Độc đáo căn phòng xây từ vỏ chai nhựa

Thiết kế đẹp, được xây dựng từ vật liệu tái chế, thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng... là nét nổi bật của căn phòng xây bằng chai nhựa tại Nông trại Hữu cơ Tuệ Viên, quận Long Biên, Hà Nội.

Căn phòng có diện tích hơn 10 m2 được dùng làm thư viện. Để xây dựng căn phòng này, cần thu gom khoảng hơn 8.800 vỏ chai nhựa, sử dụng thêm gạch, tre nứa, xi măng tạo kết dính.

Chị Nguyễn Thanh Phương – Quản lý Nông trại cho biết: Ý tưởng về căn phòng được nung nấu từ lâu, nhưng phải đến đầu năm 2015, khi gặp được kiến trúc sư Nguyễn Đức Duy, thì ý tưởng mới dần dần được định hình. Ban đầu, căn phòng được thiết kế theo mô hình nhà tròn, nhằm tạo sự độc đáo. Tuy nhiên, với vật liệu là chai nhựa dồn cát, các bạn trẻ không thể đẽo gọt như với gạch nung, nên rất khó tạo thành kết cấu nhà tròn. Do đó, bắt tay vào thi công, phòng được dựng lên với 4 mảng tường vuông, phủ mái tôn lạnh, đảm bảo bền vững.

Công trình "nhà chai" có kết cấu vững chắc, được sử dụng làm thư viện cho trẻ em - Ảnh: CTV

Từ tháng 6/2015, việc thu gom vỏ chai nhựa bắt đầu được triển khai. Chị Phương cho biết, tìm vỏ chai nhựa không dễ dàng vì phải chọn loại vỏ có kích thước đồng đều. Mất hơn 3 tuần, khoảng hơn 10.000 vỏ chai mới được thu thập về, từ đó chọn được 8.800 vỏ chai nhựa đủ tiêu chuẩn. Hầu hết các vỏ chai đều còn sót lại nước ngọt, nước lọc bên trong, phải mất công lọc rửa kĩ càng làm cho các bạn trẻ vất vả hơn.

“Chúng tôi chọn thời điểm tháng 6 là tháng nắng nóng nhất trong năm để triển khai công việc, vì đó là lúc thích hợp nhất phơi khô cát. Mỗi chai nhựa phải dồn đầy cát, tạo độ bền chắc như viên gạch. Khi xây nhà, đầu chai sẽ hướng vào bên trong và đuôi nhô ra ngoài”- chị Phương chia sẻ.

Công việc vất vả, nhưng công trình thư viện xanh của Nông trại Hữu cơ Tuệ Viên đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của tuổi trẻ Thủ đô. 500 tình nguyện viên là sinh viên các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn Hà Nội, các đoàn viên của Thành đoàn Hà Nội thay phiên nhau đến làm “thợ xây”. Đến tháng 10/2015, căn phòng đã hoàn thành, trở thành một thư viện nhỏ miễn phí cho cộng đồng.

Với 3 mảng tường được trổ cửa sổ lớn, thư viện tận dụng được ánh sáng tự nhiên, không cần sử dụng nhiều điện năng thắp sáng. Đặc biệt, một góc tường Thư viện còn được thiết kế với gần 300 chai đựng đầy nước lọc (thay vì dồn cát), đan xen giữa các loại màu của vỏ chai, tạo thành điểm nhấn ánh sáng tự nhiên rất bắt mắt.

“Được xây dựng từ cảm hứng sống xanh, chúng tôi rất chú trọng tới tính thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng của công trình. Ngoài việc tận dụng năng lượng mặt trời làm nguồn sáng, ưu điểm nổi bật của các chai cát là tạo được lớp cách nhiệt tốt, độ chênh lệch nhiệt độ lớn giữa trong nhà và ngoài trời, đảm bảo ấm về đông, mát về hè. Chúng tôi không cần sử dụng các thiết bị làm mát hay sưởi ấm” – chị Phương cho biết thêm.

Thư viện tại Trang trại Hữu cơ Tuệ Viên là bước khởi đầu thuận lợi, từ đó có thể nhân rộng mô hình nhà tái chế, tiết kiệm năng lượng tại Việt Nam. Sau khi khánh thành, thư viện thường xuyên đón các em thiếu nhi vào tham quan, đọc sách, không chỉ tạo không khí vui chơi bổ ích cho thiếu nhi mà còn truyền cảm hứng sống xanh để thế hệ trẻ có ý thức rõ ràng hơn, cụ thể hơn về bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng.


  • 09/03/2017 02:25
  • Theo: Chuyên đề Thế giới điện
  • 2479