Giải bài toán điện cho thanh long

Chong đèn kích thích thanh long cho trái quanh năm tuy mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân nhưng cũng tạo ra áp lực lớn cho ngành Điện trong việc đảm bảo đủ nguồn cung phục vụ sản xuất.

Thay đổi ở “vương quốc” thanh long

Tại tỉnh Bình Thuận, nơi được mệnh danh là “vương quốc” thanh long, trước đây, nhà vườn chủ yếu sử dụng bóng đèn tròn (đèn sợi đốt) để sản xuất thanh long trái vụ. Vào mùa cao điểm, việc chong đèn tiêu thụ lượng điện quá lớn, dẫn đến thiếu điện cục bộ. Tình trạng này càng nghiêm trọng hơn khi có nhiều nông dân đầu tư mở rộng diện tích trồng thanh long. Công ty Điện lực Bình Thuận đã phải nỗ lực tìm nhiều giải pháp để cải thiện tình hình và một trong số đó là khuyến khích các nhà vườn chuyển từ sử dụng đèn tròn công suất 60 W sang dùng đèn compact 20 W.

Lúc đầu, việc vận động người dân chuyển đổi gặp rất nhiều khó khăn bởi nhà vườn lo thanh long sẽ không ra hoa, trong khi chi phí đầu tư ban đầu quá cao. Nhưng thực tế đã chứng minh, giải pháp chong đèn thanh long bằng đèn compact mang lại hiệu quả cao cho những nhà vườn đi tiên phong. Theo kết quả khảo sát thực tế của Trung tâm Nghiên cứu và phát triển thanh long Bình Thuận, trong cùng một điều kiện về chế độ canh tác, chăm sóc, tuổi cây, thời điểm và số đêm, số giờ chong đèn... hiệu quả cây thanh long ra hoa trái vụ giữa dùng đèn compact 20 W và đèn sợi đốt 60 W là ngang nhau. Nhưng sử dụng đèn compact giúp nông dân tiết kiệm 2/3 lượng điện tiêu thụ, tuổi thọ bóng đèn cao hơn, ít chết bóng, tận dụng chiếu sáng được nhiều trụ thanh long.

Nhiều hộ dân trồng thanh long tại tỉnh Bình Thuận đã hoàn toàn tin tưởng dùng đèn compact tiết kiệm điện để chong đèn  kích thích cho thanh long ra hoa trái vụ - Ảnh: Đình Hoàng.

Sau nhiều vụ chong đèn hiệu quả, phương pháp sử dụng đèn compact đã được nông dân Bình Thuận tin tưởng và nhân rộng ra toàn tỉnh. Đến nay, các huyện có diện tích trồng thanh long lớn như Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc, tỷ lệ nhà vườn sử dụng đèn compact ngày càng nhiều.

Ông Phạm Minh Tuấn, Phó giám đốc Công ty Điện lực Bình Thuận, cho biết: “Tới đây, nếu giải pháp này được áp dụng trên toàn bộ diện tích trồng thanh long gần 20.000 ha của tỉnh, sẽ giúp giảm hơn 300 triệu KVA, xấp xỉ 406 tỉ đồng”.

Giảm chi phí, tăng hiệu quả

Tại huyện Châu Thành (Long An), diện tích cây thanh long đã phát triển rất nhanh từ những vườn nhỏ lẻ thành các vùng chuyên canh rộng lớn. Theo bà Nguyễn Thị Đậm, Trưởng phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn huyện Châu Thành, hiện tổng diện tích trồng thanh long của huyện đã đạt 2.748 ha, vượt xa so với quy hoạch 2.380 ha vào năm 2015. Đã có nhiều cuộc tiếp xúc giữa người trồng thanh long và ngành Điện nhằm sử dụng nguồn điện an toàn, hiệu quả, tiết kiệm. Nhất là khi Tổng công ty Điện lực miền Nam triển khai dự án thay đèn tròn sợi đốt 60 W bằng đèn compact 20 W với kinh phí hơn 21,5 tỉ đồng, không chỉ tháo gỡ khó khăn cho ngành Điện mà còn giúp nông dân tiết giảm chi phí sản xuất. Dự án ngay lập tức nhận được sự hưởng ứng của nông dân.

Ông Nguyễn Minh Chánh, xã Hiệp Thành ( huyện Châu Thành, Long An), một trong những hộ trồng thanh long mạnh dạn chuyển đổi, cho biết: “Tôi có 1.900 trụ thanh long, lúc đầu ngán đầu tư vì tiền bỏ ra quá nhiều, nhưng khi làm thí điểm mới thấy bóng đèn compact hiệu quả không thua bóng tròn. Tôi nghĩ, nếu được hỗ trợ từ ngành Điện và nhà sản xuất bóng đèn, người dân sẵn sàng chuyển sang dùng đèn compact bởi việc này có lợi đôi đường”.

Theo tính toán của Tổng công ty Điện lực miền Nam, nếu áp dụng giải pháp trên cho toàn bộ diện tích thanh long ở Bình Thuận (khoảng 19.000 ha), hằng năm sẽ tiết kiệm khoảng 228 tỉ đồng. Còn ở Long An, Tiền Giang nông dân cũng sẽ tiết kiệm hơn 50 tỉ đồng/năm. Đây thực sự là số tiền không hề nhỏ đối với người trồng thanh long cũng như giúp ngành Điện miền Nam giảm bớt áp lực trong việc đảm bảo nguồn điện phục vụ sản xuất trên địa bàn.


  • 01/04/2014 09:30
  • Theo: Báo Thanh niên
  • 3566