Quản lý năng lượng để tiết kiệm điện ở Lâm Đồng

Tại tỉnh Lâm Đồng, tiết kiệm điện trong mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt vẫn là ưu tiên hàng đầu, vừa giúp giảm chi phí cho người sử dụng đồng thời giảm áp lực phải tăng sản lượng điện của ngành Điện. Quản lý năng lượng hiệu quả chính là chìa khóa cho việc tiết kiệm điện tối đa mà vẫn đảm bảo sử dụng điện năng đầy đủ.

Theo ông Đặng Vũ Dũng, Giám đốc Trung tâm Tư vấn phát triển công nghiệp, đơn vị chuyên làm công việc kiểm toán năng lượng và tư vấn quản lý năng lượng cho biết, nếu áp dụng kiểm toán năng lượng và quản lý năng lượng đúng, lượng điện năng tiêu thụ sẽ tiết giảm hiệu quả mà vẫn đảm bảo việc hoạt động của đơn vị, hộ gia đình được diễn ra bình thường.

Năm 2013, Trung tâm Tư vấn phát triển công nghiệp đã kiểm toán năng lượng cho 3 nhà máy chế biến nông sản đồng thời xây dựng 8 mô hình quản lý sử dụng năng lượng, trong đó 2 mô hình quản lý năng lượng công bao gồm tòa nhà Thành ủy Bảo Lộc và Trường Mầm non Anh Đào - Đà Lạt.

Tại tòa nhà Thành ủy Bảo Lộc, sau khi xây dựng và duy trì sử dụng mô hình quản lý năng lượng, chi phí năng lượng tiết giảm từ 15-20% điện năng tiêu thụ, mỗi năm tiết kiệm được gần 5.000 kWh. Với Trường Mầm non Anh Đào - Đà Lạt, lượng điện năng tiết kiệm được cũng lên tới 15-20%/năm.

Đặc biệt, với hệ thống trường học, qua đo đạc và tính toán kỹ thuật chính xác, việc lắp đặt hệ thống chiếu sáng còn phù hợp với thị lực học sinh, góp phần đẩy lùi các bệnh về mắt ở trẻ liên quan tới việc chiếu sáng không phù hợp. 

Các chuyên viên của Trung tâm Tư vấn phát triển công nghiệp đang kiểm tra chất lượng các thiết bị điện, nhắm tư vấn cho các khách hàng - Ảnh: Thiên Phương.

Ông Đặng Vũ Dũng, Giám đốc Trung tâm Tư vấn phát triển công nghiệp cho biết: "Kiểm toán năng lượng là đánh giá đầy đủ nhu cầu, quy trình sử dụng, từ đó chúng tôi đề xuất việc quản lý năng lượng phù hợp. Quản lý năng lượng có nhiều nội dung, trong đó có việc khuyến cáo thay đổi từ các thiết bị tiêu tốn điện năng sang các thiết bị tiết kiệm điện, xây dựng hệ thống quản lý sử dụng điện và tư vấn thay đổi cách sử dụng điện của người sử dụng. Và với điều kiện thực tế của Lâm Đồng, chúng tôi vẫn đánh giá quan trọng nhất là thay đổi quan niệm của người sử dụng, thuyết phục họ thay đổi hành vi để tiết kiệm điện". 

Qua thực tế cho thấy, việc thay đổi các thiết bị bình thường sang thiết bị tiết kiệm điện thực sự rất khó thực hiện do các thiết bị tiết kiệm điện khá đắt tiền.

Cụ thể, một đèn LED tiết kiệm điện có giá tới 450 ngàn đồng, trong khi bóng compact chỉ có 35 ngàn đồng/bóng. Bởi vậy, hầu hết các công sở, nhà máy tại Lâm Đồng khó thực hiện được việc thay đổi những thiết bị cũ sang thiết bị mới do chi phí đầu tư quá lớn. Chính từ lý do đó, khi tư vấn quản lý năng lượng, Trung tâm Tư vấn phát triển công nghiệp đều chú ý tới việc trang bị kiến thức về sử dụng năng lượng hiệu quả và tiết kiệm cho cán bộ quản lý cũng như nhân viên sử dụng song song với việc xây dựng một hệ thống quản lý, việc sử dụng điện một cách hợp lý, vừa tiết kiệm mà vẫn đảm bảo hệ thống điện hoạt động đủ công năng.

Ở các quốc gia phát triển và ngay tại những Trung tâm công nghiệp của Việt Nam, việc xây dựng các mô hình quản lý năng lượng là rất phổ biến. Với Lâm Đồng, do quy mô các nhà máy, công sở còn nhỏ hẹp, việc áp dụng mô hình quản lý năng lượng còn chưa phổ biến. Tuy nhiên, nếu chưa đủ khả năng áp dụng các biện pháp kỹ thuật đòi hỏi chi phí cao, việc xây dựng các quy trình quản lý sử dụng năng lượng hợp lý cộng với thay đổi hành vi của người sử dụng, việc tiết kiệm điện năng cũng đã đạt được một bước đáng kể.

 


  • 16/01/2014 09:48
  • Hồ Ngọc Thiên Phương (PC Lâm Đồng)
  • 2282