án sẽ được giới thiệu, tìm hiểu, hỗ trợ tài chính và đào tạo nhân sự để vận hành thiết bị một cách hiệu quả nhất.

Ông Satoshi Nakamura – Tư vấn cao cấp Tập đoàn Mitsubishi UFJ Morgan Stanley (Nhật Bản): “2 bên đều có lợi”

BOCM là một khoản tín dụng bù đắp song phương với tiêu chí 2 bên đều có lợi. Doanh nghiệp Việt Nam có thể có cơ chế tín dụng, còn doanh nghiệp Nhật Bản có thể đạt được những mục tiêu kinh doanh của mình. BOCM được thực hiện với hình thức phía Nhật Bản sẽ cho doanh nghiệp Việt Nam vay vốn thực hiện các hoạt động TKNL như ứng dụng các công nghệ tiên tiến, TKNL và có hàm lượng phát thải cacbon thấp. Đơn cử như với dự án TKNL tại khách sạn Legend, để thu hồi vốn, Viet ESCO phải mất khoảng 5 năm. Nếu nhận được hỗ trợ BOCM với khoảng 30 – 40% tổng giá trị đầu tư, thì chỉ sau  khoảng 3 năm, dự án đã thu hồi được vốn.

BOCM là chương trình cắt giảm phát thải CO2 trong nhiều lĩnh vực như TKNL trong tòa nhà, khách sạn; thay thế nhiên liệu sạch cho các phương tiện giao thông... Tuy nhiên, trước mắt, tòa nhà và khách sạn là đối tượng được thực hiện những dự án BOCM đầu tiên. Để có đủ điều kiện được hưởng cơ chế BOCM, đầu tiên, các đơn vị phải đặt ra tiêu chí cắt giảm CO2; tiếp đó là phải trình ra được phương pháp luận, các giải pháp tính toán sao cho cắt giảm được lượng CO2 đó và phương pháp đó phải được 2 chính phủ Việt Nam và Nhật Bản công nhận thì mới được nhận hỗ trợ từ BOCM.

Ông Nguyễn Phước Đại –Kĩ sư trưởng Khách sạn Legan TP.HCM: “Tiết kiệm năng lượng từ những giải pháp đầu tư”

ESCO là công ty dịch vụ năng lượng, một mô hình kinh doanh mới tại Việt Nam Chúng tôi rất vinh dự là một trong những đơn vị tham gia vào dự án ESCO đầu tiên và nhận được hỗ trợ từ chính phủ Nhật Bản cũng như Công ty Viet ESCO.

Tham gia dự án này, khách sạn Legend được đầu tư nhiều hạng mục như lò hơi, bơm nhiệt... với tiềm năng tiết kiệm năng lượng có thể lên đến 15% bằng những công nghệ hiện đại nhất của Nhật Bản mà không phải bỏ vốn. Bên cạnh đó, chúng tôi còn tiết kiệm được một khoản chi phí năng lượng khá lớn từ những giải pháp đầu tư này.

Chính vì thế, với góc nhìn của một doanh nghiệp thụ hưởng từ dự án ESCO, chúng tôi nhận thấy rằng đây là một mô hình không chỉ giúp doanh nghiệp giảm chi phí năng lượng mà còn tiếp cận với những công nghệ mới, giảm phát thải khí nhà kính... Song song đó, dự án ESCO mà chúng tôi phối hợp triển khai cùng Viet ESCO cũng nằm trong cơ chế tín dụng bù đắp song phương (BOCM) giữa Việt Nam và Nhật Bản, nên chúng tôi được hỗ trợ rất nhiều từ đối tác Nhật như tìm hiểu về công nghệ mới, đào tạo cho cán bộ cách thức vận hành các thiết bị... Tôi hy vọng rằng sẽ có nhiều doanh nghiệp được chọn để tham gia vào dự án ESCO trong tương lai.


  • 03/01/2013 08:06
  • Theo TCĐL chuyên đề QLHN
  • 3790


Gửi nhận xét