Sử dụng nhiệt thải từ luyện than cốc để sản xuất điện năng

Công ty CP Năng lượng Hòa Phát là đơn vị đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam hiện đang tận dụng nguồn nhiệt dư thừa trong quá trình luyện than cốc (coke) để sản xuất điện.

Phát điện từ nhiệt của 160 buồng lò

Khu liên hợp gang thép Hòa Phát của Tập đoàn Hòa Phát tại Kinh Môn, Hải Dương là một tổ hợp khép kín từ luyện than cốc, sản xuất điện đến luyện thép và cả chế biến thép. Nhà máy luyện than cốc là điểm khởi đầu cho chu trình khép kín đó.

Ông Đỗ Hồng Ánh, Phó giám đốc Công ty CP Năng lượng Hòa Phát nói: “Do than cốc được luyện quanh năm, từ 160 buồng lò luyện, công suất 700.000 tấn/năm nên lượng nhiệt dư rất lớn (khoảng 1.200 độ C). Chính từ lượng nhiệt dư lớn như vậy, nên ngay từ khi thiết kế, công ty đã đầu tư thêm 270 tỉ đồng để xây dựng nhà máy nhiệt điện, thu nguồn nhiệt dư này chạy máy phát điện".

Ông Đỗ Hồng Ánh cho biết, nguồn nhiệt dư thừa từ luyện than được chúng tôi dùng ống thu nhiệt đưa về nồi hơi, từ nồi hơi dẫn ra tuốc bin để chạy máy phát điện. Trung bình công suất máy phát đạt khoảng 15 MW, giá thành sản xuất điện rẻ, chỉ 450 đồng/kWh. Công ty năng lượng Hòa Phát dùng hết 2 MW, bán khoảng 87% còn lại cho Nhà máy thép của Công ty CP thép Hòa Phát, mỗi tháng khoảng 9 triệu kWh, thu về gần 10 tỉ đồng. Lượng điện từ chúng tôi đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu điện của nhà máy thép.

Theo ông Ánh, quy trình sản xuất sạch này còn được Tập đoàn Hòa Phát dự liệu: nếu nâng cao công suất luyện than cốc lên 1 triệu tấn/năm thì sản lượng điện cũng có thể tăng lên khoảng 50 MW. Hai con số “cùng tiến” này đã làm nên thế mạnh khác biệt của Hòa Phát.

 

 Than cốc đang được đốt cháy để luyện gang trong Khu liên hợp gang thép Hòa Phát.

Cần nhiều doanh nghiệp lựa chọn phát triển sạch

Với những quyết định đầu tư táo bạo về công nghệ hiện đại, Công ty CP Năng lượng Hòa Phát đã đi trước một bước trong việc xây dựng một mô hình tích hợp dọc tương đối hoàn chỉnh, xoay quanh trụ cột chính là thép. Là một công ty con của Tập đoàn Hòa Phát, Nhà máy sản xuất than cốc và Nhiệt điện đã góp phần tự chủ về năng lượng và nguyên liệu (thay thế nhập khẩu than mỡ) cho quy trình luyện thép.

Để chuyển tiếp giữa các giai đoạn xây dựng, Công ty Cổ phần Năng lượng Hòa Phát cũng phải từng bước tháo gỡ những khó khăn về vốn. Ngoài nguồn vốn vay của các ngân hàng trong nước, Công ty cổ phần Năng lượng Hòa Phát là doanh nghiệp tư nhân đầu tiên được vay vốn ODA của Nhật từ các tiêu chí cốt lõi của doanh nghiệp: đây là dự án lớn về tiết kiệm năng lượng, sử dụng hiệu quả năng lượng tái tạo, có báo cáo kiểm toán năng lượng của cơ quan chức năng và tính khả thi thu hồi vốn hiệu quả.

Rất nhiều nhà máy sản xuất lớn đang loay hoay với câu hỏi: làm thế nào để tự chủ về năng lượng tại chỗ như Hòa Phát? Theo ý kiến TS. Nguyễn Xuân Quang- Viện Khoa học & Công nghệ Nhiệt - Lạnh, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội: "Những nhà máy có quy mô sản xuất lớn như xi măng, thép…nên tận dụng nhiệt thải để phát điện. Bài toán tận dụng thế nào và như thế nào để có hiệu quả thì cần phải có những tính toán cụ thể, chi tiết".

Ở khâu thiết kế cho một quy trình biến nhiệt thành điện, theo TS. Quang, cần tính toán đến những yếu tố ảnh hưởng sau: Lượng nhiệt thừa, nhiệt độ của khói cần đủ lớn cho một chu trình hiệu quả; trang thiết bị nhập từ nguồn nào, có đảm bảo chất lượng; nhà máy cần hoạt động tương đối ổn định để có được lượng nhiệt thừa cung cấp ổn định với nhiệt độ ổn định. Ngoài những vấn đề trên thì vốn luôn là bài toán gian nan của doanh nghiệp.

“Đối với Công ty Cổ phần Năng lượng Hòa Phát: lò luyện than coke sinh ra nhiều nhiên liệu khí coke có khả năng cháy và sinh nhiệt tốt. Bởi vậy, việc tận dụng lượng khí thải này để phát điện là quá tốt”. (TS. Nguyễn Xuân Quang- Viện KH&CN Nhiệt - Lạnh, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội)

 

 


  • 26/02/2014 02:20
  • Kiều Anh
  • 6535