Bến Tre: Gỡ vướng, đẩy nhanh tiến độ các dự án điện gió

Tỉnh Bến Tre đã và đang phối hợp chặt chẽ với các dự án năng lượng tái tạo, đặc biệt là các dự án điện gió nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ dự án.

Theo Quy hoạch phát triển điện gió tỉnh Bến Tre giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Bộ Công Thương phê duyệt, tiềm năng phát triển điện gió của tỉnh được nghiên cứu ở vùng đất liền ven biển và vùng bãi bồi ven biển (vị trí cách bờ xa nhất khoảng 12km), với diện tích khoảng 39.320ha, quy mô công suất 1.520MW.

Trong đó, giai đoạn đến năm 2020, tỉnh được phê duyệt 6 nhà máy điện gió với tổng công suất 179,7MW. Cụ thể, Nhà máy điện gió số 2 (30MW); Nhà máy điện gió số 5 (30MW) và Nhà máy điện gió Thanh Phong (29,7MW) đóng trên địa bàn huyện Thạnh Phú; Nhà máy điện gió số 7 (30MW) trên địa bàn huyện Ba Tri; Nhà máy điện gió số 9 (30MW) và Nhà máy điện gió số 10 (30MW) trên địa bàn huyện Bình Đại.

Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre - Cao Văn Trọng (thứ 2 trái sang) khảo sát tiến độ thi công của Dự án Nhà máy điện gió số 5, tại xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú - Ảnh: enternews.vn.

Với cơ chế ưu đãi điện gió theo Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã thu hút nhiều nhà đầu tư tham gia đề xuất phát triển dự án điện gió. Đến thời điểm hiện tại, tỉnh Bến Tre có thêm 828MW mới được Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung vào quy hoạch đối với 13 dự án, lũy kế đạt 66,3% tổng công suất dự kiến phát triển theo quy hoạch đến năm 2030. Tổng công suất các dự án điện gió đã được UBND tỉnh trình và đang chờ xem xét bổ sung quy hoạch đạt 5.370MW.

Ngoài ra, một số nhà đầu tư khác cũng đang trong quá trình khảo sát, lập hồ sơ, với quy mô hơn 1.000MW. Các nhà máy điện gió ngoài khơi đã khảo sát vị trí cách bờ lên đến 42km.

Về tiến độ triển khai các dự án, theo Sở Công Thương Bến Tre, mặc dù chủ đầu tư 6 dự án điện gió có quyết tâm và cam kết thời gian hoàn thành tiến độ đóng điện nhưng hiện các dự án triển khai rất chậm do phải điều chỉnh chủ trương đầu tư, yêu cầu công nghệ và giải pháp kỹ thuật theo quy định phức tạp, nhất là đều gặp vướng mắc trong đền bù giải phóng mặt bằng, phương án đấu nối chưa thống nhất...

Đáng chú ý, do áp lực về tiến độ, các chủ đầu tư không tuân thủ đúng các quy định về trình tự thu hồi đất mà trực tiếp thỏa thuận giá cả đền bù với người dân, điều này làm cho mức giá đất trong khu vực có dự án tăng rất cao, dẫn đến khó khăn khi triển khai các công trình cần phải thu hồi đất sau này. Bên cạnh đó, do thi công trong điều kiện thời tiết không thuận lợi và dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp...cũng làm chậm tiến độ dự án.

Một vấn đề đặt ra hiện nay là các dự án năng lượng tái tạo phát triển khá nhanh trong khi lưới điện truyền tải chưa đáp ứng đủ, do đó cần phải có sự tính toán kỹ lưỡng, bài bản giữa công suất nguồn với phụ tải và lưới để từ đó đề xuất cơ chế đấu nối chung của các dự án trên cùng một địa bàn. Mặt khác, do chưa có cơ chế cho tư nhân tham gia xây dựng lưới truyền tải nên chưa huy động hết các nguồn lực trong đầu tư phát triển năng lượng. Sở Công thương Bến Tre đã kiến nghị các chủ đầu tư nghiên cứu, đề xuất đầu tư lưới truyền tải để đẩy nhanh tiến độ...

Ông Châu Văn Bình, Giám đốc Sở Công Thương Bến Tre cho rằng, để đẩy nhanh tiến độ các dự án, chủ đầu tư cần phối hợp với UNND các huyện trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng để đảm bảo chính sách đền bù theo quy định, tránh tự thỏa thuận giá đền bù riêng lẻ với các hộ dân; đồng thời giữa các nhà đầu tư nên có sự phối hợp trong công tác đấu nối, chia sẻ lợi ích và trách nhiệm trong đấu nối  chung liên hoàn và đồng bộ các dự án.

Theo ông Cao Văn Trọng, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, việc phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch là xu thế tất yếu hiện nay; là định hướng phát triển kinh tế của địa phương, nhất là phù hợp với chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước. Đặc biệt, điện gió đang được hưởng cơ chế ưu đãi theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 mở ra hướng đi mới cho ngành điện Việt Nam. Chính sách đã tháo gỡ nút thắt trong việc phát triển hệ thống lưới điện truyền tải, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia đầu tư hệ thống lưới điện truyền tải quốc gia. Tuy nhiên, điều cần thiết là làm sao cho các dự án đã phê duyệt được triển khai đúng tiến độ.

Nhằm từng bước hoàn thiện hạ tầng lưới điện huy động thêm nguồn năng lượng sạch hòa vào hệ thống điện quốc gia, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Cao Văn Trọng đã chỉ đạo triển khai thực hiện nhiều giải pháp cụ thể. Trong đó, Tổng công ty Điện lực miền Nam tiếp tục hỗ trợ tỉnh tham mưu cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam đề xuất các danh mục công trình dự án lưới điện truyền tải, các dự án năng lượng tái tạo quy mô lớn được đấu nối vào Tổng sơ đồ VIII trình Chính phủ phê duyệt để có cơ sở đầu tư xây dựng các dự án quan trọng là tiền đề để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong giai đoạn tới. Đồng thời, phối hợp và thống nhất với địa phương trong công tác thỏa thuận đấu nối các dự án; có sự phân định trách nhiệm đầu tư đường dây và trạm điện đấu nối các dự án năng lượng tái tạo tại địa phương và các tỉnh lận cận…

Cùng với việc tập trung hỗ trợ các chủ đầu tư trong các thủ tục pháp lý liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, tỉnh Bến Tre cũng quyết liệt trong giải quyết các vướng mắc phát sinh nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án được triển khai đúng tiến độ, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế của tỉnh.

Link gốc


  • 15/09/2020 09:36
  • Nguồn: enternews.vn
  • 2452