PV: Vì sao GE lại chọn Việt Nam là quốc gia đầu tiên trong khu vực giới thiệu hệ sinh thái các giải pháp năng lượng, thưa ông?
Ông Wouter Van Wersch: Chúng tôi chọn Việt Nam là nơi ra mắt khái niệm hệ sinh thái các giải pháp năng lượng bởi đây là một trong những thị trường có nhu cầu năng lượng lớn nhất thế giới và cũng là quốc gia “cởi mở” với những ý tưởng, giải pháp mới, cung cấp nguồn năng lượng ổn định, bền vững với chi phí hợp lý.
Ông Wouter Van Wersch
|
Vì vậy, GE đã giới thiệu một số giải pháp mới, hy vọng sẽ mang lại hiệu quả cao. Trong đó, rất nhiều giải pháp GE đã và đang hợp tác phát triển cùng với các đối tác, khách hàng tại nhiều quốc gia trên thế giới, đạt được mục tiêu về an ninh năng lượng, phát triển năng lượng bền vững trong tương lai.
PV: Trong các giải pháp về năng lượng cho Việt Nam, GE đã nhấn mạnh đến NLTT. Tuy nhiên, thời gian tới, nhiệt điện than vẫn là nguồn năng lượng quan trọng?
Ông Wouter Van Wersch: Đối với GE, cơ cấu nguồn điện cân bằng, hợp lý, ổn định, với nhiều nguồn năng lượng khác nhau là điều vô cùng quan trọng. Để đáp ứng được mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh, Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu ưu tiên phát triển NLTT trong khi vẫn nhấn mạnh vai trò của nhiệt điện than.
Trong các giải pháp năng lượng cho Việt Nam, GE sẽ cung cấp những công nghệ hiện đại, tiên tiến nhất từ điện gió, thủy điện đến nhiệt điện than và tuabin khí, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất điện.
Đối với các dự án nhiệt điện than, GE đã tham gia cung cấp công nghệ cho Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 và Vĩnh Tân 4. Hiện, GE cũng đang tiếp tục “theo đuổi” và mong muốn hợp tác với các dự án nhiệt điện than chuẩn bị triển khai trong thời gian tới tại Việt Nam. Mục tiêu của GE không chỉ cung cấp cho ngành năng lượng Việt Nam nói chung và ngành Điện nói riêng những công nghệ hiện đại giúp nâng cao hiệu suất, giảm phát thải, đáp ứng được những quy chuẩn ngày càng khắt khe về môi trường.
PV: Để có thể triển khai các giải pháp năng lượng trong hệ sinh thái, Việt Nam cần phải làm gì, thưa ông?
Ông Wouter Van Wersch: Trước hết, Việt Nam cần phải xây dựng được cơ cấu nguồn năng lượng hợp lý, bao gồm cả thủy điện, nhiệt điện than, nhiệt điện khí, năng lượng tái tạo, đảm bảo sự ổn định, phát triển bền vững với mức đầu tư hợp lí. Riêng đối với NLTT cần phải có hợp đồng mua bán điện với giá bán hợp lý.
Thời gian qua, một số quốc gia trên thế giới đã mắc sai lầm là quên đầu tư phát triển
nguồn nhân lực. Nếu chỉ đầu tư vào công nghệ, thiết bị hiện đại, thiếu nhân lực vận hành, bảo trì, bảo dưỡng thiết bị, sẽ không thể phát huy được giá trị đầu tư.
PV: GE có những giải pháp nào hỗ trợ EVN trong bối cảnh khó huy động vốn đầu tư như hiện nay?
Ông Wouter Van Wersch: Thị trường vốn toàn cầu luôn có giới hạn. Tuy nhiên, vẫn có các tổ chức, ngân hàng quan tâm đến các dự án nhiệt điện than với công nghệ mới nhất, nhằm mang lại hiệu quả cao nhất.
Đối với những quốc gia không nhận được nguồn vốn đầu tư từ Ngân hàng Thế giới (WB) hoặc các cơ quan phát triển khác, để có nguồn vốn đầu tư vào nhiệt điện than, có thể chuyển hướng sang vay vốn thương mại. Ví dụ điển hình là năm 2016, GE đã phát triển dự án nhiệt điện than tại Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất sử dụng hoàn toàn vốn vay thương mại.
Vì vậy, để huy động đủ vốn cho các dự án điện, đặc biệt là các dự án nhiệt điện than, cần phải tính đến toàn bộ vòng đời và hiệu quả của dự án. GE cũng sẽ cố gắng cung cấp thiết bị tốt nhất, từ đó, có thể giảm chi phí bảo trì, bảo dưỡng, góp phần giảm chi phí toàn bộ vòng đời của dự án. GE cũng sẽ hỗ trợ, tạo điều kiện để EVN tiếp cận vốn với bên thứ ba nếu EVN đầu tư phát triển các giải pháp cho hệ sinh thái năng lượng.