Ông Phạm Gia Chương, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết: Phát triển điện hạt nhân là lĩnh vực đặc thù. Ngay từ khi xây dựng, Việt Nam đã chú trọng đến việc đảm bảo ứng phó sự cố.
Năm 2012, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư số 24/2012/TT-BKHCN hướng dẫn lập và phê duyệt kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân cấp cơ sở và cấp tỉnh. Năm 2014, Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục ban hành Thông tư số 25/2014/TT-BKHCN quy định về chuẩn bị thực hiện ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân.
Trước đó, khi thực hiện chiến lược phát triển năng lượng quốc gia và chiến lược sử dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình, Việt Nam đã tham gia công ước quốc tế về trợ giúp trong trường hợp sự cố hạt nhân hoặc tai nạn phóng xạ vào năm 1987.
Phối cảnh Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận - Ảnh ST
|
Liên quan đến ứng phó sự cố, ông Hiroki Takimoto, Giám đốc Trung tâm Hợp tác quốc tế về Điện hạt nhân (JICC) của Nhật Bản cho biết: Khi Việt Nam và Nhật Bản ký thoả thuận hợp tác xây dựng Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 2, các cơ quan phía Nhật Bản rất tích cực và chú trọng đến việc ứng phó sự cố tại nhà máy điện hạt nhân này.
Sau sự cố Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima Daiichi năm 2011 tại Nhật Bản cũng như những bài học rút ra được trong các kế hoạch, cách thức tổ chức ứng phó khi xảy ra sự cố hạt nhân thì Việt Nam cần hiểu và có cách nhìn tổng thể về việc ứng phó với sự cố nhà máy điện hạt nhân.
Ông Nguyễn Cường Lâm, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng cho rằng: Đối với chương trình điện hạt nhân của Việt Nam, khi triển khai xây dựng nhà máy thì việc ứng phó sự cố trong trường hợp khẩn cấp là hết sức quan trọng. Đây cũng là một trong những nội dung quan trọng trong hồ sơ Báo cáo Nghiên cứu khả thi Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 với các nội dung cụ thể như: biện pháp phòng chống cháy nổ trong nhà máy điện hạt nhân, an ninh hạt nhân, kế hoạch hành động bảo vệ người dân trong trường hợp sự cố.
Liên quan đến việc đảm bảo ứng phó sự cố, ông Lê Đình Tiến, Trưởng Tiểu ban an toàn và an ninh hạt nhân thuộc Ban chỉ đạo nhà nước dự án điện hạt nhân Ninh Thuận cho biết: Tiểu ban đã giúp Ban Chỉ đạo Nhà nước Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra việc xây dựng; tiến độ ban hành và thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, quy chuẩn và tiêu chuẩn quốc gia, các văn bản hướng dẫn về an toàn, an ninh cho dự án điện hạt nhân; tham gia và thực hiện các điều ước quốc tế về an toàn hạt nhân; bảo đảm an ninh và bảo vệ nhà máy điện hạt nhân, xây dựng trung tâm ứng phó quốc gia…
Tiểu ban cũng có trách nhiệm tham mưu, tư vấn cho Ban Chỉ đạo Nhà nước về các vấn đề liên quan đến bảo đảm an ninh và ứng phó sự cố cho Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.
Để nâng cao hơn nữa nhận thức cũng như hành lang pháp lý triển khai khi ứng phó sự cố, Bộ Khoa học và Công nghệ đang dự thảo Kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ, hạt nhân cấp quốc gia nhằm thiết lập hệ thống tổ chức, năng lực ứng phó quốc gia một cách thống nhất, toàn diện, phối hợp đồng bộ, có tổ chức giữa các tổ chức, cá nhân tham gia ứng phó, ứng phó kịp thời, hiệu quả để giảm thiểu tối đa những thiệt hại về con người, môi trường và tài sản do sự cố gây ra.
Theo dự thảo, chỉ đạo ứng phó sự cố bức xạ, hạt nhân phải bảo đảm nguyên tắc thống nhất, chủ động, kịp thời và phù hợp với diễn biến thực tế của sự cố đang diễn ra; kết hợp hài hòa giữa ứng phó phóng xạ với ứng phó phi phóng xạ; căn cứ vào tình huống chiếu xạ cụ thể để điều phối các hoạt động ứng phó phi phóng xạ kịp thời, hợp lý nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại về người, môi trường và tài sản do bức xạ gây ra.
Trong ứng phó sự cố bức xạ, hạt nhân cấp quốc gia, Ban Chỉ đạo nhà nước về ứng phó sự cố bức xạ, hạt nhân quốc gia giữ vai trò chủ trì điều phối chung các hoạt động ứng phó sự cố bức xạ, hạt nhân; Uỷ Ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn điều phối chung các nguồn lực ứng phó phi phóng xạ.
Dự thảo Kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ, hạt nhân cấp quốc gia cũng quy định rõ 6 bước triển khai ứng phó sự cố gồm: Thông báo sự cố; khởi động và triển khai ứng phó sự cố; hoạt động ứng phó ngoài hiện trường; chấm dứt hoạt động ứng phó sự cố cấp quốc gia; khôi phục tái thiết sau sự cố; điều tra, báo cáo tổng kết.
Dự thảo cũng nêu rõ, các bộ, ngành, tổ chức tham gia ứng phó sự cố xây dựng nguồn lực, năng lực, cơ sở vật chất kỹ thuật, quy trình tác nghiệp để thực hiện các nhiệm vụ, các hoạt động ứng phó sự cố hiệu quả khi sự cố bức xạ, hạt nhân xảy ra.