452 tỷ kWh

Đó là sản lượng điện có nguồn gốc từ năng tái tạo của Việt Nam dự kiến sẽ đạt được vào năm 2050, chiếm khoảng 43% tổng năng lượng sơ cấp.

Đây là thông tin được Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) đưa ra tại Hội nghị Quốc tế bàn về phát triển công nghệ mới trong phát triển năng lượng tái tạo, nguồn và lưới điện vừa được tổ chức tại Hà Nội.

Theo báo cáo của VEA, Việt Nam hiện là một trong những quốc gia có tiềm năng về năng lượng tái tạo lớn không chỉ ở khu vực mà còn ở thế giới. Năng lượng tái tạo của Việt Nam như là năng lượng gió, điện mặt trời và sinh khối (khí sinh học, rác thải và bã mía, thực vật khác...) mới chỉ khai thác được một phần, còn chủ yếu ở dạng tiềm năng.

Tính toán của VEA cho thấy, năm 2020 sản xuất điện năng từ rác thải đạt khoảng 1 tỷ kWh và 3,1 tỷ kWh vào năm 2030 và gần 6 tỷ kWh vào năm 2050. Khí sinh học đạt 8,5 tỷ kWh vào năm 2030 và 17 tỷ kWh vào năm 2050. Tổng lượng điện sinh khối có thể đạt 9 tỷ kWh vào năm 2020, 41,5 tỷ kWh năm 2030 và khoảng 80 tỷ kWh vào năm 2050.

Về nguồn năng lượng nhiệt hạch (năng lượng mặt trời) hiện từ Đà Nẵng trở vào nhiều tỉnh có thời gian nắng, cường độ bức xạ mặt trời lớn với trên 2.000 đến 2.500 h/năm. Đây là điều kiện lý tưởng cho phát triển các nhà máy điện mặt trời quy mô lớn và hệ thống phát điện cỡ nhỏ, quy mô gia đình.

Theo ước tính của VEA, quy mô thiết kế lượng điện tái tạo của Việt Nam vào năm 2020 sẽ đạt khoảng 101 tỷ kWh, năm 2030 đạt khoảng 186 tỷ kWh và năm 2050 sẽ đạt khoảng 452 tỷ kWh. Lượng điện tái tạo từ năm 2030 sẽ phải cân bằng so với sản lượng điện của các nhà máy phát điện truyền thống như nhiệt điện chạy than, chạy khí và thủy điện.

Cụ thể, năm 2030, tỷ lệ năng lượng tái tạo sẽ đạt 32% tổng lượng điện năng cung cấp, năm 2050, điện tái tạo sẽ có sản lượng chiếm hơn 43% tổng lượng điện năng cung cấp, tương đương với tổng lượng điện của các nhà máy nhiệt điện chạy than, khí đốt và nhiệt điện cung cấp cho nền kinh tế (khoảng 48%).