Theo đó, hai bên sẽ cùng nhau nghiên cứu tiềm năng và phát triển các trang trại điện gió ở xã Hướng Linh.
Dựa trên tiến độ phát triển cơ sở hạ tầng, khu vực nghiên cứu sẽ được phát triển theo giai đoạn thông qua 6 tiểu dự án với công suất tối thiểu 30 MW. Vestas ASP và THC sẽ tiến hành nghiên cứu sức gió và địa điểm để chọn vị trí đặt tua bin cho các tiểu dự án.
Đại diện THC và Vestas ASP ký biên bản thỏa thuận hợp tác
|
Ông Mai Văn Huế - Chủ tịch THC cho biết, khu vực nghiên cứu được quy hoạch với diện tích gần 2.900 ha. Đây là khu vực giáp Lào, địa hình đồi núi, có nắng và gió quanh năm, dân cư thưa thớt. Người dân ở đây luôn ước mơ biến gió thành một sản phẩm để có thể bán hoặc xuất khẩu, đem lại giá trị kinh tế cho địa phương.
Đánh giá về tiềm năng gió của Việt Nam, ông Clive Turton - Chủ tịch Vestas khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho hay, Việt Nam là quốc gia có tiềm năng về điện gió lớn nhất khu vực ASEAN. Sản lượng điện gió có thể đạt tới 30 GW nếu được đầu tư đúng mức. Hiện nay, Việt Nam cũng đang có nhiều nỗ lực trong việc phát triển năng lượng gió.
“Là doanh nghiệp hàng đầu Đan Mạch trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, Vestas đã và đang mở rộng, nâng cao năng lực tại thị trường Việt Nam; hướng đến một mối quan hệ hợp tác chặt chẽ và khăng khít hơn, giúp các doanh nghiệp Việt Nam nhận ra giá trị, cơ hội và tiềm năng phát triển năng lượng gió”, ông Clive Turton chia sẻ.
Theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020, có xét đến năm 2030, Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu đưa tổng công suất nguồn điện gió lên 800 MW vào năm 2020, đạt khoảng 2000 MW vào năm 2025 và khoảng 6.000 MW vào năm 2030. |